Những báo cáo làm khó Hội đồng chung khảo

Những báo cáo làm khó Hội đồng chung khảo

(ĐTCK) 50 DN làm báo cáo thường niên (BCTN) tốt nhất sẽ được vinh danh trong Lễ trao giải năm nay, nhưng quá trình rà soát BCTN cho thấy, có những báo cáo rất khó… cho điểm với Hội đồng.

Đọc 122 BCTN trong vòng 2 ngày làm việc tưởng chừng là công việc không thể, nhưng thực tế các thành viên Hội đồng chung khảo đã làm việc liên tục trên cơ sở phân thành 3 nhóm chấm để rà soát toàn bộ 122 báo cáo trong vòng chấm này. 

Chi tiết… quá mức cần thiết

Báo  cáo của CTCP Chương Dương (CDC) là một ví dụ. Công ty thực hiện báo cáo khá công phu, đầy đủ, thông tin chi tiết đến từng dự án, từng hoạt động kinh doanh của các công ty con, công ty liên kết. Tuy nhiên, điểm gây khó xử là thông tin về cơ cấu cổ đông của CDC quá chi tiết.

Bên cạnh những thông tin phải công bố theo quy định gồm thông tin chung (cổ đông nội bộ/cổ đông bên ngoài/cổ đông nước ngoài) và cổ đông lớn (sở hữu trên 5% vốn điều lệ), CDC đã công khai danh tính các cổ đông nước ngoài góp vốn tại thời điểm Công ty làm báo cáo.

Theo đó, những cổ đông sở hữu 25 cổ phần, 50 cổ phần, 100 cổ phần đều được liệt kê cụ thể trong danh sách này. Tuy nhiên, việc công bố quá chi tiết của CDC chạm vào một điểm nhạy cảm, những cổ đông (nước ngoài) này có thể không muốn lộ rõ tỷ lệ sở hữu, nhất là khi họ được quyền không phải công bố do sở hữu dưới 5% vốn tại Công ty.

Con dấu của DN này thể hiện cả 3 chức danh: Giám đốc, Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc 

Loạn chức danh người đứng đầu

CTCP Bao bì Biên Hòa (SVI) có BCTN làm khá đẹp với gần 100 trang báo cáo chứa nhiều thông tin cần thiết cho cổ đông. Ngay từ trang đầu tiên của Báo cáo, thông điệp của Chủ tịch Hội đồng quản trị được trình bày ngắn gọn, súc tích, nêu bật được niềm tự hào khi SVI được vinh danh là một trong 50 công ty tốt nhất, theo xếp hạng của Tạp chí Fobers.

Tuy nhiên, đọc kỹ thông điệp này, có một điểm không chuyên nghiệp chút nào khi quanh con dấu của Công ty là 3 chức danh cùng có giá trị: Giám đốc – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc.

Người đọc dễ tính có thể cho qua khi nhận thức tại DN này, Chủ tịch HĐQT kiêm chức danh người điều hành cao nhất. Tuy nhiên, tùy theo cách tổ chức của DN, Tổng giám đốc và Giám đốc có thể là hai chức danh hoàn toàn khác nhau, nên SVI cần lưu ý chuẩn hóa chức danh người lãnh đạo trong các văn bản có chính thức của Công ty.

Một lỗi thường gặp khác trong BCTN mà các DN cũng cần “điều chỉnh” lại là Chủ tịch HĐQT thường xuyên “quên” ghi tên mình trong phần Thông điệp ở những trang đầu BCTN.

Thực tế, BCTN nào cũng đều có thông tin chi tiết về nhân sự đứng đầu này, nhưng khi đọc thông điệp từ Chủ tịch HĐQT mà đọc hết rồi không thấy ai đứng tên (như BCTN của CTCP Khoáng sản xây dựng Bình Dương, BCTN của TRC…), sẽ tạo cảm giác báo cáo hơi… thiếu tôn trọng người đọc.

BCTN của CDC công khai danh tính và số cổ phần sở hữu của từng cổ đông nước ngoài  

Đồ thị, biểu đồ chưa chuẩn

BCTN của Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) năm nay làm tốt hơn mọi năm và được đánh giá là báo cáo có chất lượng minh bạch thông tin tài chính cao nhất trong khối các ngân hàng niêm yết. Tuy nhiên, phần cơ cấu tổ chức của SHB đã vẽ một biểu đồ khiến Hội đồng phải tranh luận mãi.

Cụ thể, biểu đồ của SHB cho thấy, HĐQT (được biểu trưng bằng khối tròn to nhất), nằm giữa Đại hội đồng cổ đông và Ban điều hành (hai khối tròn nhỏ hơn). Cùng với đó, Ban Kiểm soát được biểu thị là cơ quan nằm giữa HĐQT và Đại hội đồng cổ đông, còn Ban Kiểm toán nội bộ lại nằm trong Ban Kiểm soát.

Mô hình tổ chức này có những điểm không chuẩn theo thông lệ quản trị hiện hành, nhưng điều khiến hội đồng khó cho điểm là việc SHB đang vận hành theo mô hình này thật, hay đây chỉ là lỗi kỹ thuật trong quá trình dàn trang thiết kế BCTN của các bạn nhân viên?

