Nỗ lực giữ vững mốc 1.300 điểm trong phiên sáng tiếp tục được kéo sang phiên chiều trong bối cảnh bảng điện tử duy trì sự phân hóa mạnh. Có thời điểm VN-Index thủng mốc này, nhưng cũng nhanh chóng quay trở lại, khi dòng tiền nâng tìm đến nhóm ngân hàng, dù lực cầu không thực sự mạnh.
Đóng cửa, sàn HOSE có 246 mã tăng và 187 mã giảm, VN-Index tăng 1,32 điểm (+0,10%), lên 1.301,51 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 891,1 triệu đơn vị, giá trị 23.073,8 tỷ đồng, tương đương về khối lượng và giảm nhẹ về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 62 triệu đơn vị, giá trị 1.770 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng về cuối phiên chỉ còn VCB, VIB, EIB giảm nhẹ, cùng TCB đứng tham chiếu, còn lại đều tăng. Trong đó, đáng kể nhất là những cái tên MBB, TPB, VPB và SHB, khi đây là bốn cổ phiếu có khối lượng giao dịch cao nhất sàn và bỏ xa phần còn lại trên bảng điện tử, khớp từ gần 39 triệu đến hơn 48,4 triệu đơn vị.
Dù vậy, mức tăng vẫn còn khiêm tốn, với TPB tăng tốt nhất cũng chỉ +2,98% lên 19.000 đồng, MBB +2% lên 23.550 đồng, SHB nhích 1,7% và VPB chỉ tăng nhẹ hơn 0,2%.
Tuy nhiên, nhóm ngân hàng vẫn là nhóm đóng góp tích lớn nhất cho VN-Index với tổng cộng hơn 2,5 điểm tích cực.
Các bluechip khác trong rổ VN30 không nhiều biến động và phân hóa, với PLX và SAB dẫn đầu đà giảm, nhưng chỉ mất 2,1% xuống 42.200 đồng và 65.600 đồng.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng không khác quá nhiều so với cuối phiên sáng và vẫn là những cái tên CTR, CCI, VDP, SGR, CMV giữ mức giá trần. Trong đó, CTR nổi bật hơn khi khớp được hơn 2,06 triệu đơn vị.
Một cổ phiếu nhà Viettel khác ngoài CTR nổi bật còn VTP khi cũng tăng tốt +3,64% lên 82.600 đồng, khớp hơn 2,56 triệu đơn vị.
Các mã tăng khác đều rải rác ở những nhóm ngành như bất động sản, xây dựng, logistics, dịch vụ, với ITC, VPH, EVE, SAV, TNH, DC4, DPG, CTF khi tăng từ 2,2% đến hơn 4,5%, cùng ICT +6,3% lên 15.150 đồng và TVS +6,5% lên 27.200 đồng.
Ở chiều ngược lại, chỉ một số ít bị chốt lời mạnh như APH -3,4% xuống 9.900 đồng, khớp 2,53 triệu đơn vị; VIP -3,8% xuống 15.250 đồng, VNL -4% xuống 15.750 đồng và HNG -5,5% xuống 4.960 đồng, khớp 5,08 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index duy trì diễn biến cuối phiên sáng, khi gần như chỉ đi ngang quanh tham chiếu và đóng cửa tăng không đáng kể.
Chốt phiên, sàn HNX có 83 mã tăng và 83 mã giảm, HNX-Index tăng 0,05 điểm (+0,02%), lên 248,36 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 73,7 triệu đơn vị, giá trị 1.562,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,7 triệu đơn vị, giá trị 154,6 tỷ đồng.
Các mã lớn gần như ít thay đổi, với SHS, PVS, HUT, PVI, VCS, BAB giảm nhẹ, trong khi IDC, MBS tăng trên dưới 1%, còn CEO, TNG đứng giá tham chiếu. Trong đó, SHS vẫn là cái tên có khối lượng khớp lệnh vượt trội với 14,1 triệu đơn vị.
Các mã nhỏ hơn đáng chú ý có CMS khi tăng trần +9,4% lên 17.400 đồng, khớp 0,97 triệu đơn vị; NRC +4,5% lên 4.900 đồng, C69 +7,1% lên 7.500 đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index nới thêm đà đi xuống và thu hẹp đà đi xuống vào cuối phiên.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,12%), lên 99,02 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 60 triệu đơn vị, giá trị 963 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1,69 triệu đơn vị, giá trị 24,8 tỷ đồng.
Cổ phiếu AAH duy trì mức tăng cao +12,7% lên 6.200 đồng, thanh khoản cao nhất UpCoM với 10,7 triệu đơn vị.
Theo sau là BSR với hơn 6 triệu đơn vị khớp lệnh và nhích nhẹ 0,9% lên 23.200 đồng.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đáo hạn gần nhất là VN30F2406 tăng 4,3 điểm, tương đương +0,32% lên 1.335 điểm, khớp lệnh hơn 204.800 đơn vị, khối lượng mở hơn 57.700 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh chiếm ưu thế lớn, với các mã thanh khoản cao nhất đều tăng, như CSHB2303 tăng gần 16% lên 220 đồng/cq, CTCB2310 tăng 1,8% lên 2.240 đồng/cq, CVPB2315 tăng 6,7% lên 320 đồng/cq, khớp lệnh đều hơn 2,6 triệu đơn vị mỗi mã.