NHTW thực sự, còn nhiều việc phải làm

NHTW thực sự, còn nhiều việc phải làm

(ĐTCK) Nghị định 156/2013/NĐ-CP đã bổ sung, làm rõ một số quyền hạn của NHNN để hướng tới vai trò của một ngân hàng trung ương (NHTW) thực sự, nhưng còn nhiều việc phải làm.

Đây là nhận định của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế về Nghị định 156/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có hiệu lực từ 26/12/2013.

Nghị định 156 bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn gì cho NHNN?

Theo Nghị định, NHNN có hai chức năng: một là quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, ngoại hối; hai là thực hiện chức năng của một NHTW về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ.

Từ hai chức năng cơ bản đó, Nghị định đã quy định rõ những nhiệm vụ và quyền hạn của NHNN. Trong đó, một nhiệm vụ quan trọng là xây dựng chỉ tiêu lạm phát hàng năm để trình Chính phủ; sử dụng các công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, bao gồm: tái cấp vốn, lãi suất, tỷ giá hối đoái, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở…

Đây là nhiệm vụ khá phổ biến của các NHTW trên thế giới. Bên cạnh đó là nhóm nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngoại hối, hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn trong quy định về vai trò của NHTW nước ta, đó là một cơ quan ngang bộ, trực thuộc Chính phủ và không tự quyết định mức lạm phát mục tiêu, mà cần trình Chính phủ.

Thứ hai, Nghị định bổ sung nhiệm vụ cho NHNN là giám sát, ổn định hệ thống tiền tệ, tài chính. Thực tế, Việt Nam chưa có một cơ quan đầu mối đảm nhận vai trò này. Nhưng điều rất khó hiện nay là làm thế nào để điều phối và kết hợp, có thông tin và cơ chế chính sách để điều hành, ổn định thị trường tài chính - tiền tệ, bởi nhiệm vụ này đang nằm rải rác ở các bộ, ngành như Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Thứ ba, Nghị định một mặt bổ sung chức năng, nhiệm vụ, mặt khác tăng tính trách nhiệm của NHNN, ví dụ: đầu mối đề xuất chỉ tiêu lạm phát, đầu mối ổn định tiền tệ, tài chính...

 

Theo ông, Nghị định 156 có ý nghĩa như thế nào đối với nền kinh tế?

Nghị định 156 bổ sung và làm rõ, khẳng định hơn một số quyền hạn của NHNN để hướng tới vai trò của một NHTW thực sự, phù hợp với tình hình mới và yêu cầu hội nhập. Về lâu dài, tôi hy vọng NHTW sẽ điều hành lạm phát mục tiêu và độc lập hơn. Đây là bước quá độ và cũng là bước làm rõ dần, tiệm cận dần NHTW theo thông lệ quốc tế. Ngoài ra, làm rõ vai trò ổn định tiền tệ - tài chính. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn.

 

Phải chăng, NHTW chưa thực sự được tăng quyền trong điều hành?

Để NHTW độc lập với đúng ý nghĩa của nó sẽ gặp thách thức ở góc độ quản lý với Chính phủ và bản thân NHTW có đủ nguồn lực, đặc biệt là con người để làm được chức năng độc lập đó hay không?

Trong bối cảnh thể chế của Việt Nam, việc đứng độc lập không phải dễ dàng khi NHTW vẫn là một cơ quan ngang bộ và Thống đốc vẫn là một thành viên của Chính phủ.

Chẳng hạn, tại Việt Nam hiện nay, Chính phủ đề xuất lạm phát mục tiêu và Quốc hội thông qua. Các nước không như vậy, mà NHTW phải làm việc này nếu như thực sự độc lập. Một vấn đề nữa rất quan trọng trong vấn đề độc lập, đó là cơ chế chính sách, ngân sách. Hiện tại, việc ban hành cơ chế, chính sách lớn đều cần trình Chính phủ và ngân sách của NHNN cũng như các bộ, ngành khác.

NHTW muốn độc lập thì Chính phủ sẽ ứng xử như thế nào, mức độ can thiệp, chỉ đạo, định hướng đến đâu. Bên cạnh đó, NHTW làm được đến đâu? Vấn đề phối kết hợp chính sách với các bộ, ngành liên quan trong ổn định tiền tệ, tài chính như thế nào? Đây là những câu hỏi cần được làm rõ.

 

Tác động của Nghị định 156 đến chính sách tiền tệ ra sao, theo ông?

NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, sát với thị trường hơn và chịu trách nhiệm với quyết định của mình nhiều hơn.

 

Có ý kiến cho rằng, không nên gọi là NHNN hay NHTW, mà nên gọi là Ngân hàng Quốc gia. Quan điểm của ông như thế nào?

Một số nhà đầu tư nước ngoài chưa hiểu rõ, chưa biết đến Việt Nam có thể hiểu nhầm rằng, đây là ngân hàng của một bang hay chính quyền địa phương nào đó, vì các nước khác thường dùng tên ngân hàng gắn với tên quốc gia (thí dụ, Bank of Japan, Bank of England, Bank of Korea…) hay gắn với chữ “quốc gia” (thí dụ, Ngân hàng Quốc gia Bỉ, Ngân hàng Quốc gia Campuchia…).

Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc đổi tên không quan trọng và không cần thiết, vì tên gọi NHNN đã đi vào lịch sử và ở Việt Nam không bị hiểu nhầm; người ta hiểu nôm na cũng là NHTW. Thực tế, tên gọi cũng quan trọng, nhưng nội hàm bên trong quan trọng hơn.

 

Ông có khuyến nghị gì để NHTW Việt Nam hoàn thành sứ mệnh được giao?

Trước hết, cần phải thống nhất về việc hiểu bản chất của Nghị định 156. Những văn bản quy định, hướng dẫn, thông tư sau này cần làm rõ hai vấn đề liên quan đến sự độc lập tương đối, tính chủ động, trách nhiệm của NHTW và vai trò điều phối, đầu mối trong việc ổn định tiền tệ, tài chính.

Bên cạnh đó, NHNN cần củng cố về nguồn nhân lực của mình theo hướng chuyên nghiệp, bài bản hơn. Ngoài ra, cần nghiên cứu thành lập và vận hành theo thông lệ mô hình Hội đồng tiền tệ quốc gia (Monetary Committee) do Thống đốc làm Chủ tịch, với các thành viên là lãnh đạo các bộ liên quan, hướng tới quyết định chính sách tiền tệ trên cơ sở ý kiến của các thành viên Hội đồng và tạo điều kiện điều phối, phối kết hợp tốt hơn trong chức năng ổn định tiền tệ, tài chính.

>>NHNN sao không gọi là Ngân hàng Trung ương?

>>Từ 26/12, Việt Nam sẽ có ngân hàng trung ương