Ngoài SHB, BCTN của một số DN cũng mắc phải lỗi đồ thị, biểu đồ không chuẩn. Đây là điểm mà các nhân sự làm báo cáo cần chú ý nhiều hơn để có một báo cáo thực sự hoàn chỉnh công bố ra thị trường.

Biểu đồ cơ cấu tổ chức của báo cáo này có những điểm không chuẩn theo thông lệ quản trị hiện hành  

Thông tin quá khứ lấn át thông tin tương lai

Có lẽ xuất phát từ việc các Sở chấp nhận BCTN của DN làm bằng file mềm, nên CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC) đã làm BCTN đến 187 trang, cung cấp rất nhiều thông tin cho người đọc. Tuy nhiên, điểm cần lưu ý của báo cáo này là dành quá nhiều trang giới thiệu hình ảnh, hoạt động của Công ty năm 2014 (trên 110 trang) và rất thoáng trong việc thiết kế trang giới thiệu các thành viên HĐQT, Ban điều hành, Ban Kiểm soát.

Điểm thiếu cân đối xuất hiện khi cả báo cáo chỉ có vài trang thông tin định hướng về hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 chỉ chung chung là phấn đấu đưa TDC lên thành Tổng công ty. BCTN của TDC sẽ được đánh giá cao hơn, nếu Công ty chia sẻ thông tin cân bằng giữa quá khứ (từ năm 2014 về trước) với thông tin về định hướng tương lai của DN.

Cùng với đó, cách trình bày BCTN cũng nên bớt rườm rà, vì một báo cáo tốt không phải là báo cáo nhiều trang, mà là báo cáo đầy đủ thông tin, được trình bày súc tích, khoa học, giúp người đọc dễ đọc và đỡ mất thời gian đọc nhất.

Lỗi thông tin, cẩu thả trong việc công bố BCTN

Nhiều DN có BCTN công bố trên website của Sở, của DN có chất lượng quá kém cả về hình thức lẫn nội dung. Báo cáo không được thiết kế, làm một hai chục trang cho đủ đề mục thông tin theo quy định, hoặc báo cáo scan lại với hình ảnh, chữ nghĩa lem nhem, gây mất thiện cảm với người đọc ngay khi mở báo cáo. Những DN cần cải thiện việc này như L35, UDC, WSI… Cá biệt, có DN còn mắc lỗi chính tả rất nặng trên file BCTN, nhiều DN lỗi chữ ngay ở đề mục chính của báo cáo.

Một số BCTN mắc lỗi trọng yếu khi không công bố báo cáo tài chính đi kèm (VOS). Một số báo cáo khác dùng hình ảnh minh họa phản cảm (hình người mất đầu) để mở màn cho phần thông tin về Hội đồng quản trị…

Việc các DN chỉ công bố BTCN qua online có điểm thuận lợi là giúp DN giảm được chi phí in ấn, nhưng thực sự đã làm khó cho Hội đồng trong việc rà soát, chấm điểm và rà soát thông tin về DN.

Có dịp đọc và so sánh nhiều BCTN làm bằng bản giấy và bản file, cảm nhận chung của các thành viên Hội đồng cho thấy, các DN công bố báo cáo bản giấy có mức độ dễ dàng trong việc tiếp nhận thông tin cao hơn rất nhiều và vì thế hình ảnh, thông điệp từ DN dễ dàng lưu trong bộ nhớ người đọc so với việc phải đọc BCTN của DN trên website.

Những báo cáo mang lại niềm hạnh phúc cho người đọc

Bên cạnh những hạn sạn, những điểm gây tranh luận trong Hội đồng khi phải cho điểm mỗi báo cáo, mùa BCTN năm nay Hội đồng được chứng kiến nhiều sự tiến bộ thực chất của DN. BCTN của HSC, PVDrilling mang lại cảm xúc đẹp cho người đọc khi thông điệp của người lãnh đạo các DN này được chia sẻ rất chân thực, có tầm. Để chạm đến cảm xúc đó, chắc chắn người lãnh đạo DN đã viết thông điệp từ chính tâm hồn mình, đặt trái tim mình vào tình yêu DN.

Một số BTCN khác như BVH, FPT, TDH, SSI, BVS… tiếp tục giữ được phong độ tốt nhất thị trường, khi đây là những báo cáo tôn trọng quy chuẩn công bố thông tin của nhà quản lý, được trình bày chi tiết, đầy đủ, sáng tạo, giúp người đọc dễ dàng hiểu về quá khứ, hiện tại và con đường tương lai của DN cùng những dấu ấn riêng có mà DN đã đạt được trên thương trường.

Đây là những bản báo cáo không chỉ đáng được vinh danh, mà điều cần hơn là cần được quảng bá rộng rãi đến tất cả các DN, để cùng học hỏi, cùng nỗ lực minh bạch, chuyên nghiệp hơn để DN đững vững trên thương trường và định vị mình trong dòng chảy không ngừng của nền kinh tế.

Tin bài liên quan