Nhiều ý kiến cho rằng, xác suất rất cao Fed sẽ tiến hành nâng lãi suất trong phiên họp diễn ra ngày 13 – 14/12 sắp tới. Tuy nhiên, theo các thành viên thị trường, diễn biến này ít nhiều đã tác động tới diễn biến thị trường trong thời gian qua. Ông có nhận định gì về điều này?
Thực tế, xác suất Fed sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp giữa tháng 12 đã tăng lên mức cao ngay từ khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ và thực tế đã tác động tới thị trường chứng khoán từ thời điểm đó với việc khối ngoại liên tiếp bán ròng trên sàn HOSE, tập trung vào nhóm blue chip như VNM, HPG, BID, VCB, CTG, SSI...
Điều này đã khiến chỉ số VN-Index giảm xuống mốc thấp nhất kể từ tháng 8/2016 tại 650 điểm trong những ngày đầu tháng 12 vừa qua. Chỉ số VN30 thậm chí đã rơi qua mức hỗ trợ mạnh của đường trung bình động MA200 tại 625 điểm để bước vào thị trường con gấu (bear market).
Các quỹ ETF lớn như MVIS hay FTSE liên tục nằm ở trạng thái khấu trừ (discount) và bị rút ròng chứng chỉ quỹ. Không chỉ bán ròng đối với thị trường cổ phiếu, khối ngoại còn rút ròng hơn 4.000 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu. Việc rút ròng của khối ngoại đã tạo áp lực nhất định lên tỷ giá USD/VND.
Ông Vũ Minh Đức
Ngoài quyết định của Fed thì hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ ETF cũng đang thu hút sự chú ý, khi mà khối ngoại liên tiếp có những phiên bán ròng. Theo ông, điều này tác động tới thị trường như thế nào?
Không tính tới việc MVIS sẽ giảm tỷ trọng cổ phiếu ở Việt Nam (kết quả sẽ công bố vào cuối tuần này), việc cơ cấu danh mục quỹ ETF không dẫn đến việc bán ròng trên thị trường vì nguyên tắc cân bằng danh mục tại các quỹ là hạ tỷ trọng ở cổ phiếu này thì sẽ tăng tỷ trọng hoặc mua bổ sung ở những cổ phiếu khác.
Các quỹ ETF chỉ bán ròng trên thị trường trong trường hợp bị nhà đầu tư rút chứng chỉ quỹ và điều này thực tế đã diễn ra trong giai đoạn vừa qua. Tính từ đầu tháng 11 đến nay, quỹ MVIS bị rút ròng 1,9 triệu chứng chỉ quỹ (khoảng 26 triệu USD), trong khi FTSE cũng bị rút ròng 1,2 triệu chứng chỉ quỹ (khoảng 27 triệu USD).
Thị trường đang có diễn biến mang tính tích lũy nhiều hơn. Ông nhìn nhận như thế nào về xu hướng từ nay đến cuối năm?
Thực ra, thị trường đang có xu hướng đi xuống trong ngắn hạn, với đà bán ròng rất mạnh của khối ngoại. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, khá nhiều cổ phiếu thị giá thấp như HQC, ITA, DLG, HAR, HHS... bị bán xuống mạnh cho thấy, tâm lý đầu cơ của thị trường khá tiêu cực.
Việc chỉ số VN-Index gần như vẫn giữ được xu hướng đi ngang là do tác động từ việc cố phiếu SAB (Sabeco), cổ phiếu có mức vốn hóa lớn thứ 5 trên thị trường tăng trần liên tiếp. SAB niêm yết với mức giá khá thấp 110.000 đồng/cổ phiếu so với mức giá 160.000 đồng/cổ phiếu giao dịch trên thị trường OTC đã tạo hiệu ứng tăng cho cổ phiếu này, mặc dù ở mức giá hiện tại, định giá SAB không còn rẻ. Trước SAB, đó là hiện tượng của cổ phiếu ROS.
Với những nhận định như trên, từ nay đến cuối năm, cổ phiếu ngành nào sẽ có nhiều cơ hội, theo ông?
Trước đó, chúng tôi đã đưa ra dự báo chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục biến động trong biên độ 660-690 điểm trong tháng 12 này. Tuy nhiên, trước những diễn biến hiện tại, chúng tôi điều chỉnh lại dự báo là chỉ số VN-Index có thể sẽ biến động trong biên độ từ 640-670 điểm.
Nhóm cổ phiếu ngành sữa, rượu bia, nước giải khát nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục được nhà đầu tư chú ý. Tuy nhiên, việc chọn điểm mua, bán hợp lý sẽ góp phần quan trọng trong việc tối ưu hóa lợi nhuận của nhà đầu tư.