Theo đó, doanh thu thuần bán hàng có sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2021, tăng từ 2.293 lên 2.807 tỷ đồng (tăng 509 tỷ đồng), kéo theo lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước thuế tăng từ 316,45 lên 383,87 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt gần 326,47 tỷ đồng, tăng hơn 56,5 tỷ đồng (tương đương với 20,94%) so với cùng kỳ năm ngoái (hơn 269,94 tỷ đồng).
Tỷ suất lợi nhuận gộp của Nhựa Tiền Phong cũng đã hồi phục 3 quý liên tiếp. Cùng với sự mở rộng nhanh của doanh thu, Nhựa Tiền Phong báo lãi quý II/2022 cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động với lợi nhuận trước thuế đạt gần 212 tỷ đồng. Dù mới hoàn thành 56% kế hoạch doanh thu, nhưng Nhựa Tiền Phong đã đạt 82,4% kế hoạch lợi nhuận năm đề ra. Hiện Công ty cũng đang phải trích lập khoản dự phòng đối với các khoản nợ khó đòi hơn 80 tỷ đồng. Nếu số tiền nợ được thu hồi về, giải phóng khoản trích lập dự phòng kia thì số lãi của Nhựa Tiền Phòng có thể ghi nhận tăng mạnh vào kỳ báo cáo tài chính sau này.
Tổng tài sản của công ty tính đến 30/6/2022, tăng thêm 518 tỷ đồng, đạt 5.416,2 tỷ đồng. Sự tăng này đến từ việc tăng tài sản ngắn hạn (tăng thêm 551,5 tỷ đồng).
Mô hình ao nuôi bằng vách PE và thùng T50 của Nhựa Tiền Phong được rất được quan tâm tại Hội chợ Triển lãm quốc tế ngành tôm Việt Nam - Vietshrimp |
Trước đó, trong Đại hội đồng cổ đông thường niên tháng 4/2022, các cổ đông của Nhựa Tiền Phong đã biểu quyết và thông qua mức chỉ tiêu kinh doanh năm 2022 với kế hoạch doanh thu 5.175 tỷ đồng, tương ứng tăng 6% so với mức thực hiện trong năm 2021, tổng sản lượng tăng 6% lên mức 100.000 tấn. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế là 465 tỷ đồng, giảm khoảng 10% so với năm 2021.
Việc giảm chỉ tiêu lợi nhuận theo như ông Đặng Quốc Dũng - Chủ tịch HĐQT Nhựa Tiền Phong đã lý giải tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 là do sự thận trọng của Ban lãnh đạo công ty trước những biến động bất thường và khó đoán trước được. Đặc biệt là giá nguyên vật liệu đầu vào, khi khoản chi phí này chiếm đến 70 -75% giá vốn.
Thực tế, khi phân tích báo cáo Tài chính bán niên 2022 của Nhựa Tiền Phong sẽ thấy rõ sự tiếp tục tăng lên của chi phí nguyên vật liệu trong chi phí sản xuất. So với cùng kỳ năm ngoái, chi phí này đã tăng từ 1.618,7 lên 1.809,5 tỷ đồng (chiếm 75,4% tổng chi phí sản xuất kinh doanh), đẩy giá vốn bán hàng của công ty tăng từ 1.696,9 lên 2.022,3 tỷ đồng.
Khách hàng luôn quan tâm tới các sản phẩm mới của Nhựa Tiền Phong. Trong ảnh là sản phẩm Hố ga nhựa PVC do Nhựa Tiền Phong hợp tác cùng Sekisui nghiên cứu và sản xuất |
Là một trong số ít doanh nghiệp của ngành Nhựa Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng trong năm 2021, Nhựa Tiền Phong đã tạo ấn tượng mạnh với các cổ đông của Công ty. Bà Nguyễn Minh Giang, đại diện cho cổ đông KWE đã đánh giá cao kết quả kinh doanh năm 2021 của Nhựa Tiền Phong, khi vượt xa so với nhiều doanh nghiệp khác cùng ngành. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 4.877 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với năm 2020, lợi nhuận trước thuế đạt 521,4 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm 21%. “Điều này là do công tác quản lý của Công ty rất tốt, đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung ứng trong bối cảnh năm 2021 phải thực hiện giãn cách toàn xã hội ở nhiều tỉnh thành phía Nam”, bà Giang đánh giá.
Với kết quả kinh doanh đến hiện tại, việc hoàn thành tốt kế hoạch năm 2022 của Nhựa Tiền Phong có thể nói là rất khả quan, nhất là khi những tháng cuối năm, hoạt động xây dựng của các dự án, công trình được đẩy nhanh tiến độ, nhất là các dự án trong nhóm đầu tư công; nhu cầu xây dựng và hoàn thiện của các hộ gia đình cũng tăng mạnh.
Bên cạnh các dòng sản phẩm truyền thống liên tục được đầu tư cải tiến về chất lượng, tính năng, Nhựa Tiền Phong cũng đang tập trung phát triển các dòng sản phẩm phát triển hạ tầng, xây dựng dân dụng, thủy sản, giao thông, điện, nước,…. để khai thác tối ưu năng lực thị trường. Hiện doanh nghiệp đang hợp tác với Iplex để sản xuất các sản phẩm xuất khẩu đi Australia và New Zeland; tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Tập đoàn Thủy sản Minh Phú trong dự án cung cấp ống HDPE DN 1.400 - 1.600 dẫn nước biển từ ngoài khơi vào bờ phục vụ hoạt động nuôi trồng thủy hải sản.
Bên cạnh đó, Nhựa Tiền Phong vẫn đang đẩy nhanh phối hợp cùng Tập đoàn Sekisui Nhật Bản trong việc nghiên cứu, sản xuất ống và phụ tùng C.PVC sử dụng cho hệ thống phòng cháy chữa cháy nhằm hướng tới những vùng thị trường mới đầy tiềm năng trong tương lai.