Nhóm cổ phiếu công nghệ đã giúp giới đầu tư kiếm lời gần 40% từ đầu năm

Nhóm cổ phiếu công nghệ đã giúp giới đầu tư kiếm lời gần 40% từ đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ tăng vào thứ Ba (25/7) nhờ kỳ vọng tăng cao của các nhà đầu tư đối với báo cáo lợi nhuận từ các công ty công nghệ megacap như Alphabet (Google) và Microsoft, trong bối cảnh có dấu hiệu phục hồi kinh tế.

Những gã khổng lồ công nghệ Mỹ dự kiến sẽ báo hiệu sự chấm dứt trong việc chậm lại về hoạt động kinh doanh, vốn kéo dài gần một năm qua, khi chi tiêu công nghệ và quảng cáo kỹ thuật số có khả năng hồi phục.

Kết quả kinh doanh từ Google và Microsoft sẽ đến sau khi hết giờ giao dịch và hai cổ phiếu này đóng cửa lần lượt tăng 0,56% và 1,7%.

Cả Google và Microsoft đều đã tung ra một loạt sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) kể từ khi OpenAI - công ty được Microsoft hậu thuẫn trình làng ChatGPT vào cuối năm 2022. Giới đầu tư kỳ vọng các sản phẩm mới này sẽ giúp hai gã khổng lồ ngành công nghệ này bù đắp lại sự giảm tốc ở mảng kinh doanh dịch vụ đám mây.

Niềm đam mê của nhà đầu tư với trí tuệ nhân tạo là một ảnh hưởng tích cực đối với các công ty công nghệ megacap, Steve Sosnick - chiến lược gia trưởng tại Interactive Brokers cho biết.

Chỉ số Nasdaq Composite, vốn có tỷ trọng lớn về cổ phiếu công nghệ đã tăng gần 35,2% trong năm nay, được hỗ trợ bởi mức tăng lớn của các công ty tăng trưởng megacap nhạy cảm với lãi suất, do sự lạc quan về ngành trí tuệ nhân tạo và hy vọng chấm dứt chu kỳ thắt chặt của Fed.

"Cổ phiếu công nghệ bị bán tháo khủng khiếp vào năm 2022, vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhóm này đã trở lại mạnh mẽ như vậy, bởi vì các nhà đầu tư tin rằng Fed đã hoặc sắp hoàn thành chu kỳ thắt chặt và đó là tất cả những gì thị trường muốn", M. Jake Dollarhide, Giám đốc điều hành tại Longbow Asset Management cho biết.

Bên cạnh đó, thị trường cũng tích cực hơn nhờ một cuộc khảo sát cho thấy niềm tin của người tiêu dùng tại Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 2 năm vào tháng 7.

Dù vậy, sự thận trọng không phải là không có khi Fed có thể tăng lãi suất thêm 0,25% trong cuộc họp ngày thứ Tư.

Kết thúc phiên 25/7: