Nhu cầu về kho bãi của doanh nghiệp đã thay đổi

0:00 / 0:00
0:00
Chia sẻ tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2022, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản KCN đều có chung nhận định, nhu cầu về kho bãi của doanh nghiệp đã thay đổi.
Các chuyên gia đang trao đổi về xu hướng mới của kho bãi tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn

Các chuyên gia đang trao đổi về xu hướng mới của kho bãi tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn

Cần kho bãi ở gần cảng và khu vực sản xuất

Ông Michael Chan, Giám đốc kinh doanh Công ty BW Industrial cho hay, Covid-19 khiến doanh nghiệp cần tích trữ nhiều nguyên vật liệu để sản xuất và thành phẩm để bán lẻ, tăng kho bãi ở gần cảng và khu vực sản xuất. Những công ty về điện tử muốn địa phương hóa, bản địa hóa chuỗi cung ứng của họ.

Đại dịch cũng làm thay đổi cách thức sản xuất. Khi doanh nghiệp phải thực hiện “ba tại chỗ”, nhu cầu về kho bãi lại càng tăng lên, bởi đây vừa là nơi chứa nguyên vật liệu, thành phẩm, vừa là nơi bố trí chỗ ăn nghỉ, sinh hoạt cho công nhân. Trong thời gian tới, giá dầu, giá nguyên liệu tăng lên, phải mua dự trữ trước, cũng cần thêm diện tích mặt bằng để chứa. Nói chung, có rất nhiều vấn đề phải giải quyết khi đối mặt với những bất định.

“Việt Nam luôn được coi là một trong những giải pháp dự phòng vì có vị trí chiến lược và chính sách ổn định, nên nhà đầu tư có xu hướng lựa chọn Việt Nam, thay vì các quốc gia Đông Nam Á khác để đầu tư. Tôi tin có rất nhiều doanh nghiệp châu Âu muốn tìm kiếm cơ hội ở thị trường Việt Nam, nên sắp tới sẽ có thêm các cơ sở sản xuất ở Việt Nam”, ông Michael Chan nhận định.

Dưới góc độ là doanh nghiệp chuyên cung cấp thuốc, dược phẩm và chăm sóc sức khỏe, ông Peter Nguyễn, đồng sáng lập Thuocsi.vn cũng chia sẻ, đại dịch đã tác động rất lớn đến chuỗi cung ứng. Khi Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp đã gặp phải sự gián đoạn khủng khiếp về chuỗi cung ứng cả trong và ngoài nước.

Cụ thể, ở nước ngoài, hàng đặt mua không chuyển về được vì thiếu phương tiện vận chuyển, khi các đường bay bị tạm dừng, tàu biển thì chậm và cước tăng rất cao. Còn ở trong nước, chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất, các nhà bán hàng chỉ cần có một ca dương tính với Covid-19 thì toàn bộ công ty phải đóng cửa. Để khắc phục sự gián đoạn này, doanh nghiệp phải bố trí nhà kho ở khắp nơi để có thể đáp ứng nhanh chóng.

Gia tăng nhu cầu kho bãi cho thương mại điện tử

Đại diện một tập đoàn có dịch vụ chuỗi cung ứng thông minh toàn cầu, ông Nelson Wu, Tổng giám đốc Best Inc Vietnam cho hay, dù giai đoạn căng thẳng của đại dịch Covid-19 đã qua, nhưng thói quen của người tiêu dùng chủ yếu giao dịch online trong thời gian đó không thay đổi, việc bán hàng online vẫn tiếp tục phát triển. Điều đó có nghĩa là nhu cầu kho bãi cho thương mại điện tử cũng gia tăng.

“Đại dịch giúp tăng tốc ngành thương mại điện tử và nhu cầu của người mua cũng như người bán đã thay đổi. Kênh giao dịch online bắt đầu phát triển, được xây dựng thành những chiến lược chuyên nghiệp. Đây là động lực tích cực, bởi thương mại điện tử ở Việt Nam mới chiếm một con số khiêm tốn trong ngành bán lẻ. Việt Nam hiện mới có một số nền tảng thương mại như Lazada, Shopee… thời gian tới sẽ còn nhiều nền tảng thương mại khác tham gia thị trường này”, ông Nelson Wu nói.

Việt Nam cũng đang có tỷ lệ sử dụng tiền mặt rất cao, khoảng 90%. Một lượng tiền mặt lớn được lưu thông mỗi ngày là điều đáng lo ngại. Đại dịch đã giúp nhiều người thanh toán không tiền mặt nhiều hơn. Lĩnh vực thanh toán điện tử sẽ tiếp tục phát triển và nó sẽ thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử. Tất cả mọi người gồm cả khách hàng và các nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi từ đó.

“Khi nói về Việt Nam, điều chúng tôi nhận ra là chưa có nguồn cung cho logistics thương mại điện tử, đại đa số các nhà kho vẫn đang đi theo phương án truyền thống”, ông Nelson Wu nói và cho biết thêm, hiện tại, một số thương hiệu đang muốn đầu tư vào hệ sinh thái thương mại điện tử của riêng họ. Thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn còn cơ hội cho nhiều người chơi.

“Thương mại điện tử ngày nay đã sử dụng công nghệ để ứng dụng vào các chiến lược online. Các doanh nghiệp cũng sẽ phải xem xét các nền tảng công nghệ, thay đổi sản phẩm và dịch vụ của mình”, Tổng giám đốc Best Inc Vietnam phân tích.

Báo cáo tổng quan về thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, Việt Nam đang chuyển đổi nhanh về phát triển tài sản cả logistics và bất động sản công nghiệp, hiện 60% là kho truyền thống và xu hướng là chuyển sang bất động sản hạng A và kho bãi, các doanh nghiệp trong ngành này đều có kết quả kinh doanh tốt. Ngoài ra, còn có bất động sản tích hợp và quan tâm tới phát triển bền vững.

Dự báo của Cushman & Wakefield, trong 5 năm tới, có khoảng 40.000 ha đất khu công nghiệp cung cấp cho thị trường. Các kho bãi cũng đang được quan tâm đầu tư mới và nhanh, đến năm 2025 sẽ tăng trưởng 22%, sẽ có kho bãi chuẩn A và B. Đây là tin tốt cho ngành bất động sản.

Tin bài liên quan