Từ lộ trình chính sách…
Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn từ thiên tai và biến đổi khí hậu, Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một chiến lược quan trọng nhằm hướng đến phát triển bền vững.
Năm 2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 432/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020”, trong đó đề cập đến cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực tài chính để thực hiện phát triển bền vững.
Cũng trong năm này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó xác định tăng trưởng xanh là cách thức phát triển phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế trong giai đoạn sắp tới của Việt Nam.
Đến năm 2014, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn đoạn 2014-2020”, trong đó quy định về các nguồn vốn thực hiện các hoạt động gồm: vốn từ ngân sách Nhà nước trong Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu; từ nguồn lực của các doanh nghiệp; từ cộng đồng và từ nguồn viện trợ của quốc tế.
Đồng thời, Nhà nước sẽ ưu tiên và dành kinh phí thỏa đáng từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, đặc biệt cho nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo.
Nhà nước cũng sẽ tạo cơ sở pháp lý khuyến khích các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp đầu tư nguồn lực để thực hiện các hoạt động của Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh…
Nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 403/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tháng 10/2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 2183/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch hành động ngành tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.
Cụ thể, sẽ xây dựng tổng thể định hướng phát triển ngành tài chính xanh, trong đó xác định định hướng điều chỉnh chung, phương thức tổ chức thực hiện, cách thức phân bổ, sử dụng các nguồn lực tài chính nhằm hướng tới thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung một số chính sách thuế, phí bảo vệ môi trường; quy chế mua sắm công xanh; ưu tiên bố trí kinh phí cho các hoạt động có liên quan đến bảo vệ môi trường, thúc đẩy tăng trưởng xanh; rà soát các chính sách xã hội liên quan đến việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh; rà soát các cam kết hội nhập quốc tế và nghiên cứu xu hướng hợp tác quốc tế về tài chính xanh...
Đặc biệt, một trong những giải pháp quan trọng là Bộ Tài chính sẽ thực hiện rà soát, hoàn thiện khung chính sách tài chính nhằm phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh.
Theo đó, các hoạt động trên thị trường vốn sẽ được thiết lập một khung tài chính xanh như: ban hành các quy định, điều kiện khi niêm yết cổ phiếu (niêm yết xanh), báo cáo (trong báo cáo bền vững) và trong giám sát (theo các tiêu chí tài chính xanh).
Đồng thời, huy động vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh thông qua thị trường vốn cho các doanh nghiệp, dự án và sản phẩm xanh thông qua niêm yết, phát hành cổ phiếu xanh; phát hành trái phiếu, chứng chỉ đầu tư... cho các dự án, chương trình và lĩnh vực xanh; xây dựng các bộ chỉ số xanh để theo dõi, đánh giá và giao dịch trên thị trường vốn; ban hành quy chế hoặc hướng dẫn về quản trị rủi ro môi trường, xã hội cho các tổ chức thị trường, cho các thành viên thị trường là các định chế tài chính và các doanh nghiệp niêm yết.
Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm của thị trường vốn xanh bao gồm: trái phiếu xanh (các trái phiếu của doanh nghiệp xanh, phát hành cho các dự án xanh hoặc các sản phẩm xanh); trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ cho các mục tiêu, chương trình, dự án xanh; các chỉ số xanh, chỉ số bền vững, chỉ số các-bon; các chứng chỉ, chứng chỉ đầu tư xanh của các quỹ đầu tư phát hành.
Triển khai chính sách giá đối với mặt hàng xăng, dầu, điện, nước, đảm bảo nguyên tắc cơ chế giá thị trường, đồng thời khuyến khích sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, phát triển các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách tín dụng, hỗ trợ lãi suất của Nhà nước cho các chương trình, dự án sản xuất - kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường, theo hướng đảm bảo lãi suất ưu đãi so với lãi suất thị trường đối với các hoạt động phòng chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường, các dự án đầu tư bảo vệ môi trường…
… đến những bước đi làm xanh nền chứng khoán Việt
Phát triển bền vững đã và đang trở thành chiến lược được nhiều doanh nghiệp trên thị trường quốc tế lựa chọn, trong đó đề cao chính sách về quản lý rủi ro về môi trường và xã hội cũng như công bố thông tin về cách thức doanh nghiệp quản lý các vấn đề này. Tuy nhiên, đây lại là một vấn đề tương đối mới mẻ đối với thị trường Việt Nam.
Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia cho thấy sự tham gia của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và các Sở giao dịch chứng khoán sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thực hiện nghiêm túc các vấn đề phát triển bền vững nói riêng và định hướng phát triển bền vững nói chung của các doanh nghiệp thông qua các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cũng như xây dựng các tiêu chí niêm yết, yêu cầu công bố thông tin liên quan đến lĩnh vực này.
Nhận thức được vấn đề đó, UBCK đã phối hợp với Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) triển khai chương trình hợp tác nhằm giới thiệu các khái niệm mới về phát triển bền vững, trách nhiệm của doanh nghiệp với môi trường và xã hội, hướng dẫn xây dựng báo cáo công bố thông tin phát triển bền vững.
UBCK và IFC đã hợp tác phát hành cuốn Sổ tay “Hướng dẫn lập báo cáo phát triển bền vững” vào năm 2012, sổ tay đưa ra quy trình và các tiêu chí cơ bản giúp các doanh nghiệp của Việt Nam có thể tự xây dựng báo cáo phát triển bền vững cho doanh nghiệp mình để công bố và giới thiệu cho cộng đồng và công chúng đầu tư.
Năm 2016, UBCK và IFC phối hợp phát hành Sổ tay Hướng dẫn công bố thông tin về môi trường và xã hội (E&S), khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng nhằm thực hiện tốt công tác công bố thông tin về môi trường và xã hội.
Bên cạnh đó, UBCK đã phối hợp với Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và IFC đưa nội dung Báo cáo về E&S vào tiêu chí chấm điểm Báo cáo thường niên của các công ty niêm yết. Từ đó, tổ chức trao giải thưởng Báo cáo phát triển bền vững hàng năm. Chương trình chấm đã được đông đảo công ty niêm yết trên cả hai Sở giao dịch chứng khoán tham gia.
Về trái phiếu xanh, ngay từ cuối năm 2015, thực hiện chương trình hợp tác giữa UBCK với GIZ, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã xây dựng Đề án phát triển thị trường trái phiếu xanh.
Trên cơ sở đề án phát triển thị trường trái phiếu xanh, ngày 20/10/2016, lãnh đạo Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án phát hành thí điểm trái phiếu xanh của chính quyền địa phương và chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thí điểm trái phiếu xanh chính quyền địa phương. Hai địa phương đầu tiên là TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu đã đồng ý triển khai đề án này.
Đến nay, TP.HCM đã phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương xanh cho 34 dự án, trong đó lập danh mục 11 dự án xanh dựa trên “Danh mục dự án xanh” do Ngân hàng Nhà nước ban hành. Đồng thời, Bà Rịa - Vũng Tàu đã chuẩn bị cho đợt phát hành trái phiếu xanh đầu tiên 500 tỷ đồng cho 8 dự án xanh.
Trong chương trình hợp tác từ năm 2018, GIZ dự kiến sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, UBCK, hai Sở Giao dịch chứng khoán và IFC xây dựng đề án phát triển trái phiếu xanh doanh nghiệp và trái phiếu xanh định chế tài chính và thí điểm phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh, trước mắt có thể là các công ty thuộc VNSI (Top 20 doanh nghiệp về phát triển bền vững) và ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam.