Trước việc giá vàng trong nước tăng mạnh, chênh lệch hàng chục triệu đồng với giá vàng thế giới quy đổi, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra nhiều chính sách, giải pháp nhằm bình ổn thị trường, từ việc đấu thầu vàng miếng SJC, tới bán vàng ra thị trường trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và SJC.
Với các biện pháp này, chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã được thu hẹp đáng kể, chỉ còn hơn 4 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, nhu cầu mua vàng tăng cao, khiến các ngân hàng thương mại nhà nước phải liên tục thay đổi phương thức bán vàng. Ban đầu, 4 ngân hàng thương mại nhà nước và SJC bán vàng trực tiếp cho người dân, sau đó trước nhu cầu cao, nhiều người xếp hàng từ tối để mua vàng, các tổ chức đã mở thêm địa điểm bán. Tuy nhiên, nhu cầu của người dân vẫn cao, nên một lần nữa các ngân hàng thương mại nhà nước chuyển sang online.
Mới đây nhất, Vietcombank thông báo, từ ngày 27/8 sẽ triển khai dịch vụ mua vàng miếng SJC trên VCB Digibank, dừng đặt mua vàng trên website. Theo đó, kể từ 27/8/2024, Vietcombank dừng cung cấp các dịch vụ đặt lịch mua vàng miếng SJC trên website VCB và giao dịch thanh toán tiền mua vàng miếng SJC tại quầy. Do thay đổi trong quy trình vận chuyển, giao nhận và quản lý vàng miếng, từ đầu tháng 8, Vietcombank thực hiện giao vàng miếng cho khách hàng sau 2 ngày làm việc kể từ ngày khách hàng đăng ký mua vàng miếng thành công, hoàn thành giao dịch mua vàng miếng tại địa điểm giao dịch vàng miếng của Ngân hàng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính, ngân hàng đánh giá, việc quản lý vàng miếng như hiện tại đang tạo ra nhiều bất cập khi giao dịch mua - bán rất khó khăn. Đây là rủi ro đối với nhà đầu tư bỏ tiền vào kênh đầu tư này. Theo ông Hiếu, những quy định mà các ngân hàng đang đặt ra như hiện nay đều gây những khó khăn nhất định cho người mua vàng, dẫn đến tâm lý hoài nghi việc nhà quản lý không muốn vàng vàng ra thị trường. Như vậy, ngay cả khi giá vàng có giảm, nhưng khó mua cũng tạo ra sự hiện tượng đẩy giá trên thị trường vàng.
Từ nhu cầu thực tế của người dân và thị trường cho thấy, cầu về vàng miếng luôn cao, cung khó đáp ứng được do nguồn vàng SJC khan hiếm vì độc quyền. Các chuyên gia của Hội đồng vàng thế giới (WGC) cho rằng, Việt Nam cũng nằm trong xu hướng của các thị trường mới nổi. Tại Việt Nam, nhà đầu tư tìm đến vàng miếng và vàng xu như kênh lưu trữ an toàn nhằm đối phó lạm phát, mất giá nội tệ và hiệu suất kém của thị trường cổ phiếu, bất động sản trong nước.
WGC cho biết, nhu cầu vàng miếng và vàng xu ở Việt Nam quý II/2024 tăng 30% so cùng kỳ năm 2023 lên 12 tấn. Tổng nhu cầu vàng miếng và vàng xu trong nửa đầu năm 2024 đạt 26 tấn, mức cao nhất kể từ năm 2014. Ngược lại, giá vàng cao kỷ lục đã kìm hãm khối lượng vàng trang sức trên thế giới. Việt Nam và Indonesia ghi nhận nhu cầu vàng trang sức yếu hơn trong quý II. Nhu cầu vàng trang sức tại Việt Nam quý II giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái xuống chỉ còn 3 tấn.
Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại WGC cho rằng, sự sụt giảm khối lượng vàng trang sức chủ yếu do giá vàng chi phối, mặc dù tăng trưởng GDP chậm lại tác động tới tâm lý người mua. Nhu cầu vàng trang sức ở Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 giảm xuống chỉ còn hơn 7 tấn, mức thấp nhất trong nửa đầu năm kể từ năm 2020.
Để cân đối bài toán cung –cầu vàng miếng trên thị trường Việt Nam, các nhà phân tích WGC nhận định, cần thiết nhập khẩu vàng, song việc nhập khẩu vàng nguyên liệu phụ thuộc vào chính sách của NHNN. Theo WGC, NHNN còn nhiều room để tăng lượng dự trữ vàng, có thể tiếp tục mở rộng mua thêm nhiều vàng.
Còn TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, thực tế, giá trị nhập khẩu vàng để đáp ứng nhu cầu nội địa thấp hơn giá trị nhập khẩu mỹ phẩm của phái đẹp tại Việt Nam. Theo tính toán, lượng mỹ phẩm nhập vào Việt Nam lên tới 3,3 tỷ USD. Trong khi đó, lượng rượu vang và cigar nhập khẩu còn lên tới gần 4 tỷ USD. Do đó, theo ông Nghĩa, vàng sẽ không tác động lớn đến tỷ giá hối đoái. Thế nên, việc quản lý vàng cũng cần có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình hiện nay.
Mục đích của đấu thầu, bán vàng ra thị trường thời gian qua của nhà điều hành là nhằm cung ứng thêm lượng vàng ra thị trường, tăng cung và bình ổn giá. Tuy nhiên, trước áp lực tỷ giá thời gian qua, giá vàng lãi suất tăng nên NHNN cũng phải cân đối và cân nhắc kỹ lưỡng giữa bài toán tỷ giá, lãi suất và nhập khẩu vàng.
Trước đó, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đã đề xuất NHNN cho phép 3 doanh nghiệp kinh doanh vàng là SJC, PNJ và DOJI nhập khẩu 1,5 tấn vàng nhưng không được chấp thuận. Trong nửa đầu năm 2024, VGAT tiếp tục đề xuất nhập khẩu 10 tấn vàng để phục vụ chế tác trang sức và mỹ nghệ. Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch VGTA, 10 tấn vàng không phải là con số quá lớn và không gây ảnh hưởng đến tỷ giá cũng như dự trữ ngoại hối quốc gia. Các nhà phân tích nhận định, con số này phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp, tính riêng nhu cầu một doanh nghiệp như PNJ cũng đã lên tới 5-6 tấn vàng/năm.
Nhập khẩu vàng vẫn luôn là vấn đề nóng thời gian qua, nhất là khi giá vàng trong nước tăng mạnh dẫn đến tình trạng buôn lậu vàng tăng, nhất là từ Campuchia. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, NHNN không cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu. Song cũng có ý kiến cho rằng, NHNN cần cân nhắc trước khi quyết định có nhập khẩu vàng hay không. GS.TS Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TP.HCM lo ngại, nhập khẩu vàng sẽ khiến tiền đồng càng thêm mất giá.