Ông Trần Hoàng Sơn
Đầu tuần này, VN-Index giảm điểm mạnh nhất trong 2 tháng. Ông có nhận xét gì về diễn biến này?
Phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index giảm 8,09 điểm, trong phiên có lúc giảm tới hơn 11 điểm. Về cơ bản, áp lực nguồn cung tăng mạnh khi lượng cung tích lũy tại vùng điểm cao trên 630 điểm về tài khoản đã tạo nên đợt điều chỉnh, nhất là khi vùng cản 640 điểm chưa thể vượt qua.
Thực tế, tính từ mức đáy 528,95 điểm ngày 18/5 đến gần 640 điểm ngày 15/7 thì VN-Index đã tăng hơn 100 điểm, tương đương tăng 20%, mà chưa có đợt điều chỉnh đáng kể nào. Do đó, việc NĐT đẩy mạnh bán ra chốt lời là diễn biến hợp lý. Thị trường đang ở trạng thái điều chỉnh, tương quan cung cầu nghiêng về bên bán.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn có sự suy yếu về lực cầu cũng giá cả, bao gồm nhóm cổ phiếu ngân hàng như BID, VCB, CTG, MBB, EIB; nhóm bảo hiểm như BVH, BIC; nhóm chứng khoán như SSI, HCM. Cùng với đó, nhiều cổ phiếu blue-chip trong chỉ số VN30, HNX30 cũng chững lại đà tăng và điều chỉnh giảm.
Thời gian qua, sự tăng giá mạnh của các nhóm cổ phiếu nêu trên khiến thị trường tăng điểm vượt dự báo của không ít CTCK. Hiện nay, sự suy yếu của các nhóm cổ phiếu này đang tạo ra tín hiệu điều chỉnh rõ ràng hơn đối với các chỉ số chung. Ngoài ra, động thái giảm giao dịch của khối ngoại tại sàn HOSE cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường chững lại đà tăng.
Trong ngắn hạn, kết quả kinh doanh quý II/2015 của các doanh nghiệp đang dần hé lộ và nhìn chung có xu hướng tích cực hơn so với cùng kỳ năm ngoái, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ thị trường duy trì đà tăng sau khi kết thúc đợt điều chỉnh. Khả năng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 610 - 630 điểm trước khi tiếp tục xu hướng tăng.
Kỳ vọng của NĐT nước ngoài vào TTCK Việt Nam đã thể hiện qua hành động mua ròng trong thời gian qua. Để dòng vốn này tiếp tục xu hướng mua ròng mạnh mẽ trước đó, theo ông, cần có thêm những yếu tố hỗ trợ gì?
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang duy trì tốc độ tăng trưởng khá tốt, bên cạnh đó còn các yếu tố hỗ trợ từ các hiệp định thương mại đã và sắp được ký kết, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện cần, để có thể đưa dòng vốn nước ngoài tiếp tục xu hướng mua ròng thì cần thêm điều kiện đủ đó là nhanh chóng đưa các yếu tố hỗ trợ TTCK vào thực tiễn như nới “room”, rút ngắn thời gian thanh toán từ T+3 xuống T+2, giao dịch T+0...
Trong ngắn hạn, tôi cho rằng, NĐT nước ngoài có thể giảm giao dịch vì nó mang tính chu kỳ nhiều hơn. Khả năng họ sẽ tăng cường giao dịch trở lại vào thời điểm cuối tháng 8, đầu tháng 9 khi các quy định về nới “room” được áp dụng vào thực tế.
Trong giai đoạn hiện tại, tỷ trọng danh mục của NĐT nên như thế nào?
Những phiên tới, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục giao dịch giằng co trong biên độ hẹp với diễn biến điều chỉnh lần lượt của các nhóm cổ phiếu.
Thanh khoản suy giảm đáng kể trong các phiên cuối tuần trước là tín hiệu cho thấy trạng thái điều chỉnh ngắn hạn có thể chưa kết thúc. Sự suy giảm của thanh khoản thường diễn ra trước và kéo theo sự điều chỉnh giá cổ phiếu nói riêng và các chỉ số chứng khoán nói chung.
Về cơ bản, chúng tôi cho rằng, sự điều chỉnh của thị trường hiện nay là diễn biến hợp lý sau giai đoạn liên tiếp tăng trưởng trong gần 2 tháng vừa qua.
Chiến lược giao dịch khuyến nghị khách hàng cho giai đoạn này là duy trì danh mục cân bằng giữa tiền mặt và cổ phiếu nhằm hạn chế rủi ro khi thị trường điều chỉnh. Đối với những NĐT ngắn hạn, nên cân nhắc giữ tỷ trọng cổ phiếu an toàn, giảm giao dịch ký quỹ (margin).
Đối với NĐT trung và dài hạn có thể xem xét giải ngân dần vào các cổ phiếu blue-chip đầu ngành và một số cổ phiếu vốn hóa lớn, có kết quả kinh doanh khả quan trong các phiên thị trường giảm điểm.
Có thể xem xét mua vào các cổ phiếu vốn hóa lớn đã có sự điều chỉnh phù hợp như nhóm ngân hàng (BID, VCB, CTG, MBB, EIB), chứng khoán (SSI, HCM, SHS, VND), bất động sản (DXG, CEO, DIG, HBC, CII), các cổ phiếu blue-chip trong chỉ số VN30, HNX30. Đây đều là các cổ phiếu có thanh khoản cao, biến động giá phù hợp với xu thế chung.