Nhu cầu vàng nguyên liệu 20 tấn mỗi năm, doanh nghiệp nữ trang vẫn không được nhập

Nhu cầu vàng nguyên liệu 20 tấn mỗi năm, doanh nghiệp nữ trang vẫn không được nhập

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiệp hội kinh doanh doanh vàng Việt Nam cho hay, nhu cầu vàng nguyên liệu của các doanh nghiệp sản xuất, nữ trang khoảng 20 tấn/năm, nhưng không được nhập khẩu trong 10 năm qua, trong khi vẫn xuất khẩu một lượng không nhỏ. 

Phát biểu tại hội thảo "Chất lượng vàng trang sức Việt Nam" ngày 17/11 do Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC phối hợp cùng với Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA) và Hội đồng Vàng Thế Giới (WGC) tổ chức, ông Đinh Nho Bảng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho biết, triển vọng của ngành nữ trang, kim hoàn vàng của Việt Nam rất lớn, nhất là khi giá vàng miếng tăng, nhu cầu dịch chuyển từ mục đích mua tích trữ sang thời trang, làm đẹp.

"Nhu cầu mua trang sức tại các thị trường này đang trên đà tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, đạt từ 7-11%. Đây có thể nói là một cơ hội tốt cho các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức tại Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp lĩnh vực này còn nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vàng nguyên liệu, dẫn đến chậm chân trong việc phát triển ngành vàng nữ trang.

Đồng thời, việc sản xuất vàng trang sức còn manh mún, công nghệ còn thấp, chất lượng còn chưa cao, mẫu mã chưa đa dạng, chưa đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập trên thị trường. Mỗi năm, các doanh nghiệp ước tính phải mua khoảng 20 tấn vàng nguyên liệu nhưng việc này rất khó khăn", ông Bảng chia sẻ.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2019 doanh nghiệp kinh doanh vàng đã xuất khẩu được 2,1 tỷ USD, năm 2020 xuất khẩu được 2,6 tỷ USD. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành (Nghị định 101/2021) quy định mức thuế chung đối với vàng xuất khẩu 1%. Với mức thuế suất này, doanh nghiệp không thể thực hiện được xuất khẩu, ngân sách mất đi một nguồn thu không nhỏ.

Trước đây, khi thuế xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ hàm lượng dưới 95% cũng ở mức dưới 0%, nhiều doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu vàng với số lượng lớn, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động, góp phần tái tạo ngoại tệ và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Nhưng hiện nay, ngành sản xuất, kinh doanh nữ trang bị đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện.

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội mỹ nghệ Kim hoàn TP.HCM (SJA) cũng cho hay, cần cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ (có quy định về điều kiện doanh nghiệp phải có quy mô sản xuất, nguồn vốn, lực lượng lao động lớn…). Đưa hoạt động kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện.

Bởi theo ông Dưng, hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ là hoạt động không cần cấp phép Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ do Ngân hàng nhà nước cấp. Đây là những xu hướng cần bổ sung để ngành vàng bạc đá quý Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn và hội nhập quốc tế.

Cần thay đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng

Để thị trường vàng nữ trang phát triển, theo Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) Đinh Nho Bảng, cần đổi mới chính sách về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, thay đổi Nghị định 24/2021/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng, chính sách thuế và sửa đổi luật Đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Trước mắt, các doanh nghiệp cần được nhập khẩu vàng nguyên vật liệu để sản xuất vàng trang sức. Về phía các doanh nghiệp, cần đầu tư mạnh mẽ hơn về công nghệ, thiết bị, tay nghề lao động và tăng cường liên doanh, liên kết trong và ngoài nước. Doanh nghiệp cần coi trọng về chất lượng sản phẩm vàng nữ trang để tạo lòng tin cho người tiêu dùng.

Còn về chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng, ông Bảng cho rằng, Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/04/2012 được ban hành vào thời điểm đó là phù hợp và đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, đến nay đã 10 năm, thị trường vàng Việt Nam đã cơ bản ổn định và một số đạo luật mới về đầu tư, kinh doanh đã được ban hành, nên nhiều quy định tại Nghị định 24/2012 hiện đã không còn phù hợp với tình hình hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch SJA cũng cho rằng, khi Nghị định số 24 của Chính phủ được ban hành, theo đó, thị trường vàng trong nước đã được tổ chức, sắp xếp lại chặt chẽ: Từ hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng và các hoạt động kinh doanh vàng khác, bao gồm cả hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản và hoạt động phái sinh về vàng...

Do vậy, đối với chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ hiện nay sau 11 năm thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP đảm bảo tuân thủ Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý tiêu chuẩn đo lường trong kinh doanh vàng về chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ lưu thông trên thị trường.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay tồn tại lớn nhất về chất lượng vàng trang sức là sản phẩm đạt được thương hiệu còn rất ít, do vậy đây cũng thể hiện sản phẩm vàng trang sức của đại bộ phận các doanh nghiệp Việt Nam chưa trở thành thương hiệu (thương hiệu sản phẩm cũng như thương hiệu doanh nghiệp ).

Do đó, đòi hỏi thị trường cũng như người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, về mẫu mã sản phẩm vàng trang sức cần có được sự thay đổi lớn, để các doanh nghiệp cũng như sản phẩm vàng trang sức của họ trở thành thương hiệu quốc gia.

Tại hội thảo, ông Đặng Ngọc Thảo, Giám đốc Công ty Giám định PNJ Lab, cùng với VGTA, Công ty đề xuất chương trình "Thương hiệu vàng trang sức Việt Nam chất lượng cao" được bình chọn bởi người tiêu dùng nhằm tôn vinh những doanh nghiệp uy tín trong ngành vàng bạc đá quý. Mục đích của chương trình "Thương hiệu vàng trang sức Việt Nam chất lượng cao" nhằm tạo ra một sân chơi lành mạnh và một giải thưởng uy tín dành cho những thương hiệu vàng bạc đá quý tại Việt Nam, được tin yêu và bình chọn bởi người tiêu dùng.

Theo đó, bộ tiêu chí này cần tuân thủ và đáp ứng các quy định pháp luật tại Việt Nam, ví dụ như các bộ luật về Chất lượng sản phẩm, hàng hoá; Luật đo lường; Nghị định về nhãn hàng hoá; Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; Thông tư quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường; cũng như các bộ tiêu chuẩn theo tiêu chuẩn Việt Nam và ISO áp dụng trong ngành vàng bạc đá quý.

Tin bài liên quan