Nhựa Thuận Đức (TDP) chính thức giao dịch UPCoM

Nhựa Thuận Đức (TDP) chính thức giao dịch UPCoM

(ĐTCK) Ngày 12/11, 25 triệu cổ phiếu TDP của Công ty cổ phần Thuận Đức chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM, tương đương với vốn điều lệ 250 tỷ đồng. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 10.700 đồng/cp.

Chào sàn UPCoM với giá 10.700 đồng/cổ phiếu 

Công ty cổ phần Thuận Đức thành lập vào tháng 1/2007 tại Hưng Yên, là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm từ polypropylene, nổi bật là hạt nhựa tái chế, manh dệt PP, bao bì PP và túi shopping.

Bao bì PP là loại bao bì thông dụng trong các ngành phân bón, hóa chất, thực phẩm, chăn nuôi, xi măng, gạo, đường, muối... Với ưu điểm độ bền cao, chứa đựng được nhiều mặt hàng sản phẩm, và dễ dàng đóng gói vận chuyển xa, bao bì PP của Thuận Đức đã có mặt ở mọi lĩnh vực như: nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, chăn nuôi…

Túi shopping hay còn gọi là túi mua sắm thường được sử dụng trong các siêu thị, quán tạp hóa, quán lưu niệm để đựng đồ dùng, thực phẩm… Túi Shopping khá phổ biến ở nước ngoài, đặc biệt ở Nhật Bản còn được sử dụng như túi xách thời trang.

Tại Việt Nam, túi shopping cũng được dự đoán sẽ dần soán ngôi các sản phẩm đóng gói phổ biến hiện nay như túi nilon, trở thành mặt hàng đóng gói chính trong ngành bán lẻ bởi ưu điểm thân thiện với môi trường.

Các sản phẩm hạt nhựa, bao bì PP, túi shopping của Thuận Đức hiện có thể đáp ứng được hầu hết các yêu cầu của các thị trường khắt khe như Nhật Bản, Mỹ, EU…

Nhà máy số 2 - Động lực tăng trưởng của Thuận Đức

Kể từ năm 2017, nhà máy số 2 của Công ty đã đi vào hoạt động ổn định tạo điều kiện gia tăng sản lượng sản xuất, từ đó mở rộng thị trường và địa bàn kinh doanh và khách hàng. Việc mở rộng này góp phần giúp doanh thu và lợi nhuận năm 2017 tăng trưởng lần lượt 77% và 88% so với năm 2016.

Tính hết quý III/2018, Thuận Đức đã thực hiện được 65% kế hoạch doanh thu năm và vượt con số kế hoạch lợi nhuận năm.

Tại Việt Nam, công nghiệp nhựa là một ngành còn khá non trẻ so với các ngành khác như cơ khí, điện tử, hóa chất, dệt may…nhưng đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, đặc biệt là mảng bao bì nhựa.

Theo số liệu từ Stoxplus, trong quy mô ngành thì sản phẩm bao bì chiếm tỷ trọng lớn nhất đến 38% vào năm 2016 và cũng là phân khúc có tốc độ tăng trưởng CAGR nhanh nhất giai đoạn 2011 - 2016 với 10%.

Theo kế họach phát triển ngành nhựa Việt Nam của Bộ Công thương, năm 2020 phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp ngành nhựa đạt 181.577 tỷ đồng và tới năm 2025 là 390.000 tỷ đồng, tỷ trọng ngành nhựa so với toàn ngành công nghiệp đến năm 2020 đạt 5,5% và tăng lên 6% vào năm 2025. Đến năm 2020, sản lượng các sản phẩm ngành nhựa phấn đấu đạt 12,5 triệu tấn. Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tới 2020 là 4,3 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng khoảng 15%.

Có thể nói với tốc độ tăng trưởng và quy mô của ngành nhựa càng ngày lớn thì các doanh nghiệp nhựa như Thuận Đức càng có thêm nhiều dư địa phát triển.

Tin bài liên quan