Nhu cầu vàng đạt kỷ lục khi các ngân hàng trung ương mua vào

Nhu cầu vàng đạt kỷ lục khi các ngân hàng trung ương mua vào

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), tổng nhu cầu vàng đã đạt kỷ lục vào năm ngoái và dự kiến nhu cầu sẽ tiếp tục tăng vào năm 2024 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến tới cắt giảm lãi suất.

Theo báo cáo của WGC, mức tiêu thụ vàng tổng thể năm 2023 đã tăng khoảng 3% lên 4.899 tấn, khi được hỗ trợ bởi nhu cầu mạnh mẽ trên thị trường OTC, cũng như từ hoạt động mua vàng liên tục của ngân hàng trung ương. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2010. Tổng nhu cầu vàng bao gồm vàng thỏi để đầu tư, đồ trang sức, tiền xu, hoạt động mua của ngân hàng trung ương, quỹ ETF và giao dịch OTC.

Joseph Cavatoni, chiến lược gia trưởng thị trường tại WGC cho biết: “Bối cảnh thích hợp để các ngân hàng trung ương mới nổi tiếp tục là người mua ròng… Hội đồng nhận thấy khả năng mạnh mẽ trong việc mua vàng của các quốc gia như Trung Quốc và Ba Lan”.

Giá vàng đã tăng 13% trong năm ngoái và chạm mức kỷ lục vào đầu tháng 12/2023 do sự bất ổn về kinh tế và chính trị, căng thẳng địa chính trị và kỳ vọng rằng Fed đã sẵn sàng bắt đầu nới lỏng chính sách sau chiến dịch tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát. Các nhà đầu tư thường muốn sở hữu vàng trong chu kỳ cắt giảm lãi suất vì vàng được hưởng lợi từ lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp hơn và đồng đô la yếu hơn.

Giá trị mua vàng của các ngân hàng trung ương toàn cầu

Giá trị mua vàng của các ngân hàng trung ương toàn cầu

Dữ liệu của WGC cho thấy tăng trưởng nhu cầu vàng hàng năm trên thị trường OTC đạt 753% vào năm ngoái, mức cao nhất kể từ ít nhất là năm 2011. Theo chiến lược gia Joseph Cavatoni, các nhà đầu tư dự kiến sẽ tiếp tục tích lũy vàng với tốc độ nhanh chóng trong năm nay, phần lớn được thúc đẩy bởi việc Fed chuyển hướng sang nới lỏng chính sách.

Trong báo cáo, WGC cho biết, lực mua vàng của ngân hàng trung ương đang duy trì tốc độ chóng mặt, với lượng mua ròng hàng năm là 1.037 tấn vào năm ngoái, chỉ kém 45 tấn so với kỷ lục thiết lập vào năm 2022. Dự kiến lượng mua vàng của ngân hàng trung ương sẽ lên tới 500 tấn trong năm nay.

Các giao dịch dự kiến trên OTC cũng như hoạt động mua vào của ngân hàng trung ương sẽ mang lại đối trọng chính cho sự suy yếu ở những thị trường khác, đặc biệt là các quỹ ETF. Theo chiến lược gia Joseph Cavatoni, điều đó mang lại sự tăng giá mạnh mẽ cho giá vàng và có khả năng đạt mức giá 2.200 USD/ounce trở lên.

Theo WGC, nhu cầu trang sức có thể gặp khó khăn trong năm nay do kinh tế suy thoái và giá cao bắt đầu ảnh hưởng, đưa mức tiêu thụ từ lĩnh vực này lên mức 2.093 tấn vào năm 2023.

Một điểm sáng có thể là Ấn Độ - nước tiêu dùng lớn thứ hai về vàng - với nhu cầu từ quốc gia châu Á này dự kiến sẽ tăng trở lại lên mức 800 đến 900 tấn trong hai năm tới sau khi giảm xuống còn 748 tấn vào năm 2023.

P.R. Somasundaram, Giám đốc điều hành khu vực của hội đồng ở Ấn Độ cho biết, sự phục hồi được hỗ trợ bởi thu nhập tăng lên khi nền kinh tế phát triển. Ông cho biết, doanh số bán vàng vẫn ổn định trong vài năm qua mặc dù giá cả tăng vọt.

Tại Trung Quốc, nhu cầu về trang sức vàng có thể vẫn ổn định do người tiêu dùng đang tìm cách bảo toàn giá trị của tài sản trú ẩn an toàn trước đồng tiền suy yếu và triển vọng kinh tế ngày càng bất ổn. Tuy nhiên, WGC dự đoán tốc độ tăng trưởng của đất nước sẽ chậm lại - kịch bản có thể hạn chế ngân sách của các hộ gia đình để mua vàng miếng, tiền xu cũng như vàng trang sức.

Tin bài liên quan