Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cường khai thác thông tin đánh giá tín nhiệm DN và xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để tăng cho vay tín chấp. Liệu giải pháp này có hiệu quả?
Để chuẩn bị thực hiện yêu cầu này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02/2013/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức tính phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc dự phòng rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 1/6/2013.
Cụ thể, khoản 3, Điều 5 của Thông tư quy định: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm nội bộ để xếp hạng khách hàng theo định kỳ hoặc khi cần thiết, làm cơ sở cho việc xét duyệt cấp tín dụng, quản lý chất lượng tín dụng, xây dựng chính sách dự phòng rủi ro phù hợp với phạm vi hoạt động và tình hình thực tế của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.
Đây là cơ sở pháp lý để các ngân hàng thương mại cho vay tín chấp, đồng thời là giải pháp giúp DN dễ tiếp cận vốn vay hơn, bởi không phải DN nào cũng có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, việc có cho vay tín chấp dựa trên xếp hạng tín dụng hay không còn phụ thuộc vào chính sách của từng ngân hàng thương mại.
Đối với những ngân hàng có hệ thống xếp hạng tín dụng tin cậy, khai thác thêm thông tin từ CIC, kiểm soát tốt rủi ro, thì hoàn toàn có thể mở rộng cho vay tín chấp.
Mỗi năm, CIC xếp hạng tín dụng cho bao nhiêu doanh nghiệp? Tỷ lệ DN “khỏe” qua đánh giá xếp hạng của CIC hiện nay là bao nhiêu?
Hàng năm, CIC thực hiện xếp hạng tín dụng đối với khoảng 25.000 DN, chiếm 20% tổng số DN có quan hệ tín dụng với các ngân hàng. Tỷ lệ DN có kết quả khá, tốt của từng ngành, từng quy mô có những chênh lệch nhất định. Theo kết quả xếp hạng tín dụng năm 2013 của CIC, nhóm DN khỏe - tức có mức xếp hạng tín dụng từ khá, tốt (BBB) trở lên - chiếm 58%.
Thực tế, nhiều ngân hàng chưa tin vào kết quả xếp hạng tín dụng, do thông tin đầu vào phục vụ xếp hạng tín dụng (báo cáo tài chính của DN) chưa chuẩn xác, tỷ lệ báo cáo tài chính đã kiểm toán còn rất ít. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Hiện nay, khó khăn lớn nhất đối với xếp hạng tín dụng là DN chưa minh bạch trong việc lập báo cáo tài chính và tỷ lệ báo cáo tài chính của DN được kiểm toán còn thấp.
Để khắc phục tình trạng này và đảm bảo kết quả xếp hạng tín dụng được chính xác, khách quan, ngoài việc dựa vào báo cáo tài chính và thông tin do DN cung cấp, cần phải có thông tin từ những nguồn khác để so sánh. Chẳng hạn, đối chiếu báo cáo tài chính gửi từ ngân hàng thương mại với báo cáo tài chính từ Tổng cục Thống kê và Tổng cục Thuế, xem xét lịch sử quan hệ tín dụng của DN với các tổ chức tín dụng, xem xét sự thay đổi về tài chính trong quá trình hoạt động của DN.
Với DN hoạt động từ 3 năm trở lên, việc “chế biến” báo cáo tài chính dễ dàng bị phát hiện bởi số liệu không thống nhất trong các kỳ báo cáo.
Xếp hạng tín dụng là một trong những vũ khí ngăn rủi ro, ngừa nợ xấu, là căn cứ để ngân hàng cho vay. Tuy nhiên, hiện có rất ít ngân hàng Việt Nam xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ. Tình hình liệu có thay đổi không, thưa ông?
Ở Việt Nam, những năm gần đây, việc sử dụng thông tin xếp hạng tín dụng đã phổ biến hơn. Một số ngân hàng đã xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, đặc biệt từ sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 02/2013/TT-NHNN.
Tôi tin rằng, nhận thức về sự cần thiết phải xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để quản trị rủi ro không chỉ dừng lại ở một số ngân hàng như hiện nay, mà sẽ mở rộng hơn nữa. Với DN, việc “trang bị” một chỉ số xếp hạng tín dụng để tiếp cận vốn cũng sẽ phổ biến hơn. Khi đó, các DN sẽ minh bạch, chủ động hơn trong cung cấp các thông tin cần thiết cho ngân hàng, bởi đây chính là cánh cửa để DN tiếp cận vốn.