Ông Nguyễn Thanh Lâm
Nhóm cổ phiếu dầu khí, thuỷ sản thời gian qua thu hút được dòng tiền khá mạnh, điều này có tiếp tục kéo dài đến cuối năm, thưa ông?
Chúng tôi tiếp tục duy trì đánh giá cao về nhóm ngành dầu khí trong thời gian còn lại của năm 2014. Dù hầu hết các cổ phiếu trong nhóm ngành này đã tăng đáng kể trong thời gian vừa qua và hiện đang đối mặt với áp lực chốt lời lớn của nhà đầu tư, nhưng nhìn chung triển vọng trung dài hạn của nhóm ngành này vẫn rất lớn.
Các công ty chuyên ngành dầu khí, đặc biệt là các công ty được hưởng lợi trực tiếp từ việc PVN đẩy mạnh hoạt động thăm dò, khai thác sẽ vẫn là tâm điểm thu hút dòng tiền.
Bên cạnh nhóm ngành dầu khí, dòng tiền đầu cơ có thể tìm đến một số nhóm ngành khác như thủy sản và điện.
Cụ thể, với ngành thủy sản, MBKE kỳ vọng sản lượng xuất khẩu trong các tháng cuối năm sẽ cải thiện nhờ việc Nga dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu. Trong đó, 2 nhóm sản phẩm được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều là cá tra và tôm.
Hiện mức thuế chống bán phá giá POR9 (thị trường Hoa Kỳ) cao hơn đã làm nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra bị mất thị phần, do đó, việc mở cửa từ thị trường Nga sẽ giúp các doanh nghiệp này tìm được đầu ra.
Đối với tôm, dịch bệnh tôm chết sớm (EMS) lan ra ở các nước xuất khẩu hàng đầu như Thái Lan, Indonesia làm nguồn cung tôm giảm mạnh, đẩy giá tôm lên mức cao kỷ lục trong vòng 14 năm qua, điều này giúp các doanh nghiệp xuất khẩu tôm nội địa hưởng lợi rất nhiều.
Với nhóm ngành điện, việc thay đổi cơ chế tính giá bán điện theo hướng công bằng và minh bạch hơn, giúp giảm rủi ro trong quá trình đàm phán giá bán điện đối với các công ty điện cổ phần hoá.
Về nhóm ngành bất động sản, chúng tôi nhận thấy đã bắt đầu có sự ấm lên ở một số phân khúc, nhưng xét trong thời gian còn lại của năm 2014, sẽ khó có khả năng các cải thiện kịp phản ánh vào trong báo cáo tài chính của các công ty. Cơ hội đầu tư tốt nhất dành cho nhóm ngành này có thể sẽ bắt đầu trong năm sau.
Trong ngắn hạn, dòng tiền vẫn đang tập trung vào nhóm dầu khí và penny mà không phải những mã vốn hóa lớn, điều này gây ra rủi ro gì, thưa ông?
Có thể thấy thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu vốn hóa cao (không tính các cổ phiếu có liên quan đến dòng dầu khí) ghi nhận mức hoạt động yếu hơn phần còn lại của thị trường. Điều này sẽ dẫn đến rủi ro tăng điểm của thị trường kém bền vững, bởi chỉ cần một sự sụt giảm mạnh của nhóm này có thể tạo ra tác động lớn đến chỉ số chung, cũng như làm thay đổi đáng kể vốn hóa toàn thị trường.
Việc hoạt động yếu hơn của nhóm vốn hóa cao cũng là chỉ dấu cho thấy ở thời điểm hiện tại, dòng tiền đầu cơ đang “dẫn dắt” thị trường. Điểm cộng của vấn đề này là giao dịch thường sôi động hơn, nhưng điểm trừ là sẽ rất dễ khiến thị trường đối mặt với những cú sốc trong thời gian ngắn (kể cả tăng hoặc giảm), tạo ra rủi ro cho các nhà đầu tư khi tham gia giao dịch.
Theo ông, trong nửa cuối tháng 9, thị trường sẽ theo xu hướng nào?
Sau giai đoạn tăng giá mạnh kể từ cuối tháng 8, thị trường sẽ cần một khoảng thời gian nhất định để hấp thụ hết các áp lực chốt lời trong ngắn hạn đến từ dòng tiền đầu cơ, đồng thời giúp nhà đầu tư quen dần với những mặt bằng giá mới.
Về dài hạn, từ nay đến cuối năm, MBKE tin tưởng xu hướng tăng sẽ vẫn là chiều hướng chủ đạo. VN-Index đạt trên 650 điểm không phải là điều quá ngạc nhiên.
Trong những đợt IPO của DNNN sắp tới, yếu tố nào khiến các nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc khi đưa ra quyết định xuống tiền, thưa ông?
TTCK Việt Nam đã và đang là điểm đến được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm, khi mặt bằng giá vẫn còn khá thấp so với các thị trường trong khu vực.
Các thống kê của MBKE cho thấy, làn sóng nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu về TTCK Việt Nam trong thời gian qua vẫn không ngừng gia tăng, trong đó có các cuộc IPO của khối DNNN.
Dù vậy, hầu hết các nhà đầu tư đều đang cân nhắc về hiệu quả hoạt động ở các doanh nghiệp sắp IPO cũng như tiến độ thực hiện việc niêm yết sau khi cổ phần hóa, để đảm bảo khả năng thanh khoản cho những khoản đầu tư.