Tuy nhiên, nội bộ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) lại xuất hiện các quan điểm và ý kiến ngược chiều, khi một số thành viên như Iran hay Libya kêu gọi cắt giảm sản lượng.
IEA cho rằng, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu có thể đạt 93,6 triệu thùng/ngày trong năm 2015, tăng thêm 90.000 thùng so với báo cáo từng được công bố trước đây. Tuy nhiên, ngay cả khi giá dầu chạm đáy do nguồn cung dư thừa và nhu cầu tiêu dùng yếu, OPEC vẫn quyết tâm không cắt giảm sản lượng nhằm giữ vững thị phần của mình trên thị trường.
Hiện nguồn cung dầu mỏ thế giới vẫn tăng thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày trong tháng 3 vừa qua, lên 95,2 triệu thùng/ngày, trong đó sản lượng từ OPEC chạm ngưỡng cao kỷ lục của tháng trong gần 4 năm qua.
Giá dầu thế giới đã tăng nhẹ và hiện giao dịch quanh ngưỡng 55 USD/thùng, nhưng vẫn thấp hơn một nửa so với mức đỉnh hồi tháng Sáu năm ngoái, khiến các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu “vàng đen” và các doanh nghiệp dầu khí gặp nhiều khó khăn về lợi nhuận.
Bất chấp giá dầu không cao như kỳ vọng, một số nhà sản xuất dầu mỏ vẫn tăng sản lượng và nguồn cung, như Ả Rập Xê – út, nước xuất khẩu dầu lớn nhất trong OPEC, vẫn đặt cược rằng mức giá thấp sẽ buộc các nhà sản xuất dầu mỏ đá phiến của Mỹ phải tự thu hẹp sản xuất trước.
Trái ngược với Ả Rập Xê - út, một số thành viên khác trong nội bộ OPEC bắt đầu đề nghị tổ chức này cắt giảm sản lượng, khi họ đang phải chịu những tác động từ giá dầu thấp. Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh, ngày 14/5, đã lên tiếng kêu gọi OPEC cắt giảm hạn ngạch sản lượng thêm ít nhất 5%, sau khi Iran và nhóm P5+1 mới đây đã đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Tehran, nhân tố có thể mở đường cho Iran xuất khẩu thêm dầu mỏ ra thị trường trong thời gian tới.
Giới phân tích cho rằng, ít nhất tới cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016 thì dầu mỏ của Iran mới có thể tác động tới thị trường “vàng đen”.
Tuy nhiên, theo IEA, một số nhà sản xuất dầu mỏ khác đang tranh thủ gia tăng sản xuất và chiếm thị phần trước khi Tehran thực sự quay trở lại thị trường. “Điều này cho thấy, sự tái cân bằng của thị trường dầu mỏ hiện nay có thể mới chỉ là bước khởi đầu”, báo cáo của IEA khẳng định.
Không chỉ có Iran mà thành viên khác của OPEC như Libya cũng lên tiếng kêu gọi OPEC thay đổi lộ trình sản xuất và hạn ngạch sản lượng. Thành viên ban điều hành OPEC kiêm quan chức cấp cao trong Bộ Dầu mỏ Libya, Samir Kamal nhận định: “Các thành viên OPEC cần đánh giá lại các chiến lược dầu mỏ của mình. Họ cần đạt được một thỏa thuận nhằm cắt giảm sản lượng thêm ít nhất 800.000 thùng/ngày”.
Tuyên bố của ông Kamal càng khắc sâu một thực tế rằng, việc giá dầu giảm từ mức đỉnh 115 USD/thùng hồi năm ngoái xuống ngưỡng 55 USD/thùng như hiện nay, đang tác động xấu tới các thành viên ít giàu có hơn bên ngoài Vùng Vịnh, và là một dấu hiệu cho thấy 12 thành viên OPEC vẫn chia rẽ trong vấn đề bảo vệ thị phần của mình hay bảo vệ giá dầu.
Hồi tháng 11/2014, khi OPEC nhóm họp, chính Libya cũng là một trong những thành viên thể hiện quan điểm ủng hộ tổ chức này cắt giảm sản lượng. Ngày 5/6 tới đây, OPEC sẽ nhóm họp để hoạch định các chính sách dầu mỏ trong thời gian tới. Venezuela dù không phản đối quyết định không điều chỉnh sản lượng của OPEC hồi năm ngoái, song hiện đang cân nhắc khả năng ủng hộ việc giảm sản lượng này.
Một nhóm 18 nhà sản xuất dầu mỏ châu Phi, trong đó có nhiều nước không thuộc OPEC, đang tiến hành vận động hành lang để tổ chức này cắt giảm sản lượng nhằm đẩy giá dầu lên, nhằm tránh các nguy cơ ngân sách quốc gia sụt giảm mạnh và châm ngòi cho các bất ổn xã hội. Tuy nhiên, nếu không có sự ủng hô của Ả Rập Xê - út và một số thành viên OPEC khác trong Vùng Vịnh, quyết định cắt giảm này rất khó có thể được thực hiện, khi bản thân Ả Rập Xê - út vẫn đang tăng sản xuất, còn Kuwait thì cho rằng OPEC sẽ không thay đổi chính sách trong cuộc họp sắp tới.