Nhiều chủ đầu tư đã đi trước, đón đầu bằng việc phát triển các dự án kho bãi ở vùng ven. Ảnh: Thành Nguyễn
Từ sóng phục hồi sản xuất…
Bắt đầu câu chuyện với phóng viên, ông Mai Chí Hiển, chuyên gia đến từ Gaw NP Industrial - doanh nghiệp chuyên phát triển nhà xưởng, nhà kho cho thuê trong các khu công nghiệp cho biết, nhu cầu thuê kho xưởng đang tăng mạnh trước sự mở rộng hoạt động của doanh nghiệp sau dịch, nhất là các ngành, lĩnh vực cần không gian rộng như sản xuất hàng tiêu dùng, logistics…
“Hiện nhiều doanh nghiệp chưa thể bố trí được ngân sách để xây dựng nhà kho, nhà xưởng lớn nên giải pháp ngắn hạn là thuê kho xưởng để sử dụng trước mắt, nếu thị trường tốt và vận hành ổn định thì thuê đất, cất nhà xưởng sau. Nhóm khách thuê này chủ yếu lựa chọn các nhà kho gần nhà máy chính để thuận tiện cho việc sản xuất, vận chuyển hàng hóa. Đây cũng là nguyên nhân thúc đẩy hoạt động M&A kho bãi tăng nhanh thời gian qua”, ông Hiển nói và cho biết thêm, hiện có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… sang khảo sát và tìm nhà xưởng để thuê khi hoạt động giao thương tại Việt Nam bình thường trở lại, trong khi “công xưởng của thế giới” Trung Quốc buộc phải “bế quan, tỏa cảng” nhiều trung tâm kinh tế do dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh trở lại.
“Đa số các khách thuê thuộc ngành hàng phụ kiện, linh kiện điện tử - là vender (nhà cung ứng) của các thương hiệu lớn như Samsung, Foxconn... Thông thường, việc đầu tư xây dựng nhà xưởng sẽ mất từ 6 tháng đến 1 năm (với điều kiện có sẵn mặt bằng), cho nên nhà xưởng xây sẵn rất được quan tâm, diện tích thuê cũng đa dạng, từ vài trăm đến cả chục nghìn mét vuông”, ông Hiển thông tin.
Cũng trao đổi cùng phóng viên về nhu cầu nhà kho, nhà xưởng, chuyên gia từ VSIP cho biết, nhu cầu kho bãi, nhà xưởng hiện đang tăng rõ rệt. Hiện tại, đang có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc sang khảo sát và tìm nhà xưởng để thuê khi hoạt động giao thương bình thường trở lại. Diện tích thuê cũng rất đa dạng, trải dài từ vài trăm mét vuông đến khoảng 10.000 m2.
“Đa số các khách thuê thuộc ngành hàng về phụ kiện, linh kiện điện tử, là vender của các thương hiệu lớn như Samsung, Foxconn. Sự dịch chuyển này một phần đến từ việc Trung Quốc vẫn đang vất vả đối mặt với dịch bệnh và “khép kín”. Nhu cầu về nhà xưởng tăng cao đến từ nhóm khách hàng có nhu cầu dịch chuyển và muốn đẩy nhanh tốc độ đầu tư. Thông thường, việc đầu xư xây dựng nhà xưởng sẽ mất từ 6 tháng đến 1 năm (với điều kiện có sẵn mặt bằng). Do đó, nhà xưởng xây sẵn đang rất được quan tâm”, chuyên gia của VSIP cho biết.
Kho xưởng xây sẵn được nhiều khách thuê quan tâm. Ảnh: Thành Nguyễn |
… đến tiềm năng từ nguồn cầu lớn
Theo Savills Việt Nam, việc đảm bảo chuỗi cung ứng cần các doanh nghiệp sản xuất dịch chuyển từ “chiến lược phòng bị (JIC)” sang “chiến lược sản xuất tức thời (JIT)”, điều này không chỉ đặt ra yêu cầu tăng số lượng hàng tồn kho, mà còn là dịch chuyển dây chuyền sản xuất về gần (nearshoring).
Một cuộc khảo sát vào năm 2021 của McKinsey cho thấy, 61% doanh nghiệp đã tăng số lượng lưu trữ các hàng hóa cần thiết. Đây được xem là động lực quan trọng để cải thiện công suất lấp đầy khu công nghiệp tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm nguồn cung và thiếu quy hoạch quỹ đất mới là những thách thức lớn của thị trường.
