Nhu cầu khí đốt ở châu Âu tăng tốc khi giá lao dốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các công ty châu Âu đang sử dụng nhiều khí đốt tự nhiên hơn khi giá giảm xuống mức trước xung đột Nga-Ukraine, và điều này cũng gây căng thẳng tiềm ẩn cho việc chuẩn bị cho một mùa Đông nữa với nguồn cung cấp hạn chế của Nga.
Nhu cầu khí đốt ở châu Âu tăng tốc khi giá lao dốc

Đầu tháng này, dữ liệu của Hà Lan cho thấy lĩnh vực khí đốt của nước này có mức tăng sử dụng hàng tuần lớn nhất trong năm nay, trong khi số liệu về mạng lưới khí đốt của Pháp và Tây Ban Nha cho thấy nhu cầu của các nhà máy lọc dầu trong tháng 2 đã tăng so với một năm trước đó.

Tốc độ phục hồi sẽ rất quan trọng đối với Liên minh châu Âu và các quốc gia trong khu vực sẵn sàng cho mùa Đông thứ hai mà không có đường ống dẫn khí đốt từ Nga. Theo ngân hàng Thụy Điển SEB AB, nhu cầu phục hồi có thể đẩy giá khí đốt vượt qua 100 euro/MWh (109 USD) trong năm nay, từ khoảng 43 euro/MWh hiện nay và khiến các kho dự trữ khí đốt sụt giảm. Đó cũng là quan điểm được lặp lại bởi Vitol Group, một trong những nhà kinh doanh khí đốt lớn nhất.

Patrick Pouyanne, Giám đốc điều hành của TotalEnergies SE cho biết: “Năm ngoái, một số ngành sản xuất đã chuyển từ khí đốt sang nhiên liệu khác. Trong khi năm nay họ đã chuyển từ dầu diesel hoặc nhiên liệu khác sang khí đốt, vì vậy nó đã tạo ra nhu cầu bổ sung”.

Cùng với các nhà máy lọc dầu, các nhà máy hóa dầu cũng có thể dễ dàng sử dụng khí đốt trở lại để tạo ra năng lượng và nhiệt, khiến nhu cầu khí đốt tiếp tục gia tăng.

“Các lĩnh vực sử dụng nhiều khí đốt khác sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi trong suốt năm 2023 do nhu cầu của họ giảm là kết quả của việc giảm sản lượng hơn là chuyển đổi nhiên liệu”, Công ty Tư vấn Energy Aspects Ltd. cho biết.

Khi giá khí đốt tăng vọt lên mức kỷ lục ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng năng lượng, nhu cầu khí đốt công nghiệp của Tây Ban Nha đã giảm tới 40% trong tháng 9/2022 so với một năm trước đó. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), mức sử dụng chung của các nhà máy đã giảm khoảng 20% ở châu Âu vào năm ngoái, chiếm gần một nửa mức giảm kỷ lục trong tổng mức tiêu thụ năm ngoái. Năm nay, IEA dự đoán nhu cầu trong ngành sẽ phục hồi khoảng 10%.

Từ mức cao nhất trên 340 euro/Mwh vào cuối tháng 8, hợp đồng tương lai khí đốt TTF của Hà Lan đã giảm khoảng 90%.

Tại Hà Lan, việc sử dụng khí đốt trong ngành công nghiệp dầu mỏ và hóa chất cũng đã bắt đầu vượt quá mức của năm ngoái trong tháng này.

Maeva Cousin, nhà kinh tế cấp cao khu vực đồng euro tại Bloomberg Economics cho biết: “Chi phí năng lượng thấp hơn - có thể kết hợp với nhu cầu mạnh mẽ hơn từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại - có nghĩa là chúng tôi kỳ vọng sản xuất công nghiệp sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực đồng euro trong năm nay”.

Trong khi Goldman Sachs kỳ vọng quá trình phục hồi công nghiệp sẽ bắt đầu tăng tốc vào cuối tháng này, các nhà phân tích khác cảnh báo rằng có thể vẫn còn một thời gian nữa.

“Sẽ mất thời gian để thuế khí đốt từ các nhà cung cấp khí đốt giảm đủ và trong một khoảng thời gian bền vững để các nhà quản lý nhà máy đưa ra quyết định khôi phục sản lượng”, Energy Aspects cho biết.

Sự dịch chuyển của các nhà máy

Bất chấp giá khí đốt đã giảm mạnh từ đỉnh, nhưng chúng vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình trong lịch sử và dự kiến sẽ tiếp tục tăng cho đến khoảng năm 2025 khi nguồn cung toàn cầu mới xuất hiện.

Điều đó có nghĩa là một số nhu cầu có thể bị mất vĩnh viễn khi các nhà máy chuyển đến những nơi trên thế giới có chi phí năng lượng thấp hơn.

Các công ty hóa chất BASF SE, Dow Inc. và Lanxess AG đã sẵn sàng cắt giảm hàng nghìn việc làm và chuyển đầu tư ra khỏi Đức vì họ không mong đợi Berlin cung cấp năng lượng mà họ cần một cách đáng tin cậy với mức giá gần bằng mức giá mà họ từng trả cho đường ống dẫn khí đốt của Nga.

Theo một cuộc khảo sát từ Hiệp hội hóa chất VCI của Đức vào đầu năm nay, gần một nửa số công ty đang có kế hoạch cắt giảm đầu tư vào nước này trong năm nay do chi phí năng lượng cao. Oliver Wojahn, nhà phân tích tại Alsterresearch AG cho biết, việc sản xuất có thể sẽ chuyển sang các quốc gia có hệ thống chính trị và giá trị tương tự.

“Triển vọng cho tương lai đã phần nào sáng sủa hơn trong ngành công nghiệp lớn thứ ba của Đức. Giá năng lượng và nguyên liệu thô giảm mạnh trong những tháng gần đây đã giúp ổn định tình hình dường như đã chạm đáy. Không giống như đại dịch hay khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lần này sẽ không có sự phục hồi mạnh mẽ”, VCI cho biết trong một báo cáo trong tháng này.

Tin bài liên quan