Nửa đầu năm 2024, TCM báo lãi sau thuế hơn 5,84 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ

Nửa đầu năm 2024, TCM báo lãi sau thuế hơn 5,84 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ

Nhóm xuất khẩu sẽ bứt tốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Xuất khẩu khởi sắc trong 6 tháng đầu năm, tạo động lực tăng trưởng cho nhiều doanh nghiệp cùng kỳ vọng khả quan cho nhóm cổ phiếu lĩnh vực này.

Tăng trưởng ấn tượng

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế Việt Nam duy trì xu hướng tích cực. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng tăng 6,42% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng khả quan, thu hút vốn đầu tư FDI tăng cao, lạm phát trong tầm kiểm soát.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong 6 tháng đầu năm ước đạt 368,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 190 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 178,45 tỷ USD, lần lượt tăng 14,5% và tăng 17% so với cùng kỳ. Việt Nam đã xuất siêu 11,6 tỷ USD trong nửa đầu năm. Nhiều mặt hàng xuất khẩu ghi nhận tăng trưởng mạnh như điện tử, máy tính, linh kiện, dệt may, da giày, gỗ…

Xuất khẩu vẫn là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm 2024.

Với ngành dệt may, xuất khẩu hàng dệt may và nguyên liệu ước đạt 19,905 tỷ USD trong nửa đầu năm, ghi nhận mức tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù vẫn bị ảnh hưởng bởi những biến động từ nền kinh tế thế giới, đặc biệt là tại các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, nhưng xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này phản ánh nỗ lực lớn của ngành dệt may trong việc duy trì sản xuất, mở rộng thị trường. Hiện nhiều doanh nghiệp đã đủ đơn hàng cho quý III và có nhiều đơn hàng cho quý IV.

Đối với ngành gỗ, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 5,03 tỷ USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong khi đó, xuất khẩu da giày đạt trên 6,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023. Thị trường xuất khẩu của da giày Việt Nam tập trung vào 5 thị trường chính: Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 35%, tiếp đến là EU 26%, Nhật Bản và Hàn Quốc…

Bà Trần Thanh Huyền, Trưởng phòng Đầu tư Cấp cao, VinaCapital nhận định, hiện nay, xuất khẩu đang tăng trưởng ấn tượng, được dẫn dắt bởi ngành xuất khẩu máy tính, kỳ vọng tích cực này lan toả đến các ngành khác như gỗ, thuỷ sản, dệt may, sắt… Đây là xu hướng chung khi nhu cầu nhập khẩu của Mỹ tăng trở lại. PMI tháng 6 cho thấy chỉ số đơn hàng tăng cao nhất trong 13 năm qua. Các đơn hàng đặt mới tăng mạnh, phản ánh tín hiệu tích cực cho ngành sản xuất, các doanh nghiệp ngành xuất khẩu đang hưởng lợi.

Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nhận định, ngành sản xuất của Việt Nam sôi động trở lại vào thời điểm giữa năm, vượt qua tình trạng tăng trưởng tương đối khiêm tốn trong những tháng gần đây nhờ số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh. Mức độ tăng mạnh của số lượng đơn đặt hàng mới đã làm bộc lộ tình trạng thiếu nhân viên ở một số công ty.

Nỗ lực về đích

Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM) cho biết, luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu công ty mẹ đạt hơn 64 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 47% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 5,84 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ và đạt 85% kế hoạch năm.

Doanh thu 6 tháng đầu năm của TCM đến từ ba mảng chính: sản phẩm may (chiếm 74%), vải (chiếm 14%) và sợi (chiếm 8%). Đến thời điểm hiện tại, đơn hàng quý III/2024 mà TCM nhận được tương đương khoảng 90% kế hoạch doanh thu quý; đơn hàng quý IV/2024 tương đương khoảng 86% kế hoạch doanh thu quý.

Năm nay, TCM đặt mục tiêu doanh thu đạt khoảng 3.707 tỷ đồng (157,7 triệu USD), tăng khoảng 12% so với năm 2023 và kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt 161,2 tỷ đồng (6,68 triệu USD), tương đương khoảng 21% so với kết quả thực hiện năm 2023. Lãnh đạo TCM cho biết, kết quả kinh doanh của Công ty khả quan trong 6 tháng đầu năm nhờ việc nâng cao năng suất, hiệu suất, cắt giảm lãng phí, tối ưu doanh thu và lợi nhuận cho Công ty.

