Xu hướng M&A các công ty chứng khoán được dự báo còn tiếp tục trong thời gian tới. Ảnh: D.M

Xu hướng M&A các công ty chứng khoán được dự báo còn tiếp tục trong thời gian tới. Ảnh: D.M

Nhộn nhịp M&A khối công ty chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
Dịch vụ tài chính dường như chưa bao giờ là lĩnh vực hết hot trên thị trường mua bán - sáp nhập (M&A), khi các thương vụ tiếp tục được nối dài.

Nhà băng gia tăng hiện diện

Dự kiến vào cuối năm 2024, Ngân hàng TNHH một thành viên Public Việt Nam sẽ hoàn tất việc góp thêm 865 tỷ đồng vào Công ty TNHH một thành viên Chứng khoán Public Bank Việt Nam. Quyết định trên vừa được ngân hàng 100% vốn nước ngoài từ Malaysia thông qua đầu tuần này. “Public Bank Vietnam sẽ góp vốn thêm bằng tiền mặt”, Tổng giám đốc Chee Keng Eng của ngân hàng này nêu rõ trong quyết định.

Chứng khoán Ngân hàng Public Việt Nam thành lập ngày 27/11/2006, với vốn điều lệ ban đầu là 9 tỷ đồng. Năm 2009, RHB Investment Bank Berhad trở thành đối tác chiến lược sau khi mua lại 49% cổ phần. Đến năm 2018, tổ chức này hoàn tất mua lại 100% vốn, sau đó đổi tên thành Chứng khoán RHB Việt Nam và chuyển sang mô hình công ty TNHH một thành viên. Giữa năm nay, công ty chứng khoán này có thêm một lần đổi chủ, khi Public Bank Vietnam nhận chuyển nhượng 100% vốn và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép điều chỉnh thay đổi tên gắn liền với nhà băng ngoại này. Quyết định tăng vốn được đưa ra sau 4 tháng kể từ khi thương vụ M&A hoàn tất, đưa Chứng khoán Ngân hàng Public Việt Nam trở thành một trong gần 50 công ty chứng khoán có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên.

Cũng vào giữa tháng 6/2024, sau đợt phát hành riêng lẻ cho một nhà đầu tư duy nhất, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược sở hữu 30% vốn của Chứng khoán HD. Nhà băng này chi tổng cộng 658 tỷ đồng để sở hữu 43,8 triệu cổ phiếu, với giá phát hành 15.000 đồng/cổ phiếu. Đồng thời, Chứng khoán HD tăng vốn điều lệ từ 1.023 tỷ đồng lên 1.461 tỷ đồng.

Tiền thân là Chứng khoán Phú Gia, được thành lập năm 2006, dấu ấn đổi chủ thực chất đã diễn ra từ năm 2018, khi công ty đổi tên thành Chứng khoán HDB và là Chứng khoán HD từ năm 2022.

Dù chưa nhận vốn góp từ HDBank, nhưng ông Nguyễn Cảnh Vinh, Phó tổng giám đốc ngân hàng này đã sớm đảm nhận vị trí Chủ tịch của công ty chứng khoán trên trong gần 2 năm trở lại đây. Sự hiện diện của Ngân hàng đã trở nên rõ rệt sau thương vụ phát hành.

Quyết định đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán thực tế cũng đã được lãnh đạo HDBank khẳng định tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên. Trong đó, việc tham gia góp vốn vào công ty chứng khoán được kỳ vọng sẽ giúp bổ sung cho khách hàng của ngân hàng những sản phẩm tài chính, đầu tư, bổ sung các nghiệp vụ mới như tư vấn tài chính doanh nghiệp, tái cấu trúc doanh nghiệp... Ngoài ra, cơ hội bán chéo sản phẩm, cung cấp dịch vụ thu chi hộ…, từ đó gia tăng doanh thu và lợi nhuận cho Ngân hàng cũng được tính đến.

