Rất khó để phân biệt “nhôm Việt Pháp” nào là chính hãng

Rất khó để phân biệt “nhôm Việt Pháp” nào là chính hãng

Nhôm Việt Pháp: Cuộc chiến thương hiệu bắt đầu

(ĐTCK) Thương hiệu “nhôm Việt Pháp” trở thành nguyên nhân châm ngòi cho cuộc chiến bản quyền nhãn hiệu của gần 30 doanh nghiệp trên thị trường nhôm hiện nay. Nhưng theo phản ánh của chính các công ty này, họ “chưa đòi được vạ thì má đã sưng”.

Cuộc chiến bắt đầu

Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản và ngành xây dựng kéo theo thị trường vật liệu nội thất hoàn thiện phát triển theo. Đặc biệt, thị trường nhôm được các chuyên gia nhận định là “vùng đất màu mỡ” của các doanh nghiệp. Theo đó, các thương hiệu nhôm cũng lần lượt ra đời, trong đó phải kể đến thương hiệu “nhôm Việt Pháp”.

Tuy nhiên, điều trớ trêu là trên thị trường hiện nay có đến gần 30 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh có cụm từ “nhôm Việt Pháp”. Điều này không chỉ gây khó cho người tiều dùng, mà chính các nhà sản xuất, phân phối cũng đau đầu trong việc bảo vệ nhận diện thương hiệu của mình, cũng như quảng bá, tranh giành thị phần. Bởi trên thị trường doanh nghiệp nào cũng quảng cáo “nhôm Việt Pháp” của mình là chính hiệu, là xịn nhất.

Cuộc chiến thương hiệu này được đẩy lên cao trào khi mới đây, một số công ty “nhôm Việt Pháp” là: Công ty cổ phần nhôm Việt Pháp - Nhà máy nhôm Việt Pháp, địa chỉ tại lô A2, đường CN8 - Khu công nghiệp Từ Liêm, Hà Nội; Công ty cổ phần Nhôm Việt Pháp SHAL - Nhà máy nhôm Việt Pháp (VN) có địa chỉ tại lô KT, Khu công nghiệp Phúc Sơn, đường Trần Nhân Tông, phường Ninh Sơn, TP. Ninh Bình; Công ty cổ phần Nhôm Việt Pháp - Nhà máy nhôm Việt Pháp Shal, có địa chỉ tại 244 Phạm Văn Giảng, phường Bình Hưng Hòa, quận Tân Bình, TP.HCM; Công ty TNHH Thương mại sản xuất công nghệ nhôm Việt Pháp SHAL có địa chỉ văn phòng tại tầng 4, tòa nhà EVD, số 431 đường Tam Trinh, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội; Công ty cổ phần Nhà máy nhôm Việt Pháp SHAL, có địa chỉ tại Lô B10-B11, đường số 05, Khu công nghiệp Nhị Xuân, TP.HCM; Công ty TNHH Sản xuất công nghiệp nhà máy nhôm Việt Pháp Shal Hưng Yên, có địa chỉ ở thôn Cốc Khê, xã Ngũ Lão, Kim Động, Hưng Yên… đã phản ánh lên các cơ quan chức năng, yêu cầu các đơn vị này vào cuộc làm sáng tỏ câu chuyện tranh chấp thương hiệu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Vũ Văn Phụ, Giám đốc Công ty cổ phần nhôm Việt Pháp - Nhà máy nhôm Việt Pháp cho biết: “Công ty chúng tôi được thành lập từ năm 2009 và có Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số: 221044 với hình Tháp Eiffel cách điệu. Màu sắc nhãn hiệu gồm: Trắng, xanh, đỏ… Tuy nhiên, sau đó, không hiểu sao lại có hàng loạt thương hiệu “nhôm Việt Pháp” với màu sắc giống hệt chúng tôi cũng được ra đời”.

Nhôm Việt Pháp: Cuộc chiến thương hiệu bắt đầu ảnh 1

Thị trường nhôm đang chứng kiến cuộc chiến tranh giành thương hiệu “nhôm Việt Pháp” rất quyết liệt. Ảnh: Nhất Nam

Cùng nỗi "oan ức" này, ông Đinh Huy Chỉnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhôm Việt Pháp SHAL - Nhà máy nhôm Việt Pháp cho rằng, nguồn gốc thương hiệu “nhôm Việt Pháp” của Công ty được hình thành từ đầu những năm 2000, sau quá trình phát triển, đổi chủ và chuyển đổi thành tên công ty như trên.

“Chúng tôi có đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm: VIET PHAP ALUMINIUM và VIET PHAP SHAL ALUMINIUM tại Cục Sở hữu trí tuệ, nhưng cũng không hiểu sao có hàng loạt công ty lại cho ra các sản phẩm, có thương hiệu giống hệt chúng tôi trên thị trường. Chúng tôi đã có đơn tố giác tội phạm lên cơ quan chức năng và vụ việc hiện đang được điều tra làm rõ”, ông Chỉnh khẳng định.

“Được vạ má đã sưng”

Theo phản ánh của các nhà phân phối sản phẩm có thương hiệu “nhôm Việt Pháp”, trong lúc họ đang tìm cách xoay xở đối phó với nhôm giá rẻ từ các nước láng giềng, thì lại phải gồng mình thêm để đối phó với chính các công ty có cùng thương hiệu, tên kinh doanh trong nước, khiến khó chồng khó.