Báo cáo cập nhật của Savills cho biết, kết thúc quý I/2022 sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông John Campbell, Phó giám đốc Bộ phận Dịch vụ công nghiệp Savills Việt Nam, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế và chiến dịch tiêm chủng thành công thời gian qua tạo niềm tin vững chắc cho các doanh nghiệp nước ngoài vào sự phục hồi của thị trường Việt Nam.
“Không thể phủ nhận năm 2021 là một năm rất khó khăn, khi đại dịch Covid tái bùng phát kéo dài. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm ứng phó dịch từ những lần dịch bùng phát trước đó, từ cuối năm 2021 đến nay, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận sự phục hồi tích cực, hoạt động giao thương trở lại bình thường khi đã mở lại biên giới và miễn visa cho công dân của 13 quốc gia. Điều này rất có ý nghĩa với các chủ đầu tư cũng như khách thuê là các công ty đa quốc gia chưa thể đến Việt Nam. Các công ty này có thể đến xem dự án trực tiếp, ký hợp đồng thuê, thiết lập các cơ sở tại Việt Nam cũng như hoàn thiện giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC) và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ERC)”, ông John Campbell nhấn mạnh.
Cũng theo chuyên gia Savills Việt Nam, Chính phủ đã làm rất tốt công tác thu hút đầu tư nước ngoài trong những năm qua, đặc biệt là với các nhóm ngành có giá trị gia tăng cao. Việt Nam cũng đưa ra nhiều ưu đãi về thuế cho các công ty hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ, R&D, năng lượng tái tạo và nông nghiệp thông minh.
Riêng với dòng vốn từ Hàn Quốc, xu hướng đầu tư theo chuỗi giá trị, đặc biệt là mặt hàng có giá trị gia tăng cao, đang ngày càng rõ nét. Nhờ vào những ưu thế của khu vực, các dự án tiêu biểu đang tập trung phần lớn tại vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, còn các ngành công nghiệp truyền thống như dệt may xuất khẩu, năng lượng tiếp tục được ưu tiên tại các khu công nghiệp, kinh tế phía Nam. Các lĩnh vực hậu cần, kho vận nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp “xứ kim chi”, trong đó nổi bật là phát triển kho lạnh hay kho xưởng thông minh.
“Việt Nam là điểm đến lý tưởng của những doanh nghiệp muốn đa dạng hóa sản phẩm và tránh phụ thuộc vào một nước trong chuỗi cung ứng. Những địa phương sở hữu lợi thế về vị trí địa lý phù hợp với các hoạt động giao thương, có hệ thống cảng biển cùng hạ tầng giao thông phát triển là điểm đến hấp dẫn. Bên cạnh đó, những cải thiện trong môi trường đầu tư tại Việt Nam cũng là động lực quan trọng để nhà đầu tư Hàn Quốc đẩy mạnh dòng vốn vào bất động sản công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới”, ông John Campbell nhìn nhận.
Còn ông Mai Chí Hiển cho rằng, thị trường kho xưởng xây sẵn sẽ rất phát triển tại khu vực lân cận Hà Nội và TP.HCM, nhưng thời gian thuê sẽ không kéo dài, khoảng 3-5 năm để doanh nghiệp giảm thiểu chi phí đầu tư xây dựng ban đầu. Theo chuyên gia này, do đặc thù thị trường, các khách thuê thường chú trọng tới khả năng kết nối giao thông, thời gian bốc dỡ hàng hóa… nên vị trí đặt kho là rất quan trọng.
“Khách thuê sẵn sàng thuê kho cách Hà Nội khoảng 45 km nhưng thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển, giao hàng… nếu hệ thống hạ tầng nội khu kết nối tốt với hệ thống đường cao tốc, cảng biển, sân bay, thay vì một nhà kho gần hơn nhưng không đảm bảo những yếu tố này. Về phía Gaw NP Industrial, chúng tôi đang triển khai nhiều dự án kho xưởng xây sẵn để cho thuê ở các địa phương phát triển công nghiệp như Thái Nguyên, Hải Phòng và một số địa phương lân cận khác…”, ông Hiển thông tin.