Nhu cầu và giá bán của nhiều mặt hàng xuất khẩu gia tăng

Nhu cầu và giá bán của nhiều mặt hàng xuất khẩu gia tăng

Nhóm ngành cao su, thủy sản, dệt may, đồ gỗ nội thất… được kỳ vọng sẽ tăng tốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Hoạt động xuất khẩu tại nhiều nhóm ngành như cao su, thủy sản, dệt may, đồ gỗ nội thất… được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong những tháng cuối năm 2024.

Bức tranh xuất khẩu sáng

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 9/2024 cả nước ước đạt 34,05 tỷ USD, giảm 9,9% so với tháng 9, nhưng tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 30 mặt hàng đạt giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm 92,3%, bao gồm 7 mặt hàng đạt giá trị trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu tháng 9 giảm so với tháng 8 một phần do bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. Tuy nhiên, điểm sáng là giá bán của các mặt hàng xuất khẩu nhìn chung đều tăng. Theo đó, số lượng không tăng nhưng giá bán cải thiện nên bức tranh chung tích cực hơn, nhất là nhóm thuỷ sản, dệt may, cao su.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Smart Invest đánh giá, tháng 8/2024 là tháng xuất khẩu đạt kỷ lục. Thông thường, khi đến cao điểm thì tình hình sau đó sẽ có sự chững lại, nên xuất khẩu tháng 9 thấp hơn tháng 8 là bình thường, chưa kể nhiều doanh nghiệp phía Bắc còn bị ảnh hưởng ngắn hạn bởi bão Yagi. Tuy nhiên, trừ tháng 8 thì nhìn trong một bức tranh rộng, xuất khẩu tháng 9 vẫn cao hơn các tháng trước là dấu hiệu tích cực. Từ nay đến cuối năm 2024, tình hình xuất khẩu sẽ ổn định.

Khảo sát mới đây của Tổng cục Thống kê với 30.587 doanh nghiệp cho biết, có 36% số doanh nghiệp dự kiến đơn đặt hàng hàng xuất khẩu quý IV/2024 sẽ tăng; 47,6% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 16,4% số doanh nghiệp dự kiến giảm so với quý III.

Ông Minh nhận định, tình hình xuất khẩu trong tháng 10 và 11/2024 sẽ tăng trưởng tích cực, phục vụ đơn hàng trong mùa cao điểm tiêu dùng cuối năm với các dịp Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Âm lịch. Đặc biệt, Trung Quốc đang đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng chi tiêu tiêu dùng trong dân sẽ kéo theo nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng. Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất trong kỳ họp tháng 9 và kỳ vọng có thêm 2 đợt hạ lãi suất vào tháng 11 và tháng 12 sẽ góp phần thúc đẩy tiêu dùng do chi phí vay giảm, nhất là khi số lượng việc làm đang tăng. Đây là hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Ngoài những yếu tố trên, ông Vũ Duy Khánh kỳ vọng, giá cước vận tải điều chỉnh sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu cải thiện biên lợi nhuận. Chỉ số giá cước container thế giới tổng hợp của Drewry tuần 40/2024 (30/9 - 6/10) giảm 5% so với tuần 39 và giảm 41% so với mức đỉnh tháng 7/2024.

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, tình hình địa chính trị bất ổn tại một số khu vực trên thế giới có thể khiến giá dầu tăng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, dẫn tới lạm phát quay trở lại, kéo theo giá cước vận tải tăng và nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng được tiết giảm.

Mặt khác, để các doanh nghiệp xuất khẩu cải thiện biên lợi nhuận thì giá bán là vấn đề quan trọng. Nếu giá bán không tăng thì việc xuất khẩu hàng hoá chủ yếu mang tính chất giữ chân khách hàng và giữ thị phần, còn doanh nghiệp khó có thể tăng trưởng về mặt lợi nhuận.

Nhiều nhóm ngành được kỳ vọng tăng tốc

Hoạt động xuất khẩu thủy sản năm 2024 đã quay trở lại quỹ đạo thông thường, các doanh nghiệp cao su được hưởng lợi từ giá tăng, doanh nghiệp may mặc đón nhận nhiều đơn hàng...

Theo dự báo của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, có 4 nhóm ngành xuất khẩu sẽ tăng trưởng tích cực trong giai đoạn cuối năm 2024.

