Nhiều cuộc làm việc giữa NĐT với Tổng giám đốc TAS đã diễn ra, nhằm đối chất và xác nhận về tài sản (cổ phiếu và tiền) hiện thời của NĐT tại TAS, nhưng mức độ xử lý mà lãnh đạo TAS đưa ra còn rất mơ hồ.
Ảnh: Internet
Một nhóm NĐT cho biết, bằng nhiều biện pháp, cuối tuần qua, họ cũng chỉ có thể lấy được giấy xác nhận có dấu của TAS về việc đã lạm dụng tài sản của họ trên tài khoản và “Công ty sẽ có trách nhiệm hoàn trả NĐT trong thời gian tới”. Câu hỏi lớn nhất của các NĐT đã bị TAS lạm dụng tài sản lúc này là làm thế nào để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình? Làm thế nào để buộc TAS trả lại chứng khoán và tiền cho NĐT? Cơ quan nào đứng ra bảo vệ NĐT khi quyền lợi của họ bị vi phạm nghiêm trọng tại TAS?
Ở cấp độ UBCK, sau nhiều lần cảnh cáo, xử phạt, đình chỉ tạm thời hoạt động lưu ký, hoạt động thanh toán bù trừ…, cuối tuần qua, cơ quan này đã ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán đối với TAS. Như vậy, kể từ ngày 12/10, TAS không được thực hiện chức năng lưu ký, đồng nghĩa với việc UBCK không cho Công ty này phát triển thêm khách hàng, hay đóng cửa hoạt động môi giới.
Trong quyết định xử lý TAS, UBCK yêu cầu TAS có trách nhiệm phối hợp với các thành viên lưu ký có liên quan thực hiện việc chuyển tài khoản lưu ký chứng khoán theo yêu cầu của khách hàng, tuân thủ theo đúng quy định của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam; đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng và thực hiện công bố thông tin theo đúng quy định hiện hành. Tuy nhiên, làm thế nào để TAS thực hiện đúng yêu cầu của UBCK, đặc biệt là việc phải đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng? Đây là một câu hỏi nhức nhối từ NĐT, từ thị trường, nhưng hiện chưa tìm ra câu trả lời.
Trong thẩm quyền của mình, các biện pháp mà UBCK có thể làm chỉ là xử phạt hành chính, tạm ngừng hoạt động và nay là thu hồi một phần giấy phép của TAS. Việc phân xử vấn đề lợi ích và cưỡng chế các bên thực hiện vấn đề lợi ích không thuộc trách nhiệm của UBCK. Việc này, hoặc NĐT và TAS “tự xử” hoặc phải ra Tòa để phân xử.
Rắc rối tại TAS chắc chắn sẽ còn kéo dài, vì bản chất câu chuyện là TAS đã lạm dụng khối tài sản rất lớn của nhiều NĐT, nhưng hiện nay, TAS đã “đổi chủ”. Chủ mới (Chủ tịch HĐQT) là người nước ngoài và không muốn nhận trách nhiệm xử lý các vấn đề của người tiền nhiệm.
Theo một số NĐT, cuối năm 2011, TAS và BIDV Chi nhánh Hai Bà Trưng đã ký hợp đồng hợp tác cho các NĐT được vay ứng trước tiền bán chứng khoán. Theo hợp đồng này, TAS là đơn vị trung gian thay mặt ngân hàng triển khai thủ tục cho vay, ứng trước, quản lý tiền bán chứng khoán của NĐT và chuyển trả tiền vay, lãi vay cho ngân hàng. NĐT mở tài khoản tại TAS có nhu cầu vay vốn theo chương trình trên phải ký hợp đồng cấp hạn mức cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán với BIDV.
Hạn mức vay của TAS lên tới vài chục tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều khách hàng vay không trả được nợ, khiến TAS đã phải “giật gấu, vá vai” từ các tài khoản khác để trả nợ ngân hàng. Khi vụ việc vỡ lở, Công ty đã ở trong trạng thái đổi chủ, nên nhiều khách hàng bị lạm dụng tài sản đang gặp nhiều khó khăn trong việc đòi lại tài sản chính đáng của mình.
Nhức nhối xảy ra tại TAS là hồi chuông báo động về khả năng mất an toàn tài sản của NĐT nói chung trên TTCK. Ở vai trò là cơ quan tổ chức, vận hành TTCK, UBCK, Bộ Tài chính ngoài việc xử lý vụ việc theo thẩm quyền, rất cần có những giải pháp mới để hỗ trợ các NĐT bị “mất cắp” tại TAS đòi lại quyền lợi của mình.
Để giữ niềm tin của công chúng vào TTCK, nhất là khi trong lòng thị trường xảy ra những “khủng hoảng” bất ngờ, TTCK rất cần được một cơ quan đủ lớn, đứng ra đảm bảo rằng, tài sản chân chính của NĐT luôn được bảo vệ. Nhìn sang Ngân hàng Nhà nước để thấy, trong những lúc thị trường tiền tệ gặp sóng gió, Ngân hàng Nhà nước luôn xuất hiện và cam kết giữ thanh khoản cho hệ thống, giữ an toàn tài sản tiền gửi của người dân.