Nhức nhối nguồn nhân lực

Nhức nhối nguồn nhân lực

(ĐTCK-online) Mỗi năm một lần, Hội nghị ngành bảo hiểm lại quy tụ lãnh đạo các DN bảo hiểm ngồi cùng Bộ Tài chính, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam bàn thảo giải pháp phát triển thị trường. Báo Đầu tư Chứng khoán lược ghi một số ý kiến tại Hội nghị năm 2011.

Ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam

Nhìn vào kết quả kinh doanh khả quan năm 2010 có thể thấy tiềm năng của thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn lớn. Điểm đáng chú ý là năm qua, số DN kinh doanh bảo hiểm có lãi đã tăng lên. Hiệu quả kinh doanh có cải thiện nhưng tôi cho rằng, nhiều DN vẫn chưa hài lòng. Vẫn còn tình trạng hạ phí, mở rộng điều kiện bảo hiểm. Bản thân chúng tôi là DN tái bảo hiểm nhưng có những nghiệp vụ không dám nhận do rủi ro quá cao. Nhiều DN lỗ 3 năm liên tiếp ở một nghiệp vụ. Theo tôi, Bộ Tài chính nên xem xét nếu lỗ 3 năm liên tiếp một nghiệp vụ thì rút giấy phép kinh doanh nghiệp vụ đó của DN bảo hiểm.

Một vấn đề nhức nhối diễn ra trong nhiều năm qua là trục lợi bảo hiểm. Đáng báo động là không phải khách hàng trục lợi bảo hiểm mà ngay cán bộ bảo hiểm trong công ty cũng bắt tay trục lợi. Vì thế, tỷ lệ bồi thường của các doanh nghiệp vẫn lớn dẫn đến kinh doanh bảo hiểm không hiệu quả.

Một vấn đề nữa là đào tạo nguồn nhân lực. Vừa qua, với sự hỗ trợ của đối tác chiến lược Swiss Ree, Vinare có thực hiện tái cơ cấu nhưng nguồn nhân lực cao cấp chất lượng cao không có. Giai đoạn 2011 – 2015, Bộ Tài chính cần đánh giá lại và có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành bảo hiểm.

 

Ông Trần Hùng Phú, Phó tổng giám đốc CTCP Bảo hiểm SHB – Vinacomin

Hiện nay, trong ngành bảo hiểm đang xảy ra tình trạng các DN câu kéo người của nhau. Một DN mới thành lập sẵn sàng trả lương cao, cơ chế kinh doanh tốt để tìm người. Sau một thời gian hoạt động không hiệu quả, các chính sách đãi ngộ giảm xuống, họ lại bỏ DN đi chỗ khác. Tình trạng này tạo nên sự lộn xộn về nhân sự trong lĩnh vực bảo hiểm và các DN không ổn định để kinh doanh. Bộ Tài chính cần nghiên cứu và ban hành một quy định khắt khe để cán bộ làm việc tại DN bảo hiểm có một sự ràng buộc.

Trong Chiến lược phát triển ngành bảo hiểm đến năm 2020, tôi thấy, Bộ Tài chính dự kiến mỗi năm có từ 2 đến 3 DN ra đời và sẽ có khoảng 20 đến 30 DN bảo hiểm ra đời trong 10 năm tới. Tôi cho rằng, thay vì tăng số lượng, cần nâng cao chất lượng hoạt động của mỗi DN thông qua việc tái cơ cấu, sáp nhập các DN bảo hiểm làm ăn yếu kém.

 

Ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc CTCP Bảo hiểm Bảo Minh

Chúng ta nên có giải pháp cụ thể cho vấn đề nguồn nhân lực. Hiện tại, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã có Trung tâm đào tạo nhưng cũng không đào tạo được bao nhiêu trong khi rất ít DN bảo hiểm có trường đào tạo cán bộ. Một vấn đề tôi thấy kéo dài nhiều năm qua là sự mất công bằng khi ra tòa. Có vẻ Luật hiện nay bảo vệ người mua bảo hiểm chứ không bảo vệ DN bảo hiểm lắm. Nếu ra tòa, 100% DN bảo hiểm sẽ thua. Lý do là vẫn còn sự vênh nhau giữa người thực thi và người xây dựng pháp luật.

Có một thực tế là lãi kinh doanh bảo hiểm ít trong khi chi phí tăng lên. Một trong những chi phí này là trích dự phòng, dao động khá lớn. Hiện nay, chúng ta đã có tái bảo hiểm, tái thảm họa nên yêu cầu DN trích dự phòng dao động lớn từ 3 - 5% là không cần thiết. Liên quan đến chiến lược phát triển thị trường giai đoạn 2011- 2015, các giải pháp nên cụ thể. Hiện nay thị trường còn lộn xộn (về phí, cạnh tranh không lành mạnh), chúng ta cần đặt mục tiêu trong 5 năm tới, sẽ xóa bỏ tình trạng này.

Năm 2010, thiệt hại từ bão lũ là 16.000 tỷ đồng trong khi bồi thường thiệt hại do DN bảo hiểm thực hiện chỉ vài tỷ đồng. Do đó, theo tôi, Bộ Tài chính nên nghiên cứu để cho ra đời thêm một số sản phẩm bảo hiểm bắt buộc bên cạnh hai sản phẩm hiện nay là bảo hiểm trách nhiệm chủ xe cơ giới và bảo hiểm cháy nổ.