Các chuyên gia dự đoán nhu cầu về container sẽ giảm trong vài tháng tới vì nhiều công ty Mỹ đã đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa trước áp lực thuế quan.
“Trên các tuyến Thượng Hải đến Los Angeles và Thượng Hải đến New York, có một số điều đang diễn ra trong bối cảnh thuế quan… Các nhà nhập khẩu Mỹ đã mua rất nhiều hàng hóa trước ngày 2/4, điều này sẽ làm chậm hoặc thậm chí tạm dừng các chuyến hàng mới”, Philip Damas, Giám đốc Drewry Supply Chain Advisors cho biết.
Các đơn đặt hàng xuất nhập khẩu - có thể được sử dụng để đo lường nhu cầu container - đều đã chứng kiến những thay đổi đáng kể sau thông báo thuế quan được đưa ra vào ngày 2/4 của Tổng thống Trump.
Theo nhà cung cấp dữ liệu chuỗi cung ứng Vizion, các đơn đặt hàng nhập khẩu của Mỹ đã giảm 67% trong tuần này (tính tới ngày 9/4) so với tuần trước xuống còn 169.000 TEU. Nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 63% xuống còn 54.000 TEU.
Đối với tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ, các đơn đặt hàng đã giảm 40% trong tuần này xuống còn 83.000 TEU. Xuất khẩu đến Trung Quốc giảm nhẹ xuống còn 4.400 TEU.
Judah Levine, Giám đốc nghiên cứu của Freightos cho biết, ông dự kiến nhu cầu về container sẽ giảm đáng kể do sự kết hợp giữa sự không chắc chắn từ các cuộc đàm phán về thuế quan và khối lượng hàng hóa đã được đẩy mạnh nhập khẩu kể từ tháng 11.
"Những yếu tố này có thể sẽ khiến mùa cao điểm xuyên Thái Bình Dương trầm lắng, với một số lo ngại về suy thoái kết hợp với tình trạng dư thừa công suất trên thị trường container - có thể dẫn đến nhu cầu giảm và giá cước giảm mạnh như sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008", ông cho biết.
Trong khi đó, các hãng vận tải biển đã hủy một số lượng lớn các chuyến đi xuyên Thái Bình Dương, điều này sẽ tạm thời hạn chế tình trạng giá cước giao ngay bị sụt giảm nhanh chóng. Các hãng vận tải thường sẽ cắt giảm một số chuyến nhất định khi nguồn cung container dư thừa theo cách đảm bảo giá cước không giảm mạnh.
Vào tháng 3, Công ty vận tải MSC đã hủy toàn bộ tuyến dịch vụ xuyên Thái Bình Dương do nhu cầu chung trên tuyến này suy yếu.
Theo Drewry, số chuyến đi bị hủy riêng lẻ trong tháng 3 và tháng 4 trên các tuyến xuyên Thái Bình Dương, xuyên Đại Tây Dương và từ châu Á đến Bắc Âu và Địa Trung Hải đã tăng lên 198, vượt xa con số 135 chuyến đi bị hủy trong giai đoạn hai tháng của năm 2024.
Với sự gia tăng các chuyến đi bị hủy cùng với việc điều chỉnh thuế quan, có thể dẫn tới nhiều biến động hơn nữa về giá cước vận tải giao ngay trên diện rộng trong những tháng tới.
Theo Drewry World Container Index (WCI), các chuyến đi bị hủy gần đây đã giúp tăng giá cước vận tải container hàng tuần từ Thượng Hải đến Los Angeles lên 10% và thúc đẩy mức tăng 8% từ Thượng Hải đến New York.
Robert Khachatryan, Tổng giám đốc điều hành của công ty giao nhận vận tải Freight Right Global Logistics cho biết, mức thuế cơ sở 10% có hiệu lực vào ngày 5/4 vẫn chưa có bất kỳ tác động tức thời nào đến giá cước ngắn hạn.
“Việc tăng giá cước chung theo kế hoạch của các hãng vận tải biển có hiệu lực từ ngày 1/4 có khả năng sẽ bị hủy bỏ…Trừ khi có sự cắt giảm đáng kể về thuế quan hoặc hủy bỏ chính sách, tôi không thấy giá cước tăng đáng kể”, ông cho biết.
Nhìn chung, các tuyến đường vận tải biển của Mỹ đã hỗ trợ giá cước vận tải container nói chung, với giá tổng hợp của WCI trên cả 8 tuyến thương mại mà Drewry theo dõi đã tăng 2% lên 2.208 USD cho mỗi container 40 feet.
Tuy nhiên, lượng hàng hóa rời khỏi châu Á hướng đến cả hai khu vực châu Âu vẫn tiếp tục giảm mạnh kể từ đầu năm nay, và không có sự tăng giá cước nào kể từ tuần cuối cùng của tháng 11/2024. Tính đến ngày 10/4, các chuyến hàng từ Thượng Hải đến Rotterdam đã giảm 3% so với tuần trước, trong khi giá từ Thượng Hải đến Genoa giảm 4% so với cùng kỳ.
Và sự sụt giảm giá cước vận tải giao ngay trên tuyến từ Thượng Hải đến Rotterdam và Genoa chủ yếu là do nguồn cung dư thừa ngày càng tăng trên thị trường.
Mặt khác, nhiều người trong ngành cũng lo ngại về tình trạng dư thừa công suất khi đơn đặt hàng tàu mới tăng mạnh vào năm 2024, nhưng vấn đề tiềm ẩn này đã được giảm thiểu trong suốt cả năm vì rất nhiều tàu có thể được sử dụng để vận chuyển hàng hóa chuyển hướng khỏi Biển Đỏ. Khi ngày càng có nhiều tàu đi vào hoạt động, việc cân bằng cung cầu sẽ trở nên khó khăn hơn nếu nhu cầu không tăng trở lại.
Theo phân tích từ công ty phân tích dữ liệu Linerlytica, với giá cước vận tải biển dự kiến sẽ tiếp tục giảm trên các tuyến từ châu Á đến châu Âu, trong khi các hãng vận tải đang kỳ vọng tình trạng tắc nghẽn ngày càng trầm trọng tại các cảng lớn của Trung Quốc, Bắc Âu và Địa Trung Hải có thể là động lực giúp giá cước vận tải tăng.