Theo các nhà phân phối này, khi khách hàng đang phân vân không biết lựa chọn thương hiệu “nhôm Việt Pháp” nào cho đúng, thì cũng là cơ hội để sản phẩm nhôm giá rẻ “chọc” vào và giành mất thị phần.

Theo các doanh nghiệp, trong cuộc chiến giành thương hiệu này, họ trông chờ vào các cơ quan chức năng, cụ thể là cơ quan công an, Cục Sở hữu trí tuệ và Viện Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Tuy nhiên, theo phản ánh của các công ty, chính các đơn vị trên cũng có trách nhiệm trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “nhôm Việt Pháp” cho các công ty.

Đơn cử, theo đại diện Công ty cổ phần Nhôm Việt Pháp Shal - Nhà máy nhôm Việt Pháp, từ 2016, Công ty đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 265361. Theo đó, nhãn hiệu “NHÔM VIỆT PHÁP SHAL” được bảo hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam cho sản phẩm nhôm thanh định hình. Để đảm bảo hơn nữa quyền sở hữu thương hiệu Nhôm Việt Pháp SHAL, trong các năm 2016, 2017, Công ty đã tiếp tục nộp nhiều đơn đăng ký nhãn hiệu tới Cục Sở hữu trí tuệ. Nội dung đăng ký nhãn hiệu chủ yếu xoay quanh các cụm từ “NHÔM VIỆT PHÁP SHAL”, “VIET PHAP ALUMINIUM”, “VIET PHAP SHAL ALUMINIUM” và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký cho những nhãn hiệu nêu trên.

Tuy nhiên, khi Công ty phát hiện ra các đơn vị khác nhái thương hiệu của mình và phản ánh đến các cơ quan chức năng, thì kết quả lúc trước và sau lại khác nhau. Cụ thể, theo ông Chính, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ đã ra các Kết luận giám định số NH166-19YC/KLGĐ ký ngày 12/4/2019 và Kết luận giám định số NH124 – 19YC/KLGĐ ký ngày 22/03/2019 với nội dung kết luận chính thể hiện các sản phẩm không phải do Công ty cổ phần Nhôm Việt Pháp SHAL - Nhà máy Nhôm Việt Pháp sản xuất, nhưng dán các nhãn hiệu “NHÔM VIỆT PHÁP SHAL” hoặc “VIETPHAP SHAL” là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đối với nhãn hiệu “NHÔM VIỆT PHÁP SHAL” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 292021 của Công ty cổ phần Nhôm Việt Pháp SHAL -  Nhà máy Nhôm Việt Pháp.

“Tuy nhiên, điều khó hiểu là cũng chính đơn vị này, ngay sau đó ban hành hàng loạt kết luận giám định khác với nội dung đã kết luận trước đây, phủ nhận hoàn toàn kết luận giám định mà họ đã ban hành khi chúng tôi yêu cầu giám định với chính đối tượng hàng hóa đó từ trước - nghĩa là Viện kết luận nhiều công ty sử dụng cụm từ “NHÔM VIỆT PHÁP”, “NHÔM VIỆT PHÁP SHAL”, “VIETPHAP SHAL” trên các sản phẩm của họ không phải là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, không xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu...”, vị này cho biết.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Nhôm Việt Pháp - Nhà máy nhôm Việt Pháp cho biết, Công ty rơi vào cảnh trớ trêu khi chính sản phẩm của mình sản xuất ra và lưu thông trên thị trường lâu này lại bị nghi là hàng giả, hàng nhái và mới đây bị chính cơ quan công an tỉnh Phú Thọ thu giữ hơn 100 tấn nhôm với lý do là hàng giả, hàng nhái.

Sau quá trình đấu tranh, cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan, công ty này đã được Viện Sở hữu trí tuệ “rửa tội” tại kết luận ngày 4/6/2019 rằng: “Không đủ căn cứ để khẳng định rằng dấu hiệu “NHÔM VIỆT PHÁP SHAL” gắn trên các sản phẩm nhôm thanh định hình như được thể hiện tại mẫu vật giám định là yếu tố xâm phạm quyền (quy định tại Điều 11, Nghị định 105/2006 sửa đổi) đối với nhãn hiệu được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 292021 của Công ty cổ phần Nhôm Việt Pháp SHAL - Nhà máy nhôm Việt Pháp.

Điều khiến nhiều doanh nghiệp có thương hiệu “nhôm Việt Pháp” khó hiểu là tại sao Cục Sở hữu trí tuệ lại cấp trùng, dễ nhầm lẫn tên thương hiệu, đăng ký kinh doanh cho nhiều doanh nghiệp. Điều này khiến chính những công ty có thương hiệu “nhôm Việt Pháp” bị đẩy vào cuộc chiến thương hiệu không mong muốn.

Ở góc độ khác, chia sẻ với Báo Đầu tư Bất động sản, ông Vũ Văn Phụ đặt câu hỏi: “Tại sao các công ty thành lập sau lại đăng ký tên có “nhôm Việt Pháp” mà các doanh nghiệp đã đăng ký trước đó? Phải chăng họ đang “theo đóm ăn tàn” khi thương hiệu “nhôm Việt Pháp” đã có vị thế trên thị trường và tại sao cơ quan chức năng lại đồng ý cho những doanh nghiệp này?”.

Liên quan tới những rắc rối này, Báo Đầu tư Bất động sản tiếp tục tìm hiểu và phản ánh tới bạn đọc trong các số báo tới.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan