Các ngân hàng đẩy mạnh cho vay ngay từ đầu năm

Các ngân hàng đẩy mạnh cho vay ngay từ đầu năm

Nhu cầu tín dụng kỳ vọng “tăng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ tiếp tục là yếu tố chính thúc đẩy giá cổ phiếu ngân hàng trong năm 2025 vốn được nhận định định giá thấp trong năm 2024. Theo đó, đẩy mạnh tín dụng ngay từ những ngày đầu năm được các ngân hàng đặc biệt quan tâm.

Sẵn sàng bơm vốn

Báo cáo về triển vọng ngành ngân hàng 2025 của VinaCapital mới công bố cho biết, cổ phiếu các ngân hàng Việt Nam hiện giao dịch ở mức P/B 1,3 lần với dự phóng cho năm 2025, cùng tỷ lệ ROE dự phóng ở mức 16%. Mức P/B này đang thấp hơn gần 2 độ lệch chuẩn so với mức P/B trung bình quá khứ 5 năm của ngành (trong khi đối với các nhà đầu tư nước ngoài, những ngân hàng có ROE 16% có thể được giao dịch với mức P/B trên 2 lần).

Định giá của cổ phiếu ngành ngân hàng cũng khá thấp khi xét theo hệ số giá trên thu nhập (P/E) so với tăng trưởng lợi nhuận (G) khi tỷ lệ PEG chỉ ở mức 0,5 lần (P/E dự phóng là 8 lần so với tăng trưởng EPS dự phóng 17% cho năm 2025). Mức định giá này thực ra đã có cải thiện một chút so với thời điểm đầu năm 2024, khi mức tăng giá cổ phiếu ngân hàng của năm 2024 là 26%, cao hơn so với mức tăng trưởng thu nhập bình quân trên cổ phiếu (EPS) 14%.

“Dự phóng tăng trưởng tín dụng năm 2025 đạt 13-14%, được hỗ trợ bởi tăng trưởng GDP ở mức 7,3%; qua đó thúc đẩy niềm tin kinh doanh, đầu tư và thu nhập hộ gia đình tăng. Nhu cầu tín dụng năm 2025 sẽ chủ yếu đến từ các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại, sản xuất và xây dựng”, ông Barry Weisblatt David - Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước cho hay, dự kiến 6 tháng đầu năm và cả năm 2025, nhu cầu tín dụng được kỳ vọng “tăng” đối với tất cả các lĩnh vực, đối tượng, loại tiền và kỳ hạn. Trong 4 lĩnh vực chính được thống kê, tại kỳ điều tra này, lĩnh vực phát triển công nghiệp và xây dựng có tỷ lệ tổ chức tín dụng (TCTD) dự báo nhu cầu vay vốn “tăng” cao nhất trong năm 2025; theo sau lần lượt là nhu cầu vay phục vụ đời sống và tiêu dùng, vay thương mại và dịch vụ, vay phát triển nông, lâm, thủy sản.

Tương tự năm 2024, diễn biến tăng trưởng kinh tế, lãi suất, thay đổi nhu cầu đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, thay đổi lãi suất cho vay của TCTD, chất lượng phục vụ cải thiện… là những yếu tố được nhiều TCTD nhận định và dự báo ảnh hưởng tích cực đến sự gia tăng nhu cầu tín dụng của nhóm khách hàng doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm và cả năm 2025. Bên cạnh đó, yếu tố cải tiến sản phẩm cho vay, điều kiện và thủ tục cho vay của TCTD cũng được dự báo tác động nhiều đến sự gia tăng nhu cầu vay vốn của nhóm khách hàng cá nhân trong 6 tháng đầu năm và cả năm 2025.

“Dự kiến trong năm 2025, các lĩnh vực bán buôn - bán lẻ, xuất nhập khẩu và vay phục vụ nhu cầu đời sống - tiêu dùng tiếp tục là 3 lĩnh vực có tỷ lệ TCTD dự kiến là ‘động lực tăng trưởng tín dụng’ cao nhất, lĩnh vực xếp thứ 4 là thép và kim loại khác, thay thế lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo được nhận định trong năm 2024”, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói và chia sẻ thêm, nhằm thúc đẩy tín dụng tiêu dùng khởi sắc trở lại, các TCTD dự kiến giữ ổn định các điều kiện và điều khoản cho vay tổng thể đối với khách hàng doanh nghiệp và “nới lỏng” hơn đối với khách hàng cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2025.

Chất lượng song hành với tăng trưởng tín dụng

Một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước cho hay, dự kiến 6 tháng đầu năm và cả năm 2025, nhu cầu tín dụng được kỳ vọng “tăng” đối với tất cả các lĩnh vực, đối tượng, loại tiền và kỳ hạn.

