Lãnh đạo LCG, HHC “gom” cổ phần Ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc và ông Tăng Quốc Thuộc, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Licogi 16 (LCG) vừa hoàn tất việc mua lần lượt 600.000 cổ phiếu và 69.000 cổ phiếu LCG.
Trước đó, để tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phần, ông Hùng có đăng ký mua 1 triệu đơn vị, nhưng vì giá không đạt như kỳ vọng nên không thể thực hiện hết số lượng cổ phiếu đã đăng ký. Hiện tại, ông Hùng sở hữu 4,2 triệu cổ phiếu LCG và có ý định tiếp tục mua thêm nhằm tăng tỷ lệ sở hữu.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu LCG có diễn biến tăng mạnh kể từ đầu năm đến nay, từ 4.000 đồng/CP lên 6.690 đồng/CP khi kết thúc phiên giao dịch ngày 3/3, tức tăng gần 70%.
Vì cần bổ sung vốn lưu động, Công ty cổ phần Đầu tư Cao su Quảng Nam (VHG) đã đưa ra phương án bán cổ phiếu quỹ, từ ngày 1/3 đến ngày 30/3. Số lượng cổ phiếu quỹ dự kiến bán tối đa là 4,01 triệu đơn vị. VHG đã từng chi 32 tỷ đồng mua số cổ phiếu này với mức giá hơn 8.000 đồng/CP. Hiện tại, cổ phiếu VHG đang được giao dịch với giá 2.290 đồng/CP (ngày 6/3).
Trên một số diễn đàn mạng, nhiều ý kiến cho rằng, cổ phiếu LCG tăng giá là do động thái “gom hàng” của ban lãnh đạo doanh nghiệp, trong khi giá cổ phiếu này đã rơi xuống mức thấp trong năm 2016. Ngoài ra, nhà đầu tư kỳ vọng thị trường bất động sản tiếp tục sôi động, có thể giúp LCG tìm được đối tác để chuyển nhượng vốn tại Dự án Phú Hội, quy mô 83 ha (Licogi 16 góp 30% vốn trong liên danh).
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Bùi Dương Hùng cho biết, LCG đã thực hiện đàm phán và đối tác đã đặt cọc, đang chờ thủ tục để chuyển nhượng vốn tại Dự án Phú Hội. Công ty dự kiến tổ chức họp đại hội đồng cổ đông vào ngày 26/4/2017.
Về diễn biến giá cổ phiếu LCG trong thời gian qua, ông Hùng cho rằng, giá cổ phiếu là do thị trường quyết định. Mức giá hiện tại đang đắt hay rẻ? Theo ông Hùng, nếu so với giá trị sổ sách là 13.500 đồng/CP thì cổ đông sẽ tự đánh giá được mức giá hiện tại xấp xỉ 7.000 đồng/CP của LCG là đắt hay rẻ.
Tại Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Hà (HHC), Ban lãnh đạo HHC cũng có động thái gom cổ phiếu trước ngày tổ chức ĐHCĐ. Dự kiến, từ ngày 6/3 đến ngày 4/4, ông Trần Hồng Thanh, Tổng giám đốc HHC sẽ mua thêm 200.000 cổ phiếu, nhằm nâng số lượng nắm giữ lên 654.065 đơn vị, tương đương tỷ lệ 3,98%.
Trước đó, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó tổng giám đốc HHC đăng ký mua vào hơn 1,5 triệu cổ phiếu HHC, nhằm tăng tỷ lệ sở hữu. Giao dịch của ông Tuấn dự kiến thực hiện từ ngày 10/2 đến 10/3.
Cổ đông lớn tại MST, DGW… bán ra
Sau đợt bán thành công 610.000 cổ phần MST từ tháng 12/2016, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng 1.1.6.8 (MST) Trần Tuấn Anh vừa công bố tiếp tục bán 700.000 cổ phần, nhằm giảm tỷ lệ sở hữu xuống 7,72%.
Cũng tại doanh nghiệp này, từ ngày 6/3 đến ngày 3/4, hai ủy viên Hội đồng quản trị là ông Nguyễn Văn Dung và ông Trần Hoàng Anh đăng ký bán lần lượt 810.500 cổ phiếu và 457.500 cổ phiếu.
Thông thường, lãnh đạo doanh nghiệp bán ra cổ phần có ảnh hưởng không nhỏ đến diễn biến giá cổ phiếu, nhưng tại MST, giá cổ phiếu này không biến động mạnh, dao động trên dưới 10.000 đồng/CP trong vòng 2 tháng trở lại đây.
Trước đó, ngày 1/3, Quỹ Pyn Elite Fund (Non-Ucits) đã bán ra một lượng lớn cổ phiếu DGW, FIT, VNE. Cụ thể, Pyn Elite Fund đã bán ra hơn 1,6 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Thế giới số (DGW), giảm tỷ lệ sở hữu từ 8,25% (3.267.102 cổ phiếu) xuống 4,12% (1.632.492 cổ phiếu) và không còn là cổ đông lớn. Quỹ này cũng đã bán qua sàn lần lượt 3.784.560 cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn F.I.T, giảm sở hữu xuống còn 21,16 triệu đơn vị (8,31%) và 493.520 cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam (VNE), giảm tỷ lệ sở hữu xuống 9,82% (8.720.356 cổ phiếu).
Phần lớn các thương vụ thoái vốn quy mô lớn được thực hiện qua phương thức giao dịch thỏa thuận, ít gây áp lực lên cung - cầu thị trường. Tuy nhiên, đối với những giao dịch thông qua khớp lệnh trên sàn, mức ảnh hưởng đến giá cổ phiếu được đánh giá là không nhỏ.
Tuy nhiên, giao dịch của lãnh đạo doanh nghiệp hay cổ đông lớn thường xuất phát từ ly do khác các nhà đầu tư đại chúng. Họ hoặc muốn "vững chân" trong doanh nghiệp, hoặc muốn "thoát sớm" trước khi các vấn đề của doanh nghiệp được mổ xẻ sâu hơn tại ĐHCĐ.