“Hấp lực” tấm giấy phép gia nhập

Với sự trỗi dậy của nhiều công ty trong nước, đặc biệt từ làn sóng mở rộng hệ sinh thái của các ngân hàng, không nhiều công ty chứng khoán ngoại ghi nhận hoạt động nổi trội. Tuy nhiên, điều này không cản bước giới đầu tư quốc tế trong việc tìm mua công ty chứng khoán trong nước, chủ yếu với mục đích mua lại giấy phép hoạt động.

- Báo cáo Triển vọng thị trường M&A 2024 của Kirin Capital

Không riêng các ngân hàng, chỉ tính riêng trong một năm trở lại đây, nhiều công ty chứng khoán đã xuất hiện những “ông chủ” mới. Trong số này, có các tổ chức phi tài chính, có cả các cá nhân có nhiều năm lĩnh vực trong ngành chứng khoán.

Bà Nguyễn Thị Hương Giang, nhà sáng lập ứng dụng đầu tư tài chính Tititada và cũng là gương mặt quen thuộc khi từng có nhiều năm làm việc tại các công ty lớn trong lĩnh vực đầu tư, đã quyết định rót vốn để sở hữu hơn 40% tại Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS) vào cuối năm 2023. Dù đã đảm nhận vị trí Chủ tịch, nhưng phải đến cuối tháng 10/2024, Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS) mới chính thức có sự “lột xác” thật sự về tên gọi, cơ cấu thành viên HĐQT, sau khi vị nữ chủ tịch này nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 60%.

Đầu tháng 10/2024, bà Giang đã chi tiền nhận chuyển nhượng hơn 13% vốn từ Inter Pacific Securities Sdn Bhd và góp 50 tỷ đồng mua 5 triệu cổ phần mới phát hành. Bà Giang cũng là cổ đông duy nhất góp thêm tiền trong đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu vừa qua của SBBS.

Trong khi đó, thông qua giao dịch chuyển nhượng, Chứng khoán Hải Phòng (HAC) cũng không còn bóng dáng của nhà sáng lập Tập đoàn Hapaco và vị Chủ tịch Vũ Dương Hiền từ tháng 5/2024. Hàng loạt cá nhân đã xuất hiện trong danh sách cổ đông lớn của HAC. Một cuộc họp cổ đông dự kiến sớm được tổ chức sau những thay đổi thượng tầng.

Tại Chứng khoán Việt Tín, cuộc họp bất thường hồi tháng 7/2024 đã đón chủ tịch mới là người liên quan cổ đông lớn Du lịch Minh Thành. Trong cơ cấu sở hữu Công ty hiện tại, Du lịch Minh Thành và TIN Global Pte. Ltd đều đang nắm 49% vốn. Hai tổ chức này lần lượt xuất hiện tại Chứng khoán Việt Tín vào tháng 7/2023 và tháng 6/2024.

Đã có thời điểm, số lượng công ty chứng khoán tham gia thị trường vượt trên con số 100 tổ chức. Hành trình gần 15 năm tái cấu trúc thị trường vừa qua đã thanh lọc số lượng thành viên, từ 106 xuống hơn 70 công ty. Dù không một tấm giấy phép nào được cơ quan quản lý cấp mới, song chất lượng của các thành viên thị trường đã thay đổi đáng kể với không ít cái tên mới xuất hiện hoặc trở lại đường đua. Quy mô vốn điều lệ tại các công ty chứng khoán cập nhật đến cuối quý II/2024 đạt xấp xỉ 176.000 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với thời điểm cuối năm 2017.

Chính các “tân binh” cũng là nơi hút dòng vốn cả nội và ngoại, để gia tăng năng lực tài chính, củng cố nguồn lực về vốn và con người để tham gia thị trường cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ.

Trong Báo cáo Triển vọng thị trường M&A 2024, Kirin Capital dự báo, xu hướng M&A các công ty chứng khoán sẽ tiếp tục trong thời gian tới và có thể diễn ra mạnh hơn khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Tin bài liên quan