Tại Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TNG (mã TNG), hiện tại, lượng đơn hàng của TNG đã lấp đầy quý III/2024, chủ yếu nhờ các đơn hàng gia tăng từ các khách hàng quen thuộc như Decathlon, TCP, Asmara… do nhu cầu nhập hàng tại các thị trường lớn, đặc biệt là Mỹ hồi phục do mức tồn kho thấp và các nhà bán lẻ dự trữ hàng vào cuối năm. Bên cạnh đó, TNG thu hút thêm các đơn hàng từ Bangladesh và các khách hàng cũ nhờ đáp ứng được các tiêu chuẩn, chỉ tiêu về nhà máy xanh cũng như từ các sự kiện biểu tình, bạo động do vấn đề lương lao động xảy ra tại Bangladesh.

Về đơn giá xuất khẩu, lãnh đạo TNG cho biết, đơn giá ký mới trong năm 2024 tăng khoảng 5%, góp phần cải thiện tích cực biên lợi nhuận của Công ty trong năm nay.

Ở khối doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, Công ty cổ phần Gỗ Thuận An (mã GTA) cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, Công ty ghi nhận tổng doanh thu 138,33 tỷ đồng, hoàn thành 50,58% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế ước đạt 4,7 tỷ đồng, hoàn thành 44% kế hoạch năm. Quý III/2024, Công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu 56 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2,3 tỷ đồng. Năm nay, Gỗ Thuận An đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng, với doanh thu đạt 273,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 10,7 tỷ đồng. Nếu kế hoạch kinh doanh quý III khả thi, Công ty có thể hoàn thành hơn 70% kế hoạch năm về doanh thu và lợi nhuận sau 3 quý.

Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024, với doanh thu đạt 6.062 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường xuất khẩu của VHC đều tăng trưởng tích cực, riêng tháng 6/2024 xuất khẩu sang Mỹ tăng 8,1%, sang EU tăng 30,4%, sang Trung Quốc tăng 18,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, giữa bối cảnh chung khởi sắc của ngành xuất khẩu, không phải doanh nghiệp nào cũng tăng trưởng tích cực. Theo ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thuỷ sản Minh Phú (mã MPC), tuy sản xuất tăng nhưng xuất khẩu của Công ty đang kém, ảnh hưởng từ việc Mỹ áp thuế cao với Trung Quốc, khiến Trung Quốc đưa tàu container về nước. Điều này được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt qua tháng 7, từ đó giúp cải thiện tình hình xuất khẩu của Công ty. Một điểm nữa làm kết quả kinh doanh chưa đạt như kỳ vọng là việc tuyển công nhân cho nhà máy gặp khó. Từ đầu tháng 3, lãnh đạo MPC yêu cầu mỗi nhà máy đến tháng 7 phải tuyển dụng đủ 7.000 công nhân trở lên, nhưng hiện vẫn chưa đạt.

MPC vừa thắng vụ kiện chống phá giá, nên sẽ không chịu thuế chống bán phá giá vào Mỹ. Đây là yếu tố giúp Công ty đang có lợi thế, vì không bị tính giá thành của nước thứ ba, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu tôm khác vẫn phải chịu. MPC chủ trương sẽ bán vào thị trường Mỹ với 20% sản lượng. Đồng thời, chuyển hướng sang Trung Quốc, thị trường hơn 1 tỷ dân, sức tiêu thụ rất lớn, lại có biên giới với Việt Nam, giúp tránh những rủi ro về vận chuyển đường dài trên biển. Mục tiêu của Công ty là đưa doanh số từ thị trường tiềm năng này lên 10%, sau đó là 20% và cao hơn trong tương lai.

Cho dù có nhiều tín hiệu tích cực từ tình hình xuất khẩu, đơn hàng nhưng những tháng cuối năm, các doanh nghiệp dự báo vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Doanh nghiệp xác định cần chủ động, quyết liệt đảm bảo các yếu tố trọng yếu trong quản lý năng suất, quản lý giá thành để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu khách hàng, thị trường. Nhìn về dài hạn, doanh nghiệp ngành xuất khẩu trên thị trường trong nửa cuối năm còn nhiều dư địa tăng trưởng nếu biết nắm bắt cơ hội và linh hoạt.

Tin bài liên quan