Nhu cầu than đá tăng trở lại, những cam kết giảm khí thải gần như chưa bao giờ xảy ra

Nhu cầu than đá tăng trở lại, những cam kết giảm khí thải gần như chưa bao giờ xảy ra

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ba quốc gia tiêu thụ than nhiều nhất trên thế giới đang sẵn sàng để tăng cường sử dụng than đến mức gần như quan điểm sụt giảm khí thải chưa bao giờ xảy ra.

Thông tin từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Quốc tế (EIA) cho biết vào tuần trước, các nhà máy điện của Mỹ sẽ tiêu thụ nhiều hơn 16% than trong năm nay so với năm 2020 và 3% vào năm 2022. Trung Quốc và Ấn Độ, 2 quốc gia chiếm gần 2/3 nhu cầu than đá thế giới cũng không có kế hoạch cắt giảm trong thời gian tới.

Điều này sẽ dẫn đến lượng khí thải cacbon cao hơn, đây là một bước lùi đối với hành động bảo vệ môi trường trước các cuộc đàm phán quốc tế trong năm nay nhằm nâng cao mức độ tham vọng từ các cam kết trong Thỏa thuận Paris về giảm khí thải nhà kính.

Amanda Levin, nhà phân tích chính sách tại Hội đồng Phòng vệ Tài nguyên Quốc gia của Mỹ có trụ sở tại New York cho biết: “Chúng ta sẽ chứng kiến ​​sự gia tăng thực sự rõ rệt về lượng khí thải với mức tiêu thụ than tại các nhà máy điện Mỹ gần như trở lại mức năm 2019. Nhưng nếu Tổng thống Joe Biden thực hiện các chính sách năng lượng xanh như mong đợi, chúng ta có thể thấy những thay đổi khá nhanh chóng”.

Tỷ trọng các quốc gia sử dụng than trên thế giới năm 2019 (Nguồn: BP Statistical Review of World Energy)

Tỷ trọng các quốc gia sử dụng than trên thế giới năm 2019 (Nguồn: BP Statistical Review of World Energy)

Nhu cầu than đá của Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc đều tăng

Nhu cầu than đá của Mỹ gia tăng bắt nguồn từ giá khí đốt tự nhiên cao hơn và sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid.

Trong đó, nhu cầu than gia tăng tại Trung Quốc và Ấn Độ phản ánh nhu cầu điện gia tăng khi than đá là nguồn sản xuất điện chủ đạo ngay cả khi các nước này bổ sung một lượng lớn công suất năng lượng mặt trời và gió.

Trong khi đó, gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Biden không tập trung vào năng lượng xanh, thay vào đó, một dự luật cơ sở hạ tầng đang được xây dựng dự kiến ​​sẽ bao gồm các kế hoạch thực hiện cam kết trong chiến dịch của ông về biến đổi khí hậu. Mỹ sẽ sẵn sàng nhất để cứu vãn tiến độ giảm phát thải toàn cầu.

Tổng thống Biden cho biết, Mỹ sẽ đặt mục tiêu trung hòa cacbon vào năm 2050 và đang triệu tập một cuộc họp vào tháng 4 dự kiến ​​bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khiến thế giới ngạc nhiên với cam kết vào năm 2020 là đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060. Trong khi Ấn Độ vẫn chưa đưa ra bất kỳ cam kết nào tương tự.

Tuy nhiên, trong kế hoạch 5 năm mới nhất của Trung Quốc được công bố vào ngày 5/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường không đặt ra mục tiêu giảm khí thải, mà cho biết, than sẽ vẫn là một thành phần quan trọng của chiến lược điện. Các kế hoạch năng lượng chi tiết hơn sẽ được công bố vào cuối năm nay, có thể bao gồm các bước cụ thể về việc hạn chế tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.

Dù cố gắng giảm tỷ trọng than trong cơ cấu năng lượng trong những năm gần đây, nhưng nhu cầu điện tăng cao khiến việc sử dụng than của Trung Quốc cũng tăng lên. Trung Quốc cũng là nước có nhiều nhà máy nhiệt điện than lớn nhất thế giới và hơn một nửa trong số đó có tuổi đời dưới 10 năm. Do các nhà máy này có thể hoạt động trong vài thập kỷ nữa, nên rất khó để chuyển sang các lựa chọn thay thế.

Dennis Wamsted, nhà phân tích của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính cho biết: “Tất cả công suất đã lắp đặt đó không mất đi trong một sớm một chiều”.

Tang Daqian, Phó giám đốc tại Fitch Bohua cho biết, mặc dù các ngành xây dựng và sản xuất kim loại - những ngành tiêu thụ nhiều năng lượng - phục hồi sau đại đại dịch khiến nhu cầu than tăng trong ngắn hạn, nhưng tiêu thụ loại nhiên liệu hóa thạch này sẽ giảm trong những năm tới do Trung Quốc hành động theo những cam kết về môi trường.

Ấn Độ cũng còn một chặng đường rất dài để có được một lưới điện sạch, ngay cả khi Thủ tướng Narendra Modi cho biết trong tháng 3/2021 rằng, ông đã đi trước lịch trình để đáp ứng các cam kết cắt giảm cacbon ban đầu theo Thỏa thuận Paris.

Dù đã triển khai điện mặt trời, nhưng nhiệt điện than vẫn chiếm khoảng 70% sản lượng điện của Ấn Độ. Theo Bloomberg Intelligence, tiêu thụ than tại các nhà máy nhiệt điện than của Ấn Độ sẽ tăng 10% trong năm nay và dự kiến ​​sẽ tăng hàng năm cho đến năm 2027.

Triển vọng nhu cầu than trong dài hạn

Tại Mỹ, nhu cầu than đang phục hồi sau khi đại dịch làm cắt giảm việc sử dụng điện và cắt giảm 19% nhu cầu về nhiên liệu vào năm ngoái. Các hoạt động kinh tế hồi phục cũng khiến giá khí đốt tự nhiên tăng hơn 40% so với một năm trước.

Khi khí đốt trở nên đắt hơn, các công ty điện sẽ tăng sản xuất nhiệt điện than để giảm chi phí, mặc dù nó thải ra gấp đôi lượng khí thải.

Binay Dayal, giám đốc kỹ thuật của công ty cho biết: “Có những vấn đề về biến đổi khí hậu đối với than, nhưng nhu cầu năng lượng của Ấn Độ sẽ không cho phép nước này thay đổi nhiên liệu ngay lập tức”.

EIA dự kiến, ​​giá khí đốt sẽ vẫn ở mức cao vào năm 2022, điều này cho thấy nhu cầu than vẫn sẽ tăng mạnh trong năm tới. Tuy nhiên, trong dài hạn, nhu cầu tiêu thụ than sẽ giảm.

Dù nhu cầu từ các quốc gia tiêu thụ than hàng đầu thế giới có thể tăng vào năm 2021, nhưng các thị trường mới nổi, từng được coi là các nhà tiêu thụ chính của than đá trong dài hạn đang quay lưng lại với nhiên liệu hóa thạch này khi các lựa chọn thay thế như khí đốt và năng lượng tái tạo ngày càng dễ tiếp cận hơn và rẻ hơn.

Bangladesh đang từ bỏ gần như tất cả các dự án nhiệt điện đã lên kế hoạch, còn Philippines năm 2020 đã tuyên bố tạm dừng các nhà máy nhiệt điện than mới.

Tin bài liên quan