Thị trường sơ cấp
Tuần từ 13 - 17/7, thị trường trái phiếu sơ cấp huy động được 3.492 tỷ đồng trái phiếu trên tổng số 9.000 tỷ đồng gọi thầu, khối lượng gọi thầu cao nhất theo tuần trong hơn 3 tháng qua. Tỷ lệ trúng thầu giảm đáng kể, xuống 39% so với mức 68% của tuần trước đó.
Cụ thể, Kho bạc Nhà nước (KBNN) chào thầu 8.000 tỷ đồng trái phiếu và kết quả huy động được 3.192 tỷ đồng. Trong đó, có 400 tỷ đồng trái phiếu 15 năm, 50 tỷ đồng trái phiếu 10 năm và 2.741 tỷ đồng trái phiếu 5 năm. Lợi suất trúng thầu của các trái phiếu đều tăng so với tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu 5 và 15 năm tăng 1 điểm cơ bản, lên mức 6,4%/năm và 7,65%/năm. Lợi suất trái phiếu 10 năm tăng 10 điểm cơ bản, lên mức 6,7%/năm.
Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCS) huy động được 300 tỷ đồng trái phiếu 3 năm với mức lợi suất 5,98%/năm, giảm 2 điểm cơ bản. Trái phiếu 5 và 15 năm không huy động thành công.
Như vậy, tính đến hết ngày 17/7, 102.066 tỷ đồng trái phiếu chính phủ và Chính phủ bảo lãnh được đấu thầu thành công. Trong đó, có 86.106 tỷ đồng trái phiếu KBNN, 6.959 tỷ đồng trái phiếu NHCS và 9.000 tỷ đồng trái phiếu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Thị trường tín phiếu KBNN tiếp tục có phiên đấu thầu thành công với tỷ lệ trúng thầu 100%, khối lượng đăng ký thầu gấp 3 lần khối lượng chào thầu. 3.000 tỷ đồng tín phiếu 13 tuần đã được phát hành tại mức lợi suất 3,9%/năm, giảm 20 điểm cơ bản so với mức lợi suất của tuần trước đó. Nhu cầu tín phiếu cao đã kéo lợi suất trúng thầu giảm. Như vậy, tính đến hết ngày 17/7, thị trường sơ cấp đã đấu thầu thành công 21.130 tỷ đồng tín phiếu.
Tuần này, 5.000 tỷ đồng trái phiếu sẽ được chào thầu trên thị trường sơ cấp. Trong đó, KBNN gọi thầu 4.000 tỷ đồng trái phiếu 5 và 15 năm, NHCS gọi thầu 1.000 tỷ đồng trái phiếu 3, 5 và 15 năm.
Thị trường thứ cấp
Thị trường trái phiếu thứ cấp từ 13 - 17/7 tiếp tục giảm mạnh khối lượng giao dịch. Thị trường ghi nhận khối lượng giao dịch đạt 11.446 tỷ đồng, tương đương với giá trị giao dịch trung bình ngày 2.289 tỷ đồng, giảm 25,7% so với tuần trước.
Tỷ trọng giao dịch thông thường (outright) và giao dịch mua bán lại (repos) khá tương đương nhau, tương ứng chiếm 53% và 47% tổng giá trị giao dịch.
Giao dịch outright tập trung chủ yếu tại kỳ hạn từ 1 đến 3 năm, chiếm 41%; và kỳ hạn từ 3 đến 5 năm chiếm 22%. Kỳ hạn dưới 1 năm chiếm 18%, kỳ hạn từ 5 đến 7 năm và trên 7 năm chiếm lần lượt 7% và 11%.
Tuần này, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng. Tuy nhiên, khối lượng mua ròng rất thấp với chỉ 472 tỷ đồng, giảm 43% so với khối lượng mua ròng tuần trước đó.
Khối lượng giao dịch giảm đáng kể đã khiến lợi suất trái phiếu tăng nhẹ tại hầu hết các kỳ hạn, ngoài trừ lợi suất trái phiếu 1 năm giảm 5 điểm cơ bản so với tuần trước (xem bảng).
Thị trường mở
Tuần từ 13 - 17/7, thị trường mở không có giao dịch reverse repo được thực hiện và không có giao dịch reverse repo đáo hạn.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đã huy động được 25.000 tỷ đồng tín phiếu các loại, giảm 39% so với khối lượng phát hành của tuần trước đó.
Trong đó, tín phiếu 14 ngày chiếm tới 60% tổng khối lượng phát hành với giá trị lên tới 15.000 tỷ đồng. Tín phiếu 28 ngày và 56 ngày có giá trị phát hành lần lượt đạt 6.000 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng, chiếm 24% và 16% tổng giá trị phát hành. Lợi suất của các tín phiếu giảm mạnh tại tất cả các kỳ hạn.
Cụ thể, lợi suất tín phiếu 28 ngày giảm 48 điểm cơ bản, xuống 3,08%/năm; lợi suất tín phiếu 56 ngày và 14 ngày giảm 41 điểm cơ bản và 40 điểm cơ bản, xuống mức 3,29%/năm và 2,90%/năm. Trong tuần, có 20.468 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy trong tuần qua, NHNN hút ròng 4.532 tỷ đồng trên thị trường mở.
Thị trường liên ngân hàng
Trong tuần từ 13 - 17/7, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm, nhưng tốc độ đã yếu hơn so với tuần trước. Sau khi thỏa mãn yêu cầu về dự trữ bắt buộc tại thời điểm đầu tháng, nhu cầu vay liên ngân hàng giảm dần. Theo Bloomberg, lãi suất các kỳ hạn tham khảo ở mức: qua đêm (1,7%/năm, -30 điểm), một tuần (2,1%/năm, -20 điểm), hai tuần (2,8%/năm, -40 điểm), một tháng (3,3%/năm, -30 điểm).