Bên cạnh đó, họ còn tích cực, chủ động trong việc kiểm tra, kiểm soát quy trình khám chữa bệnh BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT cũng như đảm bảo an toàn nguồn quỹ.
Đây là chia sẻ của BS.Lê Văn Phúc, Trưởng ban Dược và Vật tư y tế (BHXH Việt Nam) khi nói về công tác giám định Bảo hiểm y tế.
Theo ông Phúc, thời gian mới thành lập, nhân lực của cơ quan BHYT rất thiếu. Lực lượng chủ yếu là các y, bác sĩ trẻ chuyển từ các bệnh viện sang hoặc mới ra trường, kiến thức về công tác giám định hoàn toàn không có.
Chính vì thế, công việc gặp rất nhiều khó khăn, từ việc đối chiếu hồ sơ bệnh án, cho đến việc giám định trực tiếp các đối tượng nghi vấn mượn thẻ BHYT. Điều đó đòi hỏi cán bộ giám định không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, công nghệ thông tin mà còn phải mềm dẻo trước các tình huống…
“Trong những năm đầu, ở một số địa phương xuất hiện tình trạng cho mượn thẻ BHYT, có những trường hợp còn bóc, thay đổi ảnh trên CMND để “qua mắt” giám định viên. Tuy nhiên, tại Quảng Bình, một nữ cán bộ giám định đã nghĩ ra cách đối chiếu bằng cách lăn vân tay nên đã từ chối được rất nhiều trường hợp vi phạm…”, ông Phúc cho biết thêm.
Nhận định về công tác giám định, Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết: “Giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT là nhiệm vụ quan trọng của cơ quan BHXH nhằm quản lý quỹ BHYT hiệu quả, bền vững; đồng thời bảo đảm công bằng cho người dân trong tiếp cận và thụ hưởng dịch vu y tế chất lượng, tương xứng với độ mở ngày càng lớn của chính sách BHYT.
Những đóng góp đáng tự hào của các y, bác sĩ, dược sĩ đang công tác trong ngành BHXH đã góp phần to lớn vào sự phát triển chung của BHXH Việt Nam cũng như sự nghiệp an sinh xã hội đất nước…”.