Thấu hiểu sự cần thiết của nguồn vốn để hiện thực các kế hoạch tài chính cá nhân, BAC A BANK vừa triển khai chương trình tín dụng “Hưởng vay ưu đãi - Khởi sắc tương lai” nhằm đồng hành cùng khách hàng cá nhân trong hành trình chinh phục các mục tiêu phục vụ đời sống và phát triển, mở rộng kinh doanh năm 2025.

Được biết, hạn mức của chương trình lên đến 5.000 tỷ đồng, kéo dài từ nay đến hết ngày 30/9/2025. Tham gia chương trình này, khách hàng sẽ được áp dụng lãi vay ngắn hạn chỉ từ 7,2%/năm và chỉ từ 5%/năm đối với khoản vay trung - dài hạn. Đứng trên khía cạnh khách hàng, đây là mức lãi suất được cho là khá cạnh tranh trên thị trường.

Đại diện BAC A BANK cho biết: “Trên thị trường hiện nay không tồn tại ưu thế tuyệt đối, khách hàng là người quyết định và có nhiều cơ hội để chốt một gói tín dụng đáp ứng kế hoạch tài chính cá nhân hiệu quả. Điều mấu chốt ở đây là tính cá nhân hóa càng được chú trọng thì khách hàng sẽ càng tối ưu được khoản vay”.

Trước đó, Vietcombank thông báo triển khai chương trình cho vay lãi suất ưu đãi chỉ từ 4,6%/năm dành cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất - kinh doanh ngắn hạn. Đáng chú ý, quy mô gói tín dụng này lên tới 250.000 tỷ đồng, được áp dụng từ ngày 1/1/2025.

Theo các chuyên gia phân tích, thực tế cho thấy, các ngân hàng vẫn sẽ là bên hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế nhờ vào các yếu tố nội tại. Bởi lẽ, các ngân hàng tài trợ gần như tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế trong nước, đồng thời cho vay nhiều đối với bất động sản và tiêu dùng - những lĩnh vực dự kiến sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế trong năm 2025.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh - Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp và Đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho biết, thị trường cho vay Việt Nam là một trong những ngành đóng góp lớn vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Trong giai đoạn 2020-2024, thị trường cho vay trong nước và nước ngoài (kể cả cho vay đồng tài trợ và cho vay theo nhóm) tại Việt Nam đều tăng trưởng mạnh, lần lượt là 10% và 22%, từ 2,9 tỷ USD đến 5,2 tỷ USD.

“Thị trường cho vay góp phần giúp thị trường vốn tại Việt Nam phát triển mạnh hơn, mang lại giải pháp tài trợ vốn tối ưu cho khách hàng đang tìm kiếm nguồn vốn trong thời gian gấp, mang lại nguồn lực cần thiết để phát triển cho các ngành, lĩnh vực khác nhau”, bà Hạnh nói.

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, với kịch bản cơ sở, tiếp nối đà phục hồi năm 2024, các động lực tăng trưởng truyền thống (như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng) được làm mới, kết hợp hiệu quả với các động lực tăng trưởng mới (khoa học công nghệ và chuyển đổi số, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn, tăng năng suất, đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp - TFP…), dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 có thể đạt 8%.

Cụ thể, ông Lực cho biết, theo hướng cầu, xuất khẩu tăng 10-12%; giải ngân FDI, đầu tư công tăng 18-26%; bán lẻ và tiêu dùng tăng 9-10%; mức đóng góp của tiêu dùng cuối cùng vào tăng trưởng GDP tương đương năm 2024 (khoảng 4 điểm phần trăm) khi việc làm, thu nhập được cải thiện; đóng góp của đầu tư vào tăng trưởng GDP tăng lên 3% (cao hơn mức 2,59% năm 2024). Theo hướng cung, tăng trưởng của các lĩnh vực kinh tế cao hơn năm 2024, trong đó nông - lâm - thủy sản tăng 3,5-4%; công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng 8,5-9,5%.

“Đóng góp của một số động lực tăng trưởng mới như đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP khoảng 45-48%, đóng góp của kinh tế số khoảng 15-18%, tốc độ tăng năng suất lao động khoảng 6,5-7%”, ông Lực thông tin thêm.

“Kinh tế tăng trưởng tốt không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng cho vay, mà còn giúp chất lượng tín dụng của các TCTD ngày càng cải thiện. Theo đó, định giá cổ phiếu của các ngân hàng sẽ được nâng cao”, TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế nói.

Tin bài liên quan