Thiếu nguyên liệu chưa phải là mối lo lớn nhất của các doanh nghiệp chế biến thủy sản. Ảnh: Đức Thanh

Thiếu nguyên liệu chưa phải là mối lo lớn nhất của các doanh nghiệp chế biến thủy sản. Ảnh: Đức Thanh

Nhức nhối những dấu âm tăng trưởng

Các ý kiến, kiến nghị gửi Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp tiếp tục được các hiệp hội doanh nghiệp gửi về. Các doanh nghiệp mong muốn những tiếng nói từ thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh vào được các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ.

Những dấu âm nhức nhối

Vừa được Tổng thư ký Trương Đình Hòe ký gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo 15 trang, với gần 9.000 chữ của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) nhức nhối những dấu âm trong tốc độ tăng trưởng xuất khẩu quý I/2020 và ước tính tháng 4/2020. Xuất khẩu tôm sú, cá tra, cá ngừ… đều giảm mạnh. VASEP dự báo, đến hết tháng 4/2020, xuất khẩu thủy sản sẽ đạt khoảng 2,2 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2019.

Tình hình có thể chưa khả quan hơn khi trong báo cáo, VASEP cho biết, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa gần như không có các đơn hàng mới trong quý II, III/2020. Với các đơn hàng đã ký, tỷ lệ đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn, dừng và hủy khá cao, lần lượt là 20-40% và 20-30%, chủ yếu từ khách hàng châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc…

Nhưng đáng lo hơn là nguồn nguyên liệu đang bị thiếu hụt. “Ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản; nguồn nguyên liệu nhập khẩu thiếu hụt do các đơn hàng giảm là lý do chính. Tới đây, khi Covid-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất - kinh doanh được phục hồi, thì nguồn nguyên liệu hiện có chỉ có thể đáp ứng được 50-70% nhu cầu sản xuất”, ông Trương Đình Hòe phân tích trong báo cáo.

Nhưng đó chưa phải là mối lo lớn nhất mà VASEP đã tổng hợp được từ các hội viên. Trong phần đánh giá tác động của giải pháp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thông tin chính thu được là “vẫn chưa đến được nhiều doanh nghiệp”. Hầu hết các doanh nghiệp phản hồi, họ không được thực hiện chính sách cho phép tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất trong 12 tháng. Lý do là điều kiện quy định (50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp phải nghỉ việc hoặc thiệt hại 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh) không thực tiễn, khó áp dụng.

Chính sách gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp cho người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi Covid-19, theo nhiều doanh nghiệp, đến ngày 10/4/2020, cũng chưa được thực hiện. Lý do là một số doanh nghiệp đã nộp thuế đầy đủ trước khi công văn liên quan được ban hành, số khác không phát sinh thuế phải nộp trong giai đoạn này…

Điểm mừng duy nhất là, doanh nghiệp gần như không phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành nữa. Chỉ còn một số ít doanh nghiệp tại Bạc Liêu, Bình Thuận phản ánh bị kiểm tra sau hoàn thuế, thanh tra chấp hành pháp luật thuế trong tháng 2, tháng 3/2020 và có doanh nghiệp bị kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy…

Làm rõ các tiêu chí hỗ trợ

Trong 71 nhóm vấn đề kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tập hợp từ các hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc và bản đề xuất bổ sung nội dung trong Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) và 11 hiệp hội khác, đề nghị làm rõ các tiêu chí, điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được các chính sách hỗ trợ gần như bao trùm.

Cùng mối quan tâm như VASEP, Ban IV đã đặt khó khăn trong thực hiện chính sách cho phép doanh nghiệp lùi kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 lên hàng đầu, vì điều kiện được hưởng cũng là có 50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội phải nghỉ.

“Hầu như doanh nghiệp không đạt tiêu chí trên, cũng như việc chứng minh thiệt hại cả về người và tài sản hết sức phức tạp, đòi hòi nhiều thủ tục hành chính, mất nhiều thời gian, nhất là với các doanh nghiệp có nhiều lao động như dệt may, da giày, vận tải, du lịch, logistics, hàng không… Với họ, chỉ cần cắt giảm 20% lao động, đã là hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn người mất việc… Cho nên, chính sách hoãn đóng kinh phí công đoàn dường như không đạt được mục tiêu chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp…”, kiến nghị của Ban IV do ông Trương Gia Bình, Trưởng ban ký cho biết.

Phương án được đưa ra là cho phép doanh nghiệp miễn đóng kinh phí công đoàn trong năm 2020, chậm nộp bảo hiểm xã hội và các khoản bảo hiểm bắt buộc khác đến hết ngày 31/12/2020. VCCI đề nghị, doanh nghiệp được hưởng các chính sách này mà không cần phải kèm 2 điều kiện trên.

“Với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, việc cắt giảm 50% lao động đồng nghĩa với nguy cơ đóng cửa doanh nghiệp rất cao hoặc đã ‘chết lâm sàng’. Mặt khác, chính sách trên có thể ‘khuyến khích’ doanh nghiệp cho người lao động ngừng việc, tạm hoãn hợp động lao động, nghỉ không lương để đạt chỉ tiêu này”, VCCI giải trình.

Chưa kể, việc doanh nghiệp phải chứng minh thiệt hại 50% vô cùng phức tạp, có thể kéo dài hàng năm vì chưa có tiêu chí, thước đo cụ thể, các dấu hiệu thiệt hại đều ở tương lai…

Nhiều doanh nghiệp du lịch đang đối mặt nguy cơ mất trắng tiền đặc cọc vé cả năm 2020 tại các hàng hàng không, dù các hãng hàng không không thực hiện các chuyến bay, hủy chuyến. Việc đàm phán giảm giá thuê trụ sở cũng không thuận lợi, khi bên thuê không đồng ý ghi nhận tình huống dịch bệnh là bất khả kháng để xem xét giá mới…

“Chúng tôi đề nghị Chính phủ xác định Covid-19 là sự kiện bất khả kháng trong nguyên tắc thực hiện của Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch”, Ban IV và 11 hiệp hội đề xuất trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

VCCI và các hiệp hội đề nghị cho phép các doanh nghiệp lữ hành thuộc ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid-19 được tạm thời rút 50-100% tiền ký quỹ du lịch ở các ngân hàng để trang trải các khoản chi phí trong thời gian khó khăn, ngừng hoạt động và chưa nhận được các gói cứu trợ chính sách, đồng thời giảm 50% tiền ký quỹ năm 2020.

Kiến nghị riêng cho các cơ quan báo chí

Trong kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, VCCI có đề nghị riêng cho các cơ quan báo chí, cho phép cơ quan báo chí được sử dụng Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp hiện có của đơn vị để chi cho một số hoạt động phục vụ công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh trong cơ quan, mua sắm trang thiết bị phục vụ tác nghiệp của phóng viên, bổ sung thu nhập, đảm bảo đời sống vật chất cho cán bộ, phóng viên trong thời gian bị ảnh hưởng dịch.

VCCI cũng đề nghị Chính phủ cho phóng viên, lao động cơ quan báo chí trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thông tin, truyên truyền về phòng, chống dịch là người lao động tham gia phòng, chống dịch và được hưởng một số chế độ đặc thù theo Nghị quyết số 37/NQ-CP.

Tin bài liên quan