> Giảm vốn điều lệ, nhìn từ trường hợp Vinaplast
Theo báo cáo kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2012, Vinaplast đạt doanh thu 1.374 tỷ đồng, vượt 23% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế 12,3 tỷ đồng; cổ tức dự kiến 5%. Do tình hình chung còn khó khăn, tỷ giá và giá nguyên liệu nhập khẩu không ổn định, hàng tồn kho cao, khó thu hồi công nợ nên năm 2013, Vinaplast đặt kế hoạch doanh thu 940 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ 15 tỷ đồng, cổ tức 5%. Ngoài ra, trong năm nay, Vinaplast tổ chức triển khai chương trình sản xuất thử nghiệm nhựa sinh học với tổng dự toán là 17 tỷ đồng cho giai đoạn 2014 - 2018.
Ghi nhận từ các báo cáo và biên bản ĐHCĐ, có 2 cổ đông của Vinaplast tham gia đóng góp ý kiến và chất vấn Ban lãnh đạo Công ty. Cổ đông Mã Văn Lai nhận xét, doanh thu mục tiêu năm 2013 giảm từ 1.220 tỷ đồng (năm 2012) xuống còn 940 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận lại tăng từ 9,8 tỷ đồng lên 15 tỷ đồng, vậy kế hoạch kinh doanh cụ thể là gì? Việc Vinaplast bổ sung ngành nghề kinh doanh buôn bán nông lâm sản nguyên liệu và động vật sống, bán buôn thực phẩm, chế biến bảo quản thủy sản, sản xuất thức ăn gia súc thật là khó hiểu khi ngành nghề kinh doanh chính của Công ty là ngành nhựa. Liệu Công ty có đủ khả năng để thực hiện? Cổ đông Mã Văn Quang thì yêu cầu Chủ tọa làm rõ hiện trạng trụ sở số 92 - 94 Lý Tự Trọng, Quận 1, TP. HCM hiện nay ra sao?
Theo giải trình của Ban điều hành, sở dĩ kế hoạch năm 2013 có doanh thu giảm nhưng lợi nhuận lại tăng là nhờ thoái vốn ở các công ty liên kết. Trong quý III/2013, Vinaplast dự kiến thoái vốn tại CTCP Nhựa Youl Chon Vina, hiện đã thống nhất mức giá, Công ty sẽ thu được 43 tỷ đồng và làm giảm chi phí tài chính. Ngoài ra, theo chủ trương của Bộ Công thương, Vinaplast có kế hoạch thoái vốn tại CTCP Nhựa Tân Phú.
Về dự định kinh doanh thức ăn gia súc, Ban lãnh đạo Vinaplast cho biết, Công ty đã tìm được đối tác nhập ủy thác, phí ủy thác 3%/năm và doanh thu từ 40 - 80 tỷ đồng nên Công ty xin bổ sung ngành nghề này và cam kết kinh doanh đảm bảo có lãi.
Còn trụ sở tại số 92 - 94 Lý Tự Trọng là văn phòng đi thuê từ trước khi Vinaplast cổ phần hóa, sau đó Công ty mua tòa nhà qua đấu giá với giá 35 tỷ đồng bằng vốn vay. Khi lãi suất tăng, chi phí tài chính quá lớn, Công ty đã phải bán trụ sở, hạch toán chênh lệch ròng sau thuế hơn 10 tỷ đồng.
Tại thời điểm biểu quyết, có 16.058.929 cổ phiếu có quyền biểu quyết (81,1%), tỷ lệ tán thành các nội dung cần biểu quyết là trên 99%; riêng nội dung xin giảm vốn điều lệ, tỷ lệ tán thành là 94,25% và nội dung sửa đổi điều lệ, đăng ký giao dịch trên UPCoM cũng có tỷ lệ biểu quyết tương tự (gần 1 triệu cổ phiếu không tán thành).