Báo cáo của Bộ Công thương, 6 tháng đầu năm, trong vô vàn khó khăn đến từ ngoài lẫn trong nước, các doanh nghiệp trong nước đã nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh. Kim ngạch xuất khẩu đạt 164,45 tỷ USD. Kết quả này được cho là phục hồi 87,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhưng trong tổng số 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, so với cùng kỳ đã giảm 2 mặt hàng, chiếm 90,1% tổng kim ngạch xuất khẩu và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%. Đáng nói cả 5 mặt hàng này đều tăng trưởng âm.
So với một số quốc gia có hoạt động xuất khẩu lớn trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, xuất khẩu của Việt Nam đã giảm mạnh hơn. Cụ thể, trong khi xuất khẩu nước ta giảm 12,1% so với cùng kỳ, thì Thái Lan, Indonesia, Malaysia chỉ giảm từ 2,3%.- 6%.
"Xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế nhưng tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi kim ngạch xuất khẩu giảm 12,1% so với cùng kỳ trong bối cảnh thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm", Bộ Công thương thừa nhận.
Một số ngành hàng xuất khẩu như thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa tiếp tục đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại đã tạo ra những khó khăn về thị trường xuất khẩu thời gian qua.
Tại Hội thảo công bố Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023”, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận xét, các động lực tăng trưởng đang đi lùi đáng kể, trong đó, tăng trưởng xuất nhập khẩu xuống rất thấp.
"Trong lịch sử, chưa bao giờ thương mại gặp khó như hiện nay, suy giảm rất mạnh (xuất khẩu giảm hơn 12%, nhập khẩu giảm 18%) và điều này liên quan trực tiếp đến sản xuất của các ngành, lĩnh vực", theo ông Thành.
Với mục tiêu tăng trưởng 6%, cán cân thương mại duy trì xuất siêu, trong khi nửa đầu năm xuất khẩu sụt giảm gần 23 tỷ USD, rất khó cho xuất khẩu chặng cuối năm, khi mà khó khăn vẫn bao trùm các thị trường nhập khẩu hàng hóa chủ lực của nước ta.
Từ đầu năm tới nay, chỉ một số ít ngành có tăng trưởng xuất khẩu vượt trội, điển hình là gạo, rau quả và một số ngành khác (cà phê, giấy và sản phẩm từ giấy), nhưng đóng góp về giá trị tuyệt đối của các ngành hàng này chưa thật sự lớn nếu so với điện thoại, máy tính, hàng dệt may...vài chục tỷ USD/năm, thành thử, khả năng gạo, rau quả bù đắp được cho các ngành chủ chốt là không hiện thực.
Chủ tịch EuroCham, ông Gabor Fluit đánh giá: 'Kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào sản xuất và xuất khẩu, đang phải chịu tác động lớn bởi tình hình khó khăn toàn cầu. Sự sụt giảm về xuất khẩu và các đơn hàng đã tác động lớn đến các doanh nghiệp châu Âu và cộng đồng doanh nghiệp nói chung".
Để vực xuất khẩu trong các tháng cuối năm, Bộ Công thương cho rằng, cần khẩn trương triển khai các chính sách tài khóa tiền tệ, cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất.
Hiện, nhiều thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ... chưa phục hồi, Bộ khuyến cáo doanh nghiệp ưu tiên chuyển hướng khai thác các thị trường mới nổi, thị trường có tiềm năng (như các nước Trung Đông, Châu Phi, châu Mỹ La tinh, Nam Á…
Đa dạng thị trường, "năng nhặt chặt bị", tìm kiếm các khách hàng mới, thị trường ngách càng cần thiết hơn trong lúc sức mua từ các thị trường lớn suy giảm.
Theo ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, để lấy lại đà tăng trưởng trong xuất khẩu, Bộ Công thương sẽ tập trung phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hỗ trợ sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xuất nhập khẩu.
Đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, tập trung xây dựng hình ảnh doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam uy tín, tận dụng hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại, trong đó sớm hoàn tất các thủ tục để tiến hành ký kết Hiệp định FTA với Israel; đẩy nhanh đàm phán ký kết hiệp định thương mại với các thị trường còn là tiềm năng (UAE, Mercosur,…).
Điểm tích cực được mong chờ trong các tháng tới, là một số FTA đang có với các đối tác thị trường lớn của Việt Nam như thị trường châu Âu, châu Mỹ tiếp tục có tác động đáng kể đối với thương mại, đầu tư và đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam.
Cụ thể, một số mặt hàng may mặc bắt đầu được hưởng thuế nhâp nhập khẩu 0% vào thị trường EU theo hiệp định EVFTA... sẽ là những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này.