Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023, ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.175,8 tỷ đồng, giảm 9% so với năm 2022.
Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế tăng 16,7% so với năm 2022, đạt hơn 659 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 559,4 tỷ đồng, tăng 16,5% so với năm 2022. Đây là mức lợi nhuận cao nhất mà Nhựa Tiền Phong đạt được trong một năm kể từ khi niêm yết vào năm 2006.
Thời điểm đầu năm 2023, lãnh đạo Nhựa Tiền Phong dự báo ngành nhựa trong năm sẽ còn gặp nhiều khó khăn, qua đó, đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu đạt 5.875 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với năm trước đó, nhưng chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế lại giảm 5% xuống mức 535 tỷ đồng.
Như vậy, kết thúc năm 2023, với kết quả đạt được trên, Nhựa Tiền Phong mới thực hiện 88% kế hoạch doanh thu, nhưng đã vượt 23% mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023, tính đến hết 31/12/2023, tổng tài sản của Nhựa Tiền Phong đạt hơn 5.453,6 tỷ đồng, tăng gần 390 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương tăng 8%, chủ yếu đến từ tiền mặt (khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi). Đáng chú ý, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn của NTP tại cuối năm 2023 gấp 3,6 lần đầu năm, ghi nhận 451 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2023, số dư tiền mặt đã tăng thêm gần 850 tỷ so với đầu năm, lên mức 1.435 tỷ đồng, chiếm hơn 1/4 tổng tài sản. Hàng tồn kho giảm 25% so với đầu năm, ở mức 1.159 tỷ đồng, chủ yếu do nguyên vật liệu (674 tỷ đồng) giảm 35%.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng mạnh so với đầu năm, từ gần 9 tỷ đồng lên hơn 47 tỷ đồng cuối kỳ, chủ yếu phản ánh chi phí xây dựng cơ bản 21 tỷ đồng và máy móc thiết bị hơn 26 tỷ đồng cho nhà máy tại quận Dương Kinh (Hải Phòng).
Tổng nợ phải trả, với 100% là nợ ngắn hạn ghi nhận 2.338,2 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn ở mức 1.702 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với đầu năm. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt hơn 645 tỷ đồng và 1.174 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển.
Trên thị trường, cổ phiếu NTP của Nhựa Tiền Phong có nhịp tăng tích cực từ cuối năm 2023. Đóng cửa phiên ngày 2/4/2024, thị giá NTP ở mức 42.600 đồng/cổ phiếu.
Trong báo cáo triển vọng 2024, Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS) cho rằng, biên lợi nhuận gộp ngành nhựa năm 2024 sẽ giảm 4,3% so với mức đỉnh của năm 2023 do giá hạt nhựa dự báo phục hồi trong năm 2024 khi nhu cầu trên thế giới dần cải thiện.
Tuy nhiên biên lợi nhuận ngành này sẽ vẫn đạt mức cao khoảng 30,8%, so với mức trung bình 25,3% của giai đoạn 2018-2022.
Theo FPTS, hiện nay giá bán ống nhựa trung bình đang ở mức 56 triệu đồng/tấn, cao hơn khoảng 24% so với giai đoạn trước năm 2021 dù nhu cầu tiêu thụ ảm đạm.
Vì vậy, các doanh nghiệp lớn nhiều khả năng phải hạ giá bán để cạnh tranh và giữ thị phần.
Năm 2024, FPTS dự phóng sản lượng tiêu thụ mảng nhựa xây dựng sẽ khả quan hơn, tăng trưởng khoảng 8,5% so với mức nền thấp của 2023. Kỳ vọng đến từ sự tăng trưởng của mảng xây dựng nhà ở khi nhóm khách hàng bất động sản dần hồi phục trong năm 2024 nhờ áp lực lãi vay giảm.
Nhu cầu ống nhựa khả năng sẽ cải thiện từ quý II/2024 và tăng trưởng rõ nét hơn trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, cần lưu ý mức sản lượng tiêu thụ này chưa phục hồi hoàn toàn về mức cao của giai đoạn 2019-2020 vì ngành bất động sản vẫn chưa thực sự thoát khỏi các khó khăn.
Nhìn chung, đơn vị phân tích nhận định, tỷ suất lợi nhuận sau thuế 2024 của các doanh nghiệp nhựa dự kiến sụt giảm so với mức cao của 2023 theo đà giảm của biên lợi nhuận gộp, khi mà các doanh nghiệp lớn đang chịu áp lực giảm giá bán để duy trì năng lực cạnh tranh và dự phóng giá hạt nhựa đầu vào phục hồi.