Đầu tiên là nhóm cao su, hưởng lợi khi nguồn cung giảm do thời tiết mưa nhiều gây ảnh hưởng đến việc khai thác cao su ở các nước Đông Nam Á. Việc nguồn cung bị thắt chặt phần nào hỗ trợ giá cao su tự nhiên thế giới nói chung và giá cao su Trung Quốc nói riêng duy trì đà phục hồi. Nhờ vậy, các doanh nghiệp cao su trong nước sẽ được hưởng lợi từ việc tăng giá trên thị trường thế giới.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cao su lớn của Việt Nam, phục vụ nhu cầu sản xuất săm lốp của nước này. Hiện tại, ngành săm lốp của Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng sản lượng ô tô sản xuất toàn cầu. Theo Smithers, nhu cầu săm lốp toàn cầu có thể sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm 3,5% đến năm 2028.

Nhóm xuất khẩu thứ hai được kỳ vọng là thuỷ sản. Trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 7,16 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, sau 4 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, xung đột, lạm phát, tình hình tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang dần ổn định, hoạt động xuất khẩu thủy sản năm 2024 quay trở lại quỹ đạo thông thường là tăng tốc trong nửa cuối năm, đạt đỉnh vào quý III. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cả năm 2024 đạt 9,5 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2023.

“Nhu cầu của các thị trường dần hồi phục, giá xuất khẩu ở các thị trường đang và sẽ tiếp tục tăng là động lực cho doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2024 và năm 2025”, VASEP nhận định.

Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá cao triển vọng mặt hàng cá tra khi tồn kho cá tra thành phẩm tại Mỹ hiện thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 cũng như năm 2022 sẽ thúc đẩy các nhà bán lẻ bổ sung hàng tồn kho cho mùa lễ hội cuối năm. Bên cạnh đó, số liệu lạm phát tại Mỹ giảm là yếu tố thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ.

Với mặt hàng tôm, ông Minh cho rằng, mặt hàng này vẫn đang gặp khó khăn vì bị cạnh tranh gay gắt bởi sản phẩm giá rẻ từ Ecuador và Ấn Độ, khiến biên lãi ròng không cao.

Nhóm thứ ba được kỳ vọng là dệt may. Tình tình bất ổn tại Bangladesh dẫn tới hoạt động sản xuất của nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là ngành dệt may, khiến nhiều thị trường chuyển một phần đơn hàng qua các nước khác để bù đắp số lượng thiếu hụt và giảm thiểu rủi ro, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, tồn kho hàng may mặc tại Mỹ duy trì ở mức thấp so với năm 2022 nên các doanh nghiệp may mặc Việt Nam có thể sắp đón nhận lượng đơn hàng lớn phục vụ nhu cầu vụ mùa Đông - Xuân. Hiện tại, đa phần các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã có đơn hàng lấp đầy đến cuối năm nay.

Nhóm thứ tư có triển vọng xuất khẩu tốt là đồ gỗ nội thất. Gỗ và các sản phẩm gỗ đang tăng trở lại sau giai đoạn suy giảm năm 2021 và trong năm 2023 nhờ doanh nghiệp tích cực tìm kiếm khách hàng mới ở châu Á, có các mẫu mã mới và gần đây là nhu cầu từ các nước Âu - Mỹ hồi phục.

Bên cạnh đó, doanh số bán nhà ở Mỹ đang trong quá trình hồi phục từ mức đáy tháng 8/2022. Với việc Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng tiền tệ, lãi suất cho vay đi xuống sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu mua nhà nói chung, đồ gỗ và nội thất nói riêng.

Ông Vũ Duy Khánh dự báo, dệt may và thuỷ sản sẽ là hai nhóm xuất khẩu mạnh nhất trong giai đoạn cuối năm. Nhưng ông lưu ý rằng, việc xuất khẩu hồi phục và đầu tư cổ phiếu trong các nhóm ngành này là hai câu chuyện khác nhau. Triển vọng ngành đã được phản ánh phần lớn vào giá của nhiều cổ phiếu nên định giá không còn rẻ. Nhà đầu tư cần lựa chọn kỹ lưỡng từng doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội giải ngân.

Tin bài liên quan