Giá vàng miếng SJC hiện cao hơn giá vàng thế giới trên 11 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí)

Giá vàng miếng SJC hiện cao hơn giá vàng thế giới trên 11 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí)

Nhu cầu vàng thế giới tăng cao, trong nước giảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh lạm phát cao và kinh tế toàn cầu suy thoái, sức hút của vàng trên toàn cầu gia tăng, nhưng với thị trường vàng nội địa, nhu cầu lại suy giảm.

Nhiều ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng

Năm 2022, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã bổ sung 1.136 tấn vàng, trị giá khoảng 70 tỷ USD vào kho dự trữ. Số lượng mua thêm này tăng 152% so với năm 2021 và là con số lớn nhất kể từ năm 1967.

Quý I/2023, các ngân hàng trung ương mua thêm 228 tấn vàng, mức mua cao nhất trong quý đầu năm kể từ khi dữ liệu được xây dựng năm 2000.

Trong đó, Cơ quan Tiền tệ Singapore là tổ chức mua đơn lẻ lớn nhất trong quý đầu năm 2023 khi bổ sung 69 tấn vàng vào kho dự trữ, tăng 45% so với cuối năm 2022.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc mua thêm 58 tấn vàng trong quý I/2023, nâng số lượng nắm giữ lên 2.068 tấn, chiếm 4% tổng dự trữ vàng được báo cáo trên toàn cầu.

Thổ Nhĩ Kỳ tăng dự trữ vàng thêm 30 tấn, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ bổ sung thêm 7 tấn.

Về phía người dân, người tiêu dùng Trung Quốc đã mua 198 tấn trang sức vàng trong quý I/2023, chiếm 41% tổng lượng mua toàn cầu, do nhu cầu tăng vọt trở lại sau khi nước này dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 cứng rắn, mặc dù giá vàng duy trì ở mức cao.

Lạm phát toàn cầu tăng cao, rủi ro suy thoái kinh tế thế giới và rủi ro địa chính trị đã thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào vàng, nhất là các ngân hàng trung ương. Ông Shaokai Fan, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Giám đốc toàn cầu về ngân hàng trung ương, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) nhận định, các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mở rộng nguồn dự trữ vàng.

Vàng trở nên hấp dẫn hơn so với các tài sản dự trữ khác khi không có rủi ro chính trị, không bị suy giảm giá trị như tiền tệ, cũng không thể bị áp đặt giá trong cuộc chiến tiền tệ. Tuy nhiên, WGC cho rằng, nếu giá vàng tăng mạnh đột ngột, lượng mua vàng sẽ giảm.

“Nhìn chung, WGC kỳ vọng hoạt động mua vàng sẽ tiếp tục diễn ra, dẫn đầu xu hướng này là các ngân hàng từ các thị trường mới nổi, khi họ cân bằng lại mức phân bổ vàng của mình với các đối tác ở thị trường phát triển”, ông Shaokai Fan nói.

Theo ông Shaokai Fan, vàng là nơi trú ẩn an toàn trong những thời kỳ lạm phát cao, suy thoái kinh tế và không ổn định địa chính trị, điều này càng được khẳng định thông qua các trường hợp như xung đột Nga - Ukraine. Rất nhiều nhà đầu tư chuyển sang kênh vàng cho thấy vai trò của vàng như một nơi trú ẩn an toàn trong thời điểm khủng hoảng. Hơn nữa, sự suy yếu của hệ thống ngân hàng gần đây cũng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư đến vàng.

Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VNBA), ông Huỳnh Trung Khánh nhận xét, lạm phát của Mỹ vẫn đang ở mức cao. Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục tăng lãi suất thì nguy cơ vỡ nợ trong ngành ngân hàng nước này là khó tránh khỏi và làm tăng nhu cầu đầu tư vào vàng.

Giới phân tích vàng dự báo, từ nay đến cuối tháng 6/2023, giá vàng sẽ dao động ở mức cao, quanh ngưỡng 2.000 USD/ounce.

