Những bất ổn toàn cầu sẽ tiếp tục đẩy giá vàng lên mức kỷ lục mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong tuần này, giá vàng đã tăng vọt lên trên ngưỡng lịch sử 2.700 USD/ounce khi được thúc đẩy bởi căng thẳng leo thang ở Trung Đông, sự bất ổn xung quanh cuộc bầu cử Mỹ và kỳ vọng nới lỏng chính sách tiền tệ trên toàn cầu.
Những bất ổn toàn cầu sẽ tiếp tục đẩy giá vàng lên mức kỷ lục mới

"Với xung đột ngày càng gia tăng, đặc biệt là sau tuyên bố leo thang xung đột của Hezbollah với Israel, các nhà đầu tư đang đổ xô vào vàng - tài sản trú ẩn an toàn truyền thống", Alexander Zumpfe, nhà giao dịch kim loại quý tại Heraeus Metals cho biết.

Căng thẳng địa chính trị gia tăng đã thúc đẩy các nhà đầu tư tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn như vàng, do tâm lý sợ rủi ro và lo ngại về sự bất ổn của thị trường toàn cầu.

"Thêm vào đó, những lo ngại xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và dự đoán về các chính sách tiền tệ nới lỏng đã thúc đẩy thêm đà tăng", ông Alexander Zumpfe cho biết thêm.

Giá vàng đã phá vỡ kỷ lục nhiều lần trong năm nay khi kỳ vọng về việc các ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn và những bất ổn về địa chính trị đã thúc đẩy giá vàng tăng hơn 30% từ đầu năm đến nay, và cũng là mức tăng trưởng hàng năm tốt nhất kể từ năm 1979.

Lãi suất thấp hơn làm tăng sức hấp dẫn của vàng vì vàng không có lợi tức cố định. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có khả năng sẽ cắt giảm lãi suất thêm vào tháng 12 trừ khi dữ liệu kinh tế cho thấy điều ngược lại. Theo công cụ Fedwatch của CME, thị trường cũng đang định giá khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất vào tháng 11 là 92%.

Max Layton, giám đốc nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại Citi dự đoán giá vàng sẽ đạt 3.000 USD/ounce trong vòng 6-12 tháng tới, như một kênh tích trữ tài sản trong thời kỳ kinh tế bất ổn cao ở Mỹ và châu Âu, thúc đẩy nhu cầu đầu tư và ETF.

Bank of America cũng dự kiến ​​giá vàng sẽ đạt mốc 3.000 USD/ounce vào nửa đầu năm 2025. Sự kết hợp của sự bất ổn kinh tế vĩ mô, mức nợ tăng và hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương khiến vàng trở thành "tài sản trú ẩn an toàn cuối cùng".

“Vàng vẫn là tài sản trú ẩn an toàn được xem là tối thượng trong môi trường kinh tế vĩ mô hiện nay”, nhà phân tích hàng hóa Michael Widmer của Bank of America cho biết.

Một yếu tố chính củng cố lập trường lạc quan của Bank of America về giá vàng là quỹ đạo chính sách tài khoá của Mỹ.

Lãi suất tăng đã làm tăng đáng kể chi phí trả nợ của chính phủ liên bang, gây ra lo ngại về tính bền vững của chính sách tài khoá. Theo dự báo của chính phủ, nợ quốc gia của Mỹ dự kiến ​​sẽ đạt mức cao kỷ lục mới trong vòng ba năm tới.

Báo cáo của CRFB cho biết, các chính sách do Phó Tổng thống Kamala Harris đề xuất có thể làm tăng nợ quốc gia thêm 3.500 tỷ USD cho đến năm 2035, trong khi chính sách của cựu Tổng thống Donald Trump có thể làm tăng nợ quốc gia thêm tới 7.500 tỷ USD.

Nợ quốc gia lớn và ngày càng tăng sẽ có nguy cơ làm chậm tăng trưởng kinh tế, tăng lãi suất, làm suy yếu an ninh quốc gia, hạn chế các lựa chọn chính sách và làm tăng nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính.

Theo nhà phân tích hàng hóa Michael Widmer, các chính sách tài khóa mở rộng đang thu hút sự chú ý trên khắp các nền kinh tế tiên tiến, góp phần làm tăng sức hấp dẫn toàn cầu của vàng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính rằng chi tiêu tài khóa mới liên quan đến thích ứng với khí hậu, thay đổi nhân khẩu học và chi phí quốc phòng tăng có thể lên tới 7-8% GDP toàn cầu hàng năm vào năm 2030.

Chi tiêu lớn này có thể sẽ buộc các chính phủ phải phát hành thêm nợ và khi sự biến động trên thị trường trái phiếu tăng lên, vàng sẽ nổi lên như một nơi trú ẩn cho các nhà đầu tư.

Các ngân hàng trung ương cũng dự kiến ​​sẽ tăng lượng vàng nắm giữ như một phần của quá trình đa dạng hóa dự trữ tiền tệ. Tỷ lệ dự trữ của các ngân hàng trung ương toàn cầu được nắm giữ bằng vàng đã tăng lên 10%, từ mức chỉ 3% của một thập kỷ trước.

Tin bài liên quan