Nhu cầu sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm rất cao

Nhu cầu sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm rất cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Số lượng doanh nghiệp triển khai dịch vụ phụ trợ bảo hiểm ngày càng tăng và quy định về dịch vụ này đang được sửa đổi, bổ sung.

Thêm nhiều doanh nghiệp triển khai dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

Một số công ty bảo hiểm, công ty môi giới bảo hiểm đã bổ sung ngành nghề “phụ trợ bảo hiểm” vào trong giấy phép thành lập và hoạt động như Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC), Tổng công ty Bảo hiểm PVI, Công ty cổ phần Môi giới bảo hiểm Nam Á.

Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp được thành lập để thực hiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm như Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam, Công ty cổ phần Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm Việt Nam, Công ty cổ phần Dịch vụ tư vấn pháp lý bảo hiểm Tila, Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm INFAIR.

Ngoài ra, có đại lý tổ chức xây dựng mô hình hỗ trợ giải quyết bồi thường với tên gọi Trung tâm hỗ trợ bồi thường như Công ty cổ phần TC Advisors.

Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi năm 2010 chưa có quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, nhưng thực tế cho thấy, thị trường bảo hiểm ngày càng phát triển nên nhu cầu sử dụng các dịch vụ phụ trợ gia tăng và thị trường dần xuất hiện các tổ chức đáp ứng nhu cầu đó của thị trường.

Chính vì vậy, lần sửa đổi năm 2019, Luật đã bổ sung các quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Cụ thể, Luật 42/2019/QH14 - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là hoạt động do doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức, cá nhân khác thực hiện, bao gồm tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm”.

Phụ trợ bảo hiểm: Từ “quên” đến “hạn chế” rồi “giữ nguyên”

Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm hiện tiếp tục được sửa đổi, bổ sung. Theo dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần đầu gửi Bộ Tư pháp thẩm định, tại phần định nghĩa kinh doanh bảo hiểm không có dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Hoạt động phụ trợ đánh giá các rủi ro bảo hiểm đang có nhu cầu rất lớn.

Sau khi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị làm rõ các hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm có là một phần của hoạt động kinh doanh bảo hiểm hay không, Ban soạn thảo đã tiếp thu và bổ sung dịch vụ này vào khái niệm hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại Khoản 1, Điều 4: “Hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm một hoặc một số hoạt động sau: kinh doanh bảo hiểm gốc, kinh doanh tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm”.

Về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, dự thảo giải thích, đây là hoạt động cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bao gồm tư vấn, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán, giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) cho rằng, khái niệm dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tại dự thảo chưa bao hàm đầy đủ nội dung của hoạt động phụ trợ bảo hiểm, nên BIC đề nghị giữ nguyên khái niệm hiện hành quy định tại Điều 1, Luật 42/2019/QH14.

Bên cạnh đó, MIC, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện, Công ty cổ phần Dịch vụ tư vấn bảo hiểm Việt Nam đề nghị bỏ cụm từ “cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm”, vì dịch vụ phụ trợ bảo hiểm không phải chỉ cung cấp riêng cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Ban soạn thảo là Bộ Tài chính sau đó tiếp thu, sửa tại Khoản 23, Điều 4 theo hướng kế thừa quy định hiện hành về giải thích từ ngữ “dịch vụ phụ trợ bảo hiểm” tại Luật 42/2019/QH14.

Thực tế cho thấy, nhu cầu sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là rất cao và không chỉ giới hạn từ doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, mà phần lớn xuất phát từ nhu cầu của khách hàng là bên được bảo hiểm/bên mua bảo hiểm. Do đó, đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Sửa đổi, bổ sung quy định về tư vấn

Đối với hoạt động tư vấn bảo hiểm, dự thảo định nghĩa, tư vấn là hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn về chương trình bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, quản trị rủi ro bảo hiểm và đề phòng, hạn chế tổn thất.

Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ cho rằng, định nghĩa này có thể gây nhầm lẫn với hoạt động tư vấn bảo hiểm của đại lý bảo hiểm hoặc môi giới bảo hiểm (đều có nội dung giới thiệu, tư vấn về sản phẩm bảo hiểm). Theo đó, định nghĩa về hoạt động tư vấn cần phân biệt, tách bạch với hoạt động tư vấn bảo hiểm của đại lý bảo hiểm và môi giới bảo hiểm (về mục đích, đối tượng cung cấp dịch vụ của từng hoạt động).

BIC đề nghị quy định rõ là “tư vấn bảo hiểm” để phân biệt với hoạt động tư vấn khác. Tuy nhiên, dự thảo luật có quy định về dịch vụ thuê ngoài, nội dung tư vấn được đề cập trong khái niệm đã nêu rõ các nội dung thuộc phạm vi của bảo hiểm, nên Ban soạn thảo sử dụng từ “tư vấn” thay vì “tư vấn bảo hiểm” tại mục giải thích từ ngữ.

Dự thảo bổ sung cụm từ “trên cơ sở thu phí của doanh nghiệp bảo hiểm” vào cuối phần giải thích từ “tư vấn” nhằm phân biệt rõ với các loại tư vấn khác như đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Theo đó, tư vấn bảo hiểm là hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn về chương trình bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, quản trị rủi ro bảo hiểm và đề phòng, hạn chế tổn thất trên cơ sở thu phí của bên sử dụng dịch vụ.

Hiện tại, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2019 quy định: “Tư vấn bảo hiểm là hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn về chương trình bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, quản trị rủi ro bảo hiểm và đề phòng, hạn chế tổn thất”.

Điểm đáng chú ý liên quan đến hoạt động tư vấn trong dự thảo Luật là đối tượng được sử dụng dịch vụ tư vấn chỉ có doanh nghiệp bảo hiểm, các chủ thể khác tham gia hoạt động kinh doanh bảo hiểm không được sử dụng hoạt động tư vấn.

Quy định trên có thể chưa phù hợp, vì trên thực tế, hoạt động tư vấn bảo hiểm hiện nay phục vụ cả người tham gia bảo hiểm. Trong khi đó, hoạt động đánh giá rủi ro gần như không có nhu cầu, các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động tiến hành công việc này. Hoạt động giám định bồi thường bảo hiểm đã bắt đầu có doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp bảo hiểm khác trên thị trường và trong tương lai dự kiến có thể cung cấp dịch vụ chéo giữa các doanh nghiệp bảo hiểm với nhau. Còn đối với hoạt động hỗ trợ giải quyết bồi thường, một số doanh nghiệp đã tiến hành giải quyết những vụ tranh chấp giá trị nhỏ như nghiệp vụ bảo hiểm sức khoẻ (dưới 20 triệu đồng).

Nếu dịch vụ tư vấn bảo hiểm chỉ dành riêng cho doanh nghiệp bảo hiểm như dự thảo Luật quy định được thông qua, đối tượng sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm sẽ hạn chế hơn.

Hiện nay, có nhiều người đang thi để lấy chứng chỉ tư vấn bảo hiểm nhằm thực hiện hoạt động tư vấn cho khách hàng. Nếu tư vấn bảo hiểm chỉ tư vấn cho doanh nghiệp bảo hiểm thì sắp tới có thể sẽ không có ai thi và không ai làm tư vấn. Bởi lẽ, trên thực tế, các doanh nghiệp bảo hiểm không cần dịch vụ này, vì họ đã có phòng, ban xây dựng sản phẩm riêng.

Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được nhìn nhận giúp các bên tham gia bảo hiểm giảm thiểu rủi ro; đề phòng, hạn chế tổn thất; hạn chế gian lận bảo hiểm; tăng cường tính chuyên nghiệp của thị trường; tối ưu hóa chi phí, nguồn lực cho doanh nghiệp bảo hiểm; chi trả tiền bảo hiểm, bồi thường nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời, bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm...

Theo quy định hiện hành, việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải bảo đảm trung thực, khách quan, minh bạch; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan; tuân theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm và tuân theo quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp do tổ chức xã hội - nghề nghiệp ban hành.

Tin bài liên quan