Ngày 28/4, Nhựa Tiền Phong tổ chức kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023

Ngày 28/4, Nhựa Tiền Phong tổ chức kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023

Nhựa Tiền Phong (NTP) đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng 5% trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Căn cứ vào tình hình tăng trưởng và dự báo biến động của thị trường và rủi ro, Nhựa Tiền Phong đã đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và sản lượng là 5%.

Sáng 28/4, Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong, mã chứng khoán là NTP) đã họp Đại Hội Đồng Cổ Đông thường niên năm 2023.

Báo cáo tại kỳ họp trước toàn thể cổ đông của công ty, ông Chu Văn Phương, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong đã nhấn mạnh: “Công ty đã kiên cường vượt qua năm 2020, 2021 đầy khốc liệt với kết quả kinh doanh đứng đầu ngành. Nhựa Tiền Phong đã bắt đầu năm 2022 với một tâm thế chủ động, sẵn sàng thích ứng linh hoạt với những thay đổi, kiếm tìm những giải pháp phù hợp trong lúc khó khăn và tạo ra cơ hội trong mỗi thách thức”.

Bằng những nỗ lực và quyết tâm, kết quả sản xuất kinh doanh hợp nhất năm 2022 của Nhựa Tiền Phong đã ghi nhận ở mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây với tổng doanh thu đạt 5.685,1 tỷ đồng, tăng hơn 700 tỷ đồng so với năm 2021 và lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 564,48 tỷ đồng. Kết quả này đã vượt 9,8% kế hoạch doanh thu và 21,4% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của Công ty đạt 5.064 tỷ đồng, tăng hơn 3,38% so với năm 2021 tập trung chủ yếu ở tài sản cố định (gồm nhà xưởng, máy móc…) và hàng tồn kho (nguyên vật liệu). Nợ phải trả là 2.233,02 tỷ đồng, tương đương 44% tổng nguồn vốn, trong đó không ghi nhận nợ vay dài hạn. Đây là điểm sáng trong bức tranh tài chính của Nhựa Tiền Phong trong bối cảnh lãi suất tăng, sức ép chi phí vốn đè nặng nhiều doanh nghiệp.

Ông Chu Văn Phương, thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022 trước cổ đông.

Ông Chu Văn Phương, thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022 trước cổ đông.

Căn cứ vào năng lực nội tại và tình hình phát triển kinh tế đất nước, Ban lãnh đạo của Nhựa Tiền Phong đã đề ra mục tiêu sản xuất, kinh doanh hợp nhất cho năm 2023 và được các cổ đông thông qua. Theo đó, doanh thu thuần là 5.875 tỷ đồng, sản lượng đạt 106.000 tấn, duy trì mức tăng trưởng 5%. Riêng chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế là 535 tỷ đồng, thấp hơn so với mức lợi nhuận thực hiện được của năm 2022.

Tại kỳ họp, các cổ đông đã nhất trí Phương án phân phối lợi nhuận năm 2022. Trong đó, tổng lợi nhuận trước thuế là hơn 455,82 tỷ đồng, trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2022 cho cổ đông bằng 20% vốn điều lệ. Hiện đã trả cổ tức bằng tiền mặt đợt I là bằng 15% vốn điều lệ vào ngày 15/12/2022; trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi với mức 10% lợi nhuận sau thuế, trích lập cho Quỹ đầu tư phát triển là 151,08 tỷ đồng. Năm 2023, dự kiến mức cổ tức bằng tiền vẫn duy trì ở mức 20% vốn điều lệ.

Ngoài ra, các cổ đông còn biểu quyết thông qua các nội dung, báo cáo khác; Sửa đổi, bổ sung điều lệ tổ chức và hoạt động công ty; đổi một số ngành nghề đăng ký kinh doanh.

Cổ đông tham gia trao đổi tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Nhựa Tiền Phong.

Cổ đông tham gia trao đổi tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Nhựa Tiền Phong.

Đại hội đồng cổ đông còn thông qua việc phê chuẩn miễn nhiệm ông Nguyễn Việt Phương, Phó trưởng ban Đầu tư 3 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), thành viên HĐQT Nhựa Tiền Phong. Bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020 – 2025 với ông Bùi Đức Long, Trưởng ban Tổ chức cán bộ của SCIC.

Năm qua, bằng việc vận hành 3 cụm nhà máy tại Hải Phòng, Nghệ An và Bình Dương đưa sản lượng tối đa của Nhựa Tiền Phong lên khoảng 250.000 tấn sản phẩm/năm. Điều này giúp Nhựa Tiền Phong giữ vững vị thế là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong sản xuất ống và phụ tùng vật tư ngành nước tại Việt Nam.

Năm 2022, Công ty đã nhận gia công hơn 400 chủng loại phụ tùng và xuất khẩu thành công nhiều đơn hàng cho Tập đoàn Iplex ở Australia, New Zealand, 10.000 van cầu Zacco sang Đức và sản phẩm PVC sang Sekisui Nhật Bản.

Không chỉ phục vụ ngành xây dựng, Nhựa Tiền Phong còn mở rộng ra các lĩnh vực mới như ngành điện, ngành nuôi trồng thuỷ hải sản… Hợp tác chặt chẽ với các đối tác lớn như Tập đoàn Minh Phú, Tập đoàn PC1 tạo dư địa lớn để Nhựa Tiền Phong mở rộng thị phần, tăng doanh thu, lợi nhuận trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Tin bài liên quan