Kể từ cuối năm 2011 tới nay, Việt Nam không nhập khẩu vàng bằng con đường chính thức.

Kể từ cuối năm 2011 tới nay, Việt Nam không nhập khẩu vàng bằng con đường chính thức.

Nhu cầu đầu tư vàng ở Việt Nam có thể giảm 1/4

Nhu cầu đầu tư vàng tại Việt Nam có thể giảm 1/4 trong năm nay so với năm ngoái do việc thắt chặt kiểm soát thị trường vàng nhằm góp phần bình ổn tỷ giá.

Đây là nhận định mà hãng tư vấn kim loại GFMS vừa đưa ra, theo tin từ Reuters.

Hãng tin này đánh giá, trước đây, người Việt Nam thích giữ vàng như một công cụ chống lạm phát do lạm phát ở Việt Nam có lúc lên hàng cao nhất ở châu Á, trong khi tiền đồng thường chịu áp lực mất giá do tình trạng thu gom USD để nhập lậu vàng trong bối cảnh thiếu vắng hoạt động nhập khẩu chính thức mặt hàng này.

 

“Chúng tôi đã nhận thấy sự suy giảm mạnh trong nhu cầu tiếp cận vàng miếng từ nửa sau của năm 2012, vì Chính phủ Việt Nam giờ đã kiểm soát mạnh hơn nhiều hoạt động dập vàng miếng”, nhà phân tích kim loại quý Cameron Alexander của GFMS nhận xét.

 

Theo ông Alexander, kết quả của sự thắt chặt kiểm soát nói trên là nhu cầu đầu tư vàng, bộ phận cấu thành 85% nhu cầu vàng tại Việt Nam, được dự báo sẽ giảm khoảng 22-25% trong năm 2013. Việt Nam hiện là quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 9 thế giới và lớn thứ tư tại châu Á sau Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan.

 

Số liệu của GFMS cho thấy, nhu cầu tiêu thụ vàng của Việt Nam, bao gồm cả vàng nữ trang và vàng đầu tư, đã giảm 24% xuống còn 77 tấn trong năm 2012, từ mức 100,8 tấn trong năm 2011 sau khi Chính phủ có những động thái nhằm hạn chế đầu cơ vàng - hoạt động bị cho là góp phần gây bất ổn tỷ giá. Hãng tư vấn GFMS là một bộ phận của tập đoàn truyền thông Thomson Reuters Corp.

 

GFMS cho biết, số liệu về nhu cầu vàng của Việt Nam được tính toán dựa trên nguồn cung vàng và lượng vàng phi chính thức chảy vào Việt Nam . Kể từ cuối năm 2011 tới nay, Việt Nam không nhập khẩu vàng bằng con đường chính thức.

 

Tương tự như Việt Nam , nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới là Ấn Độ cũng đang có những nỗ lực nhằm hạn chế nhu cầu vàng. Việc người dân mua nhiều vàng được xem là một nhân tố dẫn tới thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng lớn của Ấn Độ. Tháng 1 vừa qua, nước này đã tăng thuế nhập khẩu vàng lên 6% từ mức 4% trước đó.

 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tuyên bố sẽ trực tiếp nhập khẩu vàng, đồng thời giao dịch vàng với các công ty và ngân hàng. Đây là một phần trong kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước nhằm siết thị trường vàng trong nước.

 

“Về bản chất, Việt Nam hiện là một nền kinh tế có ba đồng tiền là tiền đồng, USD, và vàng. Ngân hàng Nhà nước muốn giảm việc tích trữ vàng của người dân, và cuối cùng là làm giảm vai trò của USD và vàng trong các giao dịch cũng như là một kênh lưu trữ tài sản. Kiểm soát nguồn cung vàng trong nước là một phần của chiến lược này”, chuyên gia Jonathan Pincus thuộc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Tp.HCM nhận định.

 

Đến nay, Ngân hàng Nước đã có nhiều bước đi nhằm tăng cường quản lý thị trường vàng. Trong đó, số điểm giao dịch vàng miếng đã bị cắt giảm khoảng 80% xuống còn khoảng 2.500 điểm vào cuối năm 2012. Các ngân hàng thương mại thì được yêu cầu chấm dứt các dịch vụ gửi vàng và cho vay vàng trong nửa đầu năm nay. Ngoài ra, SJC trở thành thương hiệu vàng miếng duy nhất và thuộc quyền quản lý của Nhà nước - một bước đi được nhận định là sẽ giúp làm giảm hoạt động nhập khẩu vàng từ các quốc gia khác vào Việt Nam .

 

Tuần trước, khoảng cách giữa giá vàng SJC bán lẻ trong nước và giá vàng thế giới lên tới gần 5 triệu đồng/lượng, khiến người dân không muốn mua vào. Tuy nhiên, Reuters cho rằng, nhu cầu mua vàng có thể tăng trở lại khi giá vàng trong nước hiện đã thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới còn trên 2 triệu đồng/lượng.

 

“Tôi vẫn đang giữ vàng, cho dù có điều gì xảy ra trên thị trường trong nước đi chăng nữa. Nếu chênh lệch giá giảm, tôi sẽ mua thêm”, anh Phạm Hoàng Anh Tuấn, một nhà đầu tư ở Tp.HCM, nói với Reuters.