Nhóm cổ phiếu thủy sản và dệt may ngược dòng tỏa sáng

Nhóm cổ phiếu thủy sản và dệt may ngược dòng tỏa sáng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi thị trường quay đầu điều chỉnh bởi sức ép gia tăng đến từ nhóm cổ phiếu bluechip, thì các nhóm cổ phiếu thủy sản và dệt may đã ngược dòng thành công và đua nhau tỏa sáng.

Mặc dù được xác nhận là phiên tăng điểm mạnh nhất trong hơn 5 tháng qua, nhưng với điểm tựa chính đến từ nhóm vốn hóa lớn cùng dòng tiền tham gia vào thị trường khá thận trọng, khiến thị trường nhanh chóng quay đầu khi số đông các mã này “trở mặt”.

Thị trường chỉ kịp le lói sắc xanh nhạt trong thời gian khá ngắn trong nửa đầu phiên sáng rồi nhanh chóng đảo chiều giảm. Đà giảm ngày càng nới rộng hơn về cuối phiên khiến VN-Index tạm khép lại phiên sáng ở vùng giá thấp nhất. Trong đó, những tên tuổi như VHM, VCB, BID, CTG… là nhân tố chính tạo sức ép lớn cho thị trường.

Bước sang phiên giao dịch chiều, dù thị trường có nỗ lực bật hồi nhưng VN-Index chỉ tiệm cận mốc tham chiếu rồi nhanh chóng thoái lui do áp lực bán thường trực. Chỉ số chung đóng cửa vẫn giữ được mốc 1.180 điểm với thanh khoản cải thiện.

Điểm đáng chú ý chính là dòng tiền vẫn luân chuyển qua các nhóm ngành và trong phiên hôm nay, đó là sự tỏa sáng của nhóm cổ phiếu thủy sản và dệt may. Đi ngược xu hướng chung của thị trường, các cổ phiếu trong nhóm này đã có mức tăng khá ấn tượng cùng thanh khoản sôi động.

Ở nhóm cổ phiếu thủy sản, cặp đôi IDI và ACL vẫn giữ vững đà tăng trần, với IDI khớp lệnh sôi động gần 3,7 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 1,95 triệu đơn vị. Ngoài ra, các mã khác như ANV tăng 4,8%, ASM tăng 4,4%, CMX tăng 3,9%, VHC tăng 3,2%...

Trong khi đó, tại nhóm dệt may, hàng loạt mã niêm yết trên sàn HNX và đăng ký giao dịch trên UPCoM đua nhau tăng vọt như TTG, VDN, MPT, NPS đều tăng kịch trần với biên độ hơn 13-14%, cổ phiếu TNG tăng ấn tượng 5,56% lên mức giá cao nhất ngày 19.000 đồng/CP; còn trên sàn HOSE, cặp đôi GIL và GMC lần lượt tăng gần 3% và 1,84%.

Tuy nhiên, sôi động nhất trên thị trường vẫn là các cổ phiếu đến từ nhóm chứng khoán và bất động sản với 8/10 mã thuộc các nhóm này dẫn đầu thanh khoản. Trong đó, cặp đôi có mức thanh khoản lớn nhất là VND và VIX đều đóng cửa tăng hơn 2%, với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 50,31 triệu đơn vị và 42,44 triệu đơn vị. Các mã khác như DXG, NVL, VCG, SSI, DIG đều có thanh khoản 30-40 triệu đơn vị.

Ngoài 2 điểm sáng trên, các cổ phiếu còn lại trong nhóm chứng khoán giao dịch khá phân hóa với mức tăng giảm chủ yếu trên dưới 1%, tuy nhiên nhờ sự khởi sắc ở các mã trong top đầu như SSI, HCM, FTS, VND nên nhóm cổ phiếu này vẫn duy trì được đà tăng nhẹ trong phiên điều chỉnh ngày cuối tuần.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, cặp đôi lớn VIC và VHM lần lượt giảm hơn 1% và 2,35%, ngoài ra NVL, VCG, LCG cùng giảm hơn 2%; trong khi đó, DXG có thời điểm áp sát mức giá trần và đóng cửa vẫn giữ được đà tăng khá tốt 4% lên mức 21.000 đồng/CP, còn DIG chỉ tăng nhẹ 0,4% sau phiên tăng trần hôm qua.

