Khách hàng được hướng dẫn lắp đặt sản phẩm, phụ tùng ống nhựa Tiền Phong

Khách hàng được hướng dẫn lắp đặt sản phẩm, phụ tùng ống nhựa Tiền Phong

Nhựa Tiền Phong (NTP) quyết không tối đa hóa lợi nhuận, luôn hài hòa giữa trách nhiệm với cộng đồng và lợi ích của doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáu tháng đầu năm 2023, Nhựa Tiền Phong ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.524 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 287 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và 25% so với cùng kỳ. Nguyên nhân thực sự do đâu?

Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã chứng khoán: NTP) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 với doanh thu thuần đạt 1.224,3 tỷ đồng, giảm 28,6% so với cùng kỳ. Doanh thu hợp nhất cả quý II và quý II đạt 2.524,11 tỷ đồng, giảm 10% so với năm ngoái. Lợi nhuận kế toán trước thuế quý II chỉ đạt 151,7 tỷ đồng, giảm 28,3% so với cùng kỳ; luỹ kế 6 tháng đạt 287,13 tỷ đồng, giảm 25%.

Phân tích báo cáo tài chính quý I/2023 cho thấy doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty đạt 1.299,7 tỷ đồng - tăng trưởng gần 19,8%; song kết quả lợi nhuận kế toán trước thuế chỉ đạt 118,3 tỷ đồng, giảm 20,79%. Điều này là do lợi nhuận từ công ty liên kết quý I giảm hơn 31 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Việc lợi nhuận từ công ty liên kết tăng bất thường vào quý I/2022 là do đến từ việc thanh lý chứng khoán đầu tư.

Còn quý II/2023, như đã nêu ở trên, đều ghi nhận sự sụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận. Theo giải trình của Nhựa Tiền Phong với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và với các cổ đông là do doanh thu bán thành phẩm quý II giảm 542 tỷ đồng so với cùng kỳ, khiến lợi nhuận sau thuế giảm tương ứng 49 tỷ đồng.

Qua báo cáo tài chính và tình hình kinh doanh trên thị trường, sẽ thấy được nguyên nhân của sự sụt giảm về doanh thu, kéo theo lợi nhuận giảm như Công ty đã giải trình, trong đó chủ yếu đến từ việc giá vốn giảm ít hơn khiến biên lãi gộp bị co lại từ mức 29,4% cùng kỳ xuống còn 27,7%. Lợi nhuận gộp tương ứng đạt 339 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng 34% lên 22 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính được tiết giảm 25% so với cùng kỳ, xuống còn 31 tỷ đồng.

Sản phẩm ống Nhựa Tiền Phong luôn thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng

Sản phẩm ống Nhựa Tiền Phong luôn thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng

Mặt khác, Công ty cũng đã nỗ lực trong việc linh hoạt điều hành sản xuất, kinh doanh để cân đối lợi nhuận của công ty. Có thể thấy điều này qua việc “Chi phí quản lý doanh nghiệp” - vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu chi phí đã được giảm mạnh 43%, xuống còn 131 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí bán hàng lại tăng 34% so với cùng kỳ, lên mức 55 tỷ đồng.

Giá vốn bán hàng giảm và chi phí bán hàng tăng (tăng các chính sách chiết khấu, khuyến mãi cho các đại lý, nhà phân phối, các hoạt động khuyến mãi để kích cầu thị trường) đã tác động không nhỏ tới doanh thu của Nhựa Tiền Phong.

Mặt khác, như đã từng chia sẻ tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên vào cuối tháng 4/2023, ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch HĐQT Nhựa Tiền Phong đã khẳng định: “Trong vòng 10 năm trở lại, Công ty luôn duy trì ổn định tỷ suất lợi nhuận/doanh thu từ 9-11%/năm”.

