Mẫu có tên 833 SE sử dụng đèn 833 của Phú Nhuận FC gây ấn tượng với kích thước bóng đèn khổng lồ. Chủ nhân của ampli này chia sẻ, đây là loại bóng đèn chuyên dùng trong máy phát sóng cao tần như máy phát viễn thông, radar, máy ép cao tần… được sản xuất từ những năm 60 của thế kỷ trước.
Theo anh My, một người chuyên về kỹ thuật ampli và từng "qua tay" rất nhiều máy, 833 là "là đẳng cấp cuối cùng để vươn tới", bởi điện áp của nó là cực lớn, hơn 2.000 Volt.
Các loại đèn lớn như vậy thường được sản xuất dành cho mục đính quân sự thời chiến tranh chứ không áp dụng cho âm thanh, do đó dân chơi phải tự đo đạc để tìm ra phương án khai thác đèn hiệu quả nhất. Nhưng nếu không cẩn thận, không chỉ thất bại trong chế tác, chiếc bóng khổng lồ này còn khiến tính mạng người chơi gặp nguy hiểm.
Việc chế tạo biến áp xuất âm dành cho 833 cũng là vấn đề, bởi không có hãng nào trên thế giới sản xuất riêng cho loại đèn này. Cuối cùng, người thợ phải tự quấn biến áp với thời gian từ vài tuần, thậm chí cả tháng nếu quấn sai.
"Tất nhiên, với những thứ không còn có sẵn, người chơi đều phải tự học và tự tay làm lấy", anh My nhấn mạnh.
Anh Minh, một dân chơi ampli đã 20 năm ở quận 7, TP HCM, cho biết, hầu hết những người chơi đều khởi đầu từ những linh kiện đơn giản, rẻ tiền dễ tìm ở chợ đồ cũ.
Theo anh, những người như anh gặp khó khăn hơn rất nhiều, do trước đây, nhiều người không biết đến giá trị linh kiện nên đã bán cho những tay buôn nước ngoài với giá "đồng nát", trong khi giá trị thực của nó từ vài chục đến hàng trăm USD.
Như mẫu Hồng Phong 810 SE, các bóng bán dẫn của nó đang có giá trị hàng chục triệu đồng.
Với mỗi người chơi, gu thiết kế cũng rất riêng, không nhầm lẫn với nhau được. Do đó, với mỗi mẫu tạo ra, chủ nhân của chúng tự hào đây là sản phẩm độc nhất thế giới, không có cái thứ hai.
Như với mẫu Rongcon này, người thợ đã phải bỏ ra gần 2 tháng chế tác. Các chi tiết tưởng chừng đơn giản như ghép gỗ, tạo hình, bố trí linh kiện cũng phải thực hiện vài ngày. Gần đây, nhiều người đã mua máy CNC về gia công nên mẫu mã trau chuốt hơn, tuy nhiên, họ vẫn ưu tiên làm bằng tay để tăng độ độc đáo.
Xong lắp ráp linh kiện, xong thiết kế định hình vẫn chưa phải là hoàn thành. Công việc sau đó còn quan trọng hơn: kiểm tra khả năng hoạt động. Theo dân chơi có nickname "Âu Dương công tử", nếu may mắn thì chiếc ampli "cất tiếng hát chào đời" trong niềm hạnh phúc khôn xiết của người sinh ra nó, nếu không may thì cháy nổ, xì khói hoặc bể loa là chuyện thường tình.
Nhưng đến đây, việc hoàn thành một mẫu ampli chỉ 80%. Người chơi sau đó phải cân chỉnh, thay thế linh kiện sao cho phù hợp, bởi "mỗi con tụ có thông số dù lệch chút ít cũng sẽ cho âm thanh khác nhau".
Dù có vẻ ngoài đẹp mắt nhưng những mẫu ampli này cực kỳ nặng. Nặng nhất phải kể đến chiếc Kenken Forrtitude của một dân chơi Hà Nội, gồm 5 khối kết hợp với nhau, ước lượng nặng hơn 100 kg. Ampli này được ghép bằng 48 chiếc đèn công suất 6S19Pi do Nga sản xuất và để lắp ráp chiếc ampli độc đáo này, cần tới 4 thành viên để xoay trở và lắp đặt linh kiện.
Anh Phương, quản trị của nhóm, cho biết, Việt Nam là một trong những nơi có hội chơi ampli đèn tự ráp lớn và nổi tiếng thế giới. Những mẫu máy khi được đăng trên các diễn đàn về âm thanh DIY nước ngoài đều nhận được sự ngưỡng mộ.
Do đó, cộng đồng chơi ampli "độ" Việt Nam rất được người chơi quốc tế coi trọng. Theo anh Phương, để chơi được ampli tuyệt đối không phải "tay mơ" mà phải biết tìm tòi học hỏi và hơn hết phải có niềm đam mê bất tận với âm thanh.
Năm nay, mẫu Conghoa123 KT88 PP giành giải nhất cuộc thi Ampli đèn tự ráp công suất lớn của dân DIY cả nước. Chiếc ampli khổng lồ dùng tới 16 bóng công suất KT88 này được Ban giám khảo là những người có chuyên môn về thẩm định âm thanh đánh giá cao. Theo nhận xét của những người cầm cân nảy mực, không chỉ cho chất lượng âm thanh vượt trội so với những mẫu còn lại, thiết kế sản phẩm cũng rất đẹp và sáng tạo.