JPMorgan Chase khuyến nghị, nhà đầu tư nên phân bổ tài sản trong danh mục năm 2023 theo hướng nghiêng về các tài sản có độ trú ẩn cao như tiền mặt và vàng. Cơ sở của khuyến nghị này là rủi ro trần nợ công tại Mỹ, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và lập trường cứng rắn về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Người dân Việt Nam bán vàng nhiều hơn mua vào

Trong quý I/2023, lượng tiêu thụ vàng tại Việt Nam là 17,2 tấn, giảm 12% so với cùng kỳ.

Ông Shaokai Fan nhận xét, không chỉ với nhà đầu tư trên thế giới, mà các nhà đầu tư tại Việt Nam vẫn tin tưởng vào vàng như một biện pháp chống lạm phát. Nếu rủi ro về lạm phát, kinh tế, chính trị trên toàn cầu gia tăng sẽ tạo động lực để nhiều nhà đầu tư ở Việt Nam mua vàng, ngay cả khi giá cao.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhu cầu tiêu thụ vàng tại Việt Nam suy giảm. Cụ thể, trong quý I/2023, lượng tiêu thụ vàng là 17,2 tấn, giảm 12% so với cùng kỳ (19,6 tấn). Trong đó, nhu cầu vàng thỏi và xu vàng giảm 10%, từ 14 tấn xuống 12,6 tấn; nhu cầu vàng trang sức giảm 18%, từ 5,6 tấn xuống 4,6 tấn.

Mặc dù vậy, theo khảo sát của Ngân hàng Standard Chartered, trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng, vàng vẫn là kênh đầu tư được nhiều người Việt Nam quan tâm. Đây là kết quả ghi nhận trong báo cáo Wealth Expectancy 2022 của Standard Chartered, nghiên cứu những thay đổi trong các quyết định đầu tư của hơn 15.000 nhà đầu tư thuộc nhóm thu nhập trung bình, thu nhập cao và có giá trị tài sản ròng cao tại 14 thị trường, trong đó có Việt Nam.

Báo cáo của Standard Chartered cho biết, các yếu tố được nhà đầu tư Việt Nam quan tâm hàng đầu trong việc đầu tư năm nay là lạm phát, nguy cơ suy thoái kinh tế và biến động của kinh tế thế giới. Để có kết quả đầu tư cao hơn tỷ lệ lạm phát, phần lớn nhà đầu tư trên thế giới đang tìm cách giảm nắm giữ tiền mặt và các nhà đầu tư ở Việt Nam cũng không ngoại lệ. Standard Chartered dự báo, lượng phân bổ tiền mặt toàn cầu sẽ giảm từ 26% năm 2022 xuống 15% trong năm 2023.

Về hoạt động đầu tư vàng, giới phân tích khuyến nghị, nhà đầu tư không nên tập trung vào mức tăng giá hàng năm của vàng, mà nên xem xét tác động của loại tài sản này đến tổng thể danh mục. Vì nếu chỉ tập trung vào lợi tức hàng năm, nhà đầu tư sẽ không có được cái nhìn toàn diện về vai trò của vàng.

“Các nhà đầu tư nên quan tâm đến mối tương quan giữa vàng và các loại tài sản khác và tác động của vàng đến danh mục đầu tư. Ví dụ, trong năm nay, chúng ta đã chứng kiến sự suy giảm của thị trường chứng khoán, trong khi giá vàng lại tăng cao. Điều này nhấn mạnh giá trị của việc nắm giữ vàng, vì vàng thường không chịu nhiều ảnh hưởng bởi các loại tài sản khác trong danh mục đầu tư. Nhưng với các nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam, khi muốn đầu tư vào vàng lại có quá nhiều rủi ro, do thị trường vàng trong nước không liên thông với thị trường vàng thế giới, nên giá luôn cao”, một chuyên gia phân tích nói.

Giá vàng SJC ngày 26/5/2023 là 66,45 - 67,07 triệu đồng/lượng (mua - bán), hầu như không thay đổi so với mức giá đầu năm 2023. Trong khi đó, giá vàng thế giới là 1.952,6 USD/ounce, tăng khoảng 7% so với đầu năm và tương đương 55,7 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Hiện giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới 11,37 triệu đồng/lượng.

Tin bài liên quan