Hứa hẹn một năm của thị trường M&A
Thông tin vừa được loan đi, Công ty đầu tư vốn tư nhân Advantage Partners, thông qua Quỹ Asia Fund, đã mua lại Elise Fashion, một trong những thương hiệu thời trang dành cho phụ nữ của Việt Nam. Thông tin này chưa được xác thực, nhưng nếu thương vụ là có thật, thì đây là lần đầu tiên, Advantage Partners mua lại một công ty ở Việt Nam.
Nhưng không chỉ có thế, thương vụ này có thể tiếp tục “khuấy động” sự nhộn nhịp của thị trường M&A Việt Nam, vốn đã rất nhộn nhịp và sôi động trong những năm gần đây.
Advantage Partners được thành lập năm 1992 và đã triển khai 5 quỹ, trong đó, Quỹ Asia Fund có vốn 380 triệu USD, chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp ngoài Nhật Bản.
Trước đó, hồi tháng 1/2019, dư luận cũng nhắc nhiều tới thương vụ Quỹ đầu tư SEAF Women's Opportunity Fund (SWOF - một quỹ đầu tư do Công ty Quản lý quỹ đầu tư toàn cầu SEAF quản lý) đã đầu tư vào Công ty cổ phần Đầu tư Organica, nhằm phát triển hoạt động sản xuất và kinh doanh thực phẩm hữu cơ Organica tại Việt Nam.
Cụ thể, SWOF đã mua 30% cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của Organica, đồng thời cam kết hỗ trợ Organica trong quản trị tài chính và vạch ra chiến lược phát triển thời gian tới. Bên cạnh đó, SWOF sẽ dành cho Organica một khoản vay dài hạn để có đủ nguồn vốn phục vụ kế hoạch mở rộng thị trường kinh doanh.
Thông tin từ bà Jennifer Buckey, Giám đốc điều hành cấp cao SEAF, thì SEAF là công ty quản lý quỹ đầu tư toàn cầu có trụ sở tại Mỹ, chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa có tiềm năng tăng trưởng cao tại các thị trường mới nổi. Tại Việt Nam, SEAF đã đầu tư vào hơn 20 công ty hoạt động ở nhiều ngành nghề khác nhau và Organica là công ty kinh doanh sản phẩm hữu cơ đầu tiên được đầu tư.
Đây chỉ là 2 trong số gần 500 lượt góp vốn, mua cổ phần mà nhà đầu tư nước ngoài thực hiện tại Việt Nam kể từ đầu năm tới nay. Theo số liệu chính thức của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 1/2019, cả nước có 489 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị góp vốn 761,8 triệu USD, tăng 114% so với cùng kỳ năm 2018.
Con số này thậm chí còn cao hơn mức vốn đầu tư nước ngoài tăng thêm (340 triệu USD) và xấp xỉ mức vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới (805 triệu USD) trong tháng đầu tiên của năm 2019. Đầu năm đã hanh thông, nên con số 761 triệu USD có lẽ sẽ hứa hẹn một năm tăng trưởng mạnh mẽ và nhộn nhịp của thị trường M&A Việt Nam.
Trên thực tế, thị trường M&A Việt Nam đã rất hấp dẫn trong những năm gần đây. Năm ngoái, theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, đầu tư nước ngoài thông qua góp vốn, mua cổ phần đã lên tới 9,89 tỷ USD, tăng 59,8% so với năm 2017 và chiếm tới hơn 28% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong năm 2018. Tỷ lệ này cho thấy, góp vốn, mua cổ phần ngày càng khẳng định là một hình thức đầu tư được các nhà đầu tư nước ngoài ưa chuộng.
M&A - phương thức đầu tư quan trọng
GS-TSKH Nguyễn Mại, chuyên gia lâu năm về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi nhận định về thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian tới đã khẳng định rằng, M&A ngày càng trở thành “phương thức quan trọng trong thu hút FDI”. Các số liệu thống kê về thị trường M&A, về xu hướng ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thông qua góp vốn, mua cổ phần đã khẳng định điều này.
Thậm chí, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM thời gian gần đây chủ yếu thông qua góp vốn, mua cổ phần. Nếu như năm 2016 chỉ có khoảng 1,5 tỷ USD được đăng ký đầu tư vào TP.HCM theo hình thức này, thì năm 2017 đạt khoảng 3,68 tỷ USD và đến năm 2018, con số này đạt gần 6 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với năm 2016.
“Hoạt động M&A đã và sẽ tiếp tục sôi nổi hơn, do Việt Nam đang đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và do nhiều doanh nghiệp trong nước có đủ tiềm lực, sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Xu thế này đang tiếp diễn và Việt Nam sẽ trở thành thị trường M&A lớn trong khu vực”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.
Ông Mại cho biết, M&A là giao thoa giữa đầu tư trực tiếp với đầu tư gián tiếp. Trường hợp M&A chỉ nằm trong khung khổ thị trường chứng khoán thì thuộc đầu tư gián tiếp, nhưng khi đã tham gia quản trị doanh nghiệp thì được coi là đầu tư trực tiếp.
Không chỉ là xu hướng, mà Việt Nam cũng đang có chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài theo hình thức M&A. Tại Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, Việt Nam sẽ thực hiện chính sách hợp tác đầu tư với nội hàm mở rộng hơn.
“Hợp tác đầu tư nước ngoài là chúng ta không chỉ thu hút vốn, mà hợp tác cả về quản lý, kết nối, đầu tư mua lại, sáp nhập, đặc biệt nhấn mạnh hợp tác bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động, bảo đảm các lợi ích xã hội…”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo nhận định của Diễn đàn M&A Việt Nam, nước ta đang bắt đầu một “kỷ nguyên mới” cho các hoạt động M&A.
Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, năm 2018, vốn đầu tư nước ngoài cam kết vào TP.HCM là 7,63 tỷ USD, trong đó đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần là gần 6 tỷ USD, một tỷ lệ rất lớn. Đã có 3.283 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được chấp thuận thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần góp vốn của doanh nghiệp trong nước chỉ trong một năm qua.