Nhóm ngân hàng vẫn chưa tìm được sự cân bằng, ngoại trừ các mã như EIB, HDB, LPB, TPB xanh nhạt, còn lại đều điều chỉnh, trong đó VCB vẫn chi phối mạnh nhất tới chỉ số chung khi đóng cửa giảm gần 1%, bên cạnh CTG giảm 1,89% và BID giảm 1,31%.

Bên cạnh áp lực bán vẫn chiếm ưu thế, sự thiếu đồng thuận của dòng bank và các mã vốn hóa lớn khác như VHM, HPG, VRE, BVH…, đã khiến thị trường khó tránh được phiên mất điểm.

Chốt phiên, sàn HOSE có 173 mã tăng 331 mã giảm, VN-Index giảm 6,02 điểm (-0,51%) xuống 1.183,37 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 893,34 triệu đơn vị, giá trị 20.354,29 tỷ đồng, tăng 4,91% về khối lượng và 10,07% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 81 triệu đơn vị, giá trị 1.846 tỷ đồng.

Nhóm VN30 cũng ghi nhận sắc đỏ chiếm ưu thế với 23 mã giảm và 7 mã tăng, kết phiên HNX30-Index giảm 7,95 điểm xuống 1.193,93 điểm.

Trên sàn HNX, thị trường tiếp tục rung lắc và liên tục đổi sắc trong phiên chiều.

Chốt phiên, sàn HNX có 78 mã tăng và 95 mã giảm, HNX-Index giảm 0,32 điểm (-0,13%) xuống 242,9 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 94,82 triệu đơn vị, giá trị 1.769,86 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 3,25 triệu đơn vị, giá trị 47,88 tỷ đồng.

Cặp đôi có thanh khoản lớn nhất sàn HNX là SHS và CEO lần lượt đạt 22,88 triệu đơn vị và 18,21 triệu đơn vị, đều đóng cửa tại mốc tham chiếu.

Trong khi các mã đáng chú ý khác là HUT và IDC thu hẹp biên độ và đóng cửa chỉ còn tăng nhẹ, thanh khoản đều đều một vài triệu đơn vị.

Điểm sáng thuộc về nhóm cổ phiếu dệt may là TNG với mức tăng khá tốt 5,6%, là cổ phiếu tăng tốt nhất trong nhóm HNX30, đồng thời thanh khoản của mã này cũng vượt trội trong tuần này, đạt hơn 1,9 triệu đơn vị.

Đứng ở vị trí tiếp theo trong rổ bluechip là TAR tăng 4,3% và đóng cửa tại mức giá 19.200 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh gần 2,5 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường duy trì đà tăng nhẹ trong suốt cả phiên chiều.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,16 điểm (+0,18%), lên 91,01 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 57,13 triệu đơn vị, giá trị 622,33 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,43 triệu đơn vị, giá trị 73,97 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn giữ mức tăng 1,6%, đóng cửa đứng tại mức giá 18.600 đồng/CP, thanh khoản tiếp tục dẫn đầu thị trường với 6,69 triệu đơn vị khớp lệnh.

Đứng ở vị trí tiếp theo là C4G khớp 4,86 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,1% lên 14.800 đồng/CP và PVX khớp 4,15 triệu đơn vị, đóng cửa đứng tại mốc tham chiếu 3.100 đồng/CP.

Cũng như sàn niêm yết, cổ phiếu nhóm mía đường trên UPCoM giảm nhiệt với QNS đảo chiều giảm nhẹ 0,8%; trong khi đó cổ phiếu dệt may khởi sắc với VDN và TTG tăng trần, VGT tăng 3,4%.

Trên thị trường phái sinh, cả bốn hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều đảo chiều giảm, với VN30F2309 giảm 3,5 điểm, tương đương -0,3% xuống 1.194,5 điểm, khớp lệnh đạt hơn 263.940 đơn vị, khối lượng mở đạt 54.787 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm áp đảo, tuy nhiên dẫn đầu thanh khoản là CVIC2307 khớp 2,82 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,5% lên 1.330 đồng/cq và CVPB2212 khớp 2,81 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 100% lên 20 đồng/cq.

Tin bài liên quan