Những bài học từ châu Âu: Độc lập, tự chủ, hùng cường không đến từ những lời hứa

0:00 / 0:00
0:00
Có dịp chứng kiến những biến động ở Anh và châu Âu mà một nhà báo gọi là vòng xoáy bất ổn chính trị và xã hội trên The Guardian (nhật báo ở Anh), người viết rút ra một vài góc nhìn có thể hữu ích cho Việt Nam.
Việt Nam đã vượt qua những thử thách của Covid-19 và biến động địa chính trị phức tạp trên thế giới trong suốt hơn 2 năm qua.

Việt Nam đã vượt qua những thử thách của Covid-19 và biến động địa chính trị phức tạp trên thế giới trong suốt hơn 2 năm qua.

Điểm đầu tiên, đó là câu chuyện về những mục tiêu dân túy, những lời hứa xoa dịu người dân trong ngắn hạn nhưng không bền vững trong dài hạn. Hứa thật nhiều rồi thất hứa thật nhiều đã trở thành một đặc sản của cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson trong thời kỳ Covid-19, đến nỗi mà The Guardian còn thống kê được là ông phải ra quyết định ngược với những gì mình hứa với tần suất hơn một lần mỗi tháng trong năm 2020.

Ở một mặt nào đó, sự linh hoạt của ông nên được ghi nhận. Nhưng không thể phủ nhận rằng, chính sự thiếu thận trọng và phần nào đó là chạy theo những mục tiêu dân túy và thiếu thực tế trong bối cảnh đầy bất định của dịch bệnh khiến những lời hứa hay “quyết tâm” đã trở thành trò đùa cho giới chính trị gia đối lập không lâu sau đó, khi mà ông Boris Johnson phải ra quyết định “quay xe”.

Đó là tuyên bố không phong tỏa rồi phải phong tỏa để chống dịch, liên tục dời ngày mở lại trường học, những quyết định thiếu nhất quán về số người được ở trong một phòng và đỉnh điểm nhất là quy định về tổ chức tiệc tùng - thứ mà cuối cùng chính ông và những đồng sự đã vi phạm.

Không chỉ vậy, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson nhiều lần xích mích với cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak về chuyện cắt giảm thuế. Thủ tướng Anh muốn vậy, nhưng rõ ràng đây là động thái “thiếu trách nhiệm” về dài hạn trong bối cảnh nợ công và thâm hụt ngân sách cao của 2 năm 2020-2021.

Sự khác biệt quan điểm trên được cho là phần nào dẫn đến quyết định từ chức của ông Rishi Sunak sau này, một động thái được cho là ngòi nổ chủ đạo dẫn đến một loạt bộ trưởng khác cũng từ chức theo, châm ngòi cho việc ông Boris Johnson phải từ chức vì không còn được ủng hộ nữa.

Chính trị gia nào cũng có những mong muốn làm dân vui lòng, hứa làm những điều thật lớn lao. Nhưng khi thực tế không cho phép, những lời hứa hão đó sẽ bào mòn niềm tin của dân chúng cũng như các đồng minh chính trị. Bài học từ việc ông Boris Johnson hầu như không hoàn thành một mục tiêu kinh tế nào mà ông đề ra là lời cảnh báo cho những tuyên bố hay việc đặt ra những mục tiêu thiếu thận trọng như vậy.

Hai năm dịch bệnh đã qua, nhưng thử thách với những người sống ở châu Âu chưa hết. Mùa đông sắp đến sẽ là một giai đoạn mà một vài nhà kinh tế tôi quen cho rằng, còn khó khăn hơn giai đoạn Covid-19 rất nhiều.

Điểm thứ hai là không thể tin cậy hoàn toàn vào các đối tác bên ngoài, mà phải tự thân vận động. Những lời hứa về hỗ trợ năng lượng của Mỹ với châu Âu đã “bay qua cửa sổ” khi mùa đông ngày một đến gần. Những lời hứa của một đồng minh thân cận sẽ không giúp được gì cho bạn khi họ không nắm trong tay bất cứ thứ gì thực tế để giúp bạn tăng được nguồn cung khí đốt đủ để ngang bằng với mức mà Nga cắt giảm.

Vào đầu tháng 3, khi xung đột Nga - Ukraine vừa nổ ra và Mỹ đang kêu gọi châu Âu tăng cường trừng phạt Nga, tờ Politico của Mỹ chỉ ra rằng, như vậy có thể EU sẽ mất đi nguồn gas từ Nga và “ông Biden không thể giúp châu Âu đoạn tuyệt với nguồn khí từ Nga”. Vấn đề vận chuyển khó khăn là điều bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy, chứ không cần là một nguyên thủ quốc gia. Vì vậy, hướng đến một nền kinh tế độc lập, tự chủ như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói là tiền đề quan trọng để có thể tự quyết định hướng đi của quốc gia, chứ không cần nhờ vào những lời hứa mà chưa biết có tin được hay không của các quốc gia đối tác.

Điểm thứ ba là cần duy trì tính linh hoạt về chính sách đủ cao và biết thay đổi ngay khi cần thiết. Nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, các doanh nghiệp có tính linh hoạt cao, có thể thay đổi cấu trúc chi phí và cấu trúc tài chính nhanh đã có thể vượt qua thử thách của Covid-19 và tình trạng lạm phát cao hiện nay tốt hơn so với doanh nghiệp thiếu linh hoạt.

Một quốc gia cũng vậy. Linh hoạt thay đổi thay vì kiên trì thực hiện một đường lối duy ý chí là con đường mà nhiều quốc gia đã trải qua trong đợt Covid-19 vừa rồi, từ quyết tâm thực hiện không ca bệnh nào chuyển sang sống chung với virus. Tùy điều kiện mà cần có sự linh hoạt và để duy trì được điều đó, cần có một đội ngũ tư vấn và phản biện chính sách độc lập để có thể đưa ra các cảnh báo, phản biện dựa trên chứng cứ, giúp các lãnh đạo có thể nhìn nhận các vấn đề một cách đa chiều, có thể phản ứng nhanh, thậm chí tránh được các vấn đề ngay từ khi ban hành chính sách.

Việt Nam đã vượt qua những thử thách của Covid-19 và biến động địa chính trị phức tạp trên thế giới trong suốt hơn 2 năm qua với một vị thế tốt hơn rất nhiều nước. Chúng ta cần tận dụng những lợi thế này để đẩy mạnh cải cách kinh tế và tháo gỡ các nút thắt hiện nay, trong đó có những câu chuyện bàn đi bàn lại nhiều năm như giải ngân đầu tư công chậm, những điều cần sửa đổi trong Luật Đất đai. Trong khi cả thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn, nếu giải phóng được những nguồn lực còn bị cản trở, chúng ta sẽ có thể đột phá. Và người ta sẽ nhìn chúng ta khác đi.

Nói tóm lại, những bài học ở trên chỉ ra rằng, độc lập, tự chủ, hùng cường của một quốc gia không đến từ những lời hứa dân túy của một lãnh đạo, hay lời hứa không biết có tin được không của một quốc gia đối tác, mà phải đến từ năng lực tự thân, năng lực thực thi chính sách thực tế và khả năng thay đổi kịp thời của người lãnh đạo khi những yếu tố không như dự định xảy ra.

Tin bài liên quan