Khi vào tháng 10/2021, nguyên liệu tăng giá tới 1.600 – 1.800 USD/tấn thì Nhựa Tiền Phong là đơn vị cuối cùng trong ngành buộc phải tăng tăng giá và chỉ tăng 3 lần trong năm 2021. Đến tháng 7/2022 khi giá nguyên liệu trên thế giới, cũng như ở thị trường Việt Nam tương đối ổn định và đưa về mức giá chỉ trên 1.000 USD/tấn thì Nhựa Tiền Phong ngay lập tức giảm 5% giá bán vào đầu tháng 8/2022, đến tháng 10 lại giảm tiếp 5%.

Theo thông tin từ Ban điều hành của Công ty từ vào thời điểm tháng 7 năm nay, giá bán của một số doanh nghiệp cùng ngành đang cao hơn Nhựa Tiền Phong gần 20% và duy trì cho đến hiện tại. Giá bán hàng chiếm tỷ trọng lớn đã khiến doanh thu và lợi nhuận của Nhựa Tiền Phong trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 thấp hơn họ. Nếu như doanh thu thuần của Nhựa Tiền Phong tăng thêm 20% theo giá bán thì chắc chắn Nhựa Tiền Phong sẽ có kết quả doanh thu và lợi nhuận khủng.

Nhựa Tiền Phong luôn đề cao chất lượng sản phẩm và ổn định giá bán thành phẩm

Nhựa Tiền Phong luôn đề cao chất lượng sản phẩm và ổn định giá bán thành phẩm

Tuy nhiên, lý giải về chính sách bình ổn giá bán mà Công ty theo đuổi, ông Chu Văn Phương, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong cho biết: “Nếu Nhựa Tiền Phong tối đa hoá lợi nhuận, không vì hài hoà lợi nhuận của doanh nghiệp với trách nhiệm xã hội trong việc giữ bình ổn giá, tiếp tục giữ giá bán cao như một số doanh nghiệp thì doanh số bán và lợi nhuận của công ty sẽ không thua kém bất kỳ doanh nghiệp nào cùng ngành. Tuy nhiên, nhìn nhận bối cảnh kinh tế trong nước chưa phục hồi mạnh, ngành bất động sản vẫn đang gặp nhiều khó khăn, chính sách tín dụng từ đầu năm bị thắt chặt… nên để đồng hành cùng người tiêu dùng và các đơn vị phân phối, đối tác, Nhựa Tiền Phong đã lựa chọn không tăng giá bán và giữ bình ổn giá vì người tiêu dùng. Đó là nguyên tắc điều hành của Ban lãnh đạo công ty”.

Ông Phương cũng khẳng định, nếu chỉ đặt lợi nhuận lên đầu thay vì các giá trị khác, Công ty hoàn toàn có thể tăng giá bán, và duy trì ở mức cao trong 2-3 năm tới. Tuy nhiên, hệ quả của điều này sẽ rất nghiêm trọng và không thể là chiến lược phát triển dài hạn vì niềm tin của người tiêu dùng và các đối tác lớn của công ty lúc đó đã bị đánh mất.

"Nhựa Tiền Phong không chọn cách đi này. Công ty chấp nhận tăng trưởng chậm để ổn định giá bán”, ông Phương khẳng định.

Với kết quả đạt được sau nửa năm, Nhựa Tiền Phong đã thực hiện 43% kế hoạch doanh thu và 54% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra. Năm 2023, do dự báo ngành nhựa còn gặp nhiều khó khăn do thị trường bất động sản chưa thể phục hồi ngay nên Nhựa Tiền Phong chỉ đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.875 tỷ đồng, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế là 535 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối quý II/2023, tổng tài sản của Nhựa Tiền Phong đã giảm nhẹ so với đầu năm xuống dưới 5.000 tỷ đồng. Trong đó, tồn kho giảm mạnh từ mức 1.538 tỷ đồng đầu năm xuống còn gần 1.100 tỷ đồng. Ngược lại, số dư tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn lại tăng mạnh từ 600 tỷ lên hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm 1/5 tổng tài sản. Đây là một trong những chính sách điều hành tài chính của Ban lãnh đạo công ty nhằm đảm bảo dòng tiền cho các hoạt động đầu tư, sản xuất khi cần, trong bối cảnh chính sách tín dụng chưa được nới lỏng nhiều.

Tin bài liên quan