Nhu cầu điện năng và lượng khí thải hiện cao hơn 5% so với mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Đại dịch Covid-19 đã khiến toàn cầu rơi vào trạng thái ngừng hoạt động, dẫn đến giảm tạm thời lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Phân tích cho thấy nhu cầu điện cũng vượt qua tốc độ tăng trưởng của năng lượng tái tạo.
Phát hiện này báo hiệu sự thất bại trong việc thực hiện mục tiêu “phục hồi xanh” và sẽ dẫn đến việc chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo để tránh những hậu quả tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Báo cáo cho thấy 61% điện năng trên thế giới vẫn đến từ nhiên liệu hóa thạch trong năm 2020. Năm quốc gia G20 có hơn 75% lượng điện được cung cấp từ nhiên liệu hóa thạch vào 2020, trong đó Ả Rập Xê Út là 100%, Nam Phi là 89% , Indonesia là 83%, Mexico là 75% và Australia là 75% lượng điện được cung cấp từ nhiên liệu hoá thạch.
Sản lượng than đã giảm kỷ lục 4% vào năm 2020. Châu Á hiện tạo ra 77% điện than trên thế giới và riêng Trung Quốc tạo ra 53%, tăng từ 44% vào năm 2015.
Nghiên cứu cũng cảnh báo, quá trình chuyển đổi của thế giới khỏi nhiệt điện than - đóng góp vào khoảng 30% lượng khí thải nhà kính của thế giới - đang diễn ra quá chậm để tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo sản xuất than sẽ phục hồi vào năm 2021 khi nhu cầu điện tăng trở lại.
“Tiến độ không đủ nhanh. Bất chấp sự sụt giảm kỷ lục của than trong thời kỳ đại dịch, nhưng vẫn thiếu những gì cần thiết”, Dave Jones, nhà phân tích hàng đầu của Ember cho biết trong một tuyên bố.
Ông cho biết việc sử dụng điện than phải giảm 80% vào cuối thập kỷ này để tránh mức độ nguy hiểm của tình trạng ấm lên toàn cầu trên 1,5 độ C (2,7 độ F).
“Chúng ta cần xây dựng đủ điện sạch để thay thế đồng thời than đá và điện khí hóa nền kinh tế toàn cầu. Các nhà lãnh đạo thế giới vẫn chưa thức tỉnh trước mức độ to lớn của thách thức”, ông cho biết.
Phát hiện này được đưa ra trước một hội nghị lớn về khí hậu của Liên hợp quốc ở Glasgow, Scotland diễn ra vào tháng 11. Tại đây, các nhà đàm phán sẽ thúc đẩy các hành động tham vọng hơn về khí hậu và cam kết giảm phát thải từ các quốc gia.
Các nhà khoa học của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) cảnh báo rằng nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể sẽ vượt ngưỡng 1,5 độ C trong vòng 20 năm tới nếu không giảm ngay lập tức, nhanh chóng và quy mô lớn.
Nghiên cứu cũng nhấn mạnh một số mặt thuận lợi. Năng lượng gió và năng lượng mặt trời tăng 15% vào năm 2020 và sản xuất gần 10% lượng điện của thế giới vào năm ngoái và tăng gấp đôi sản lượng kể từ năm 2015.
Một số quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Brazil đã có đóng góp 10% bởi điện năng từ gió và năng lượng mặt trời. Trong khi đó, Mỹ và châu Âu đã có mức tăng trưởng lớn nhất về năng lượng gió và năng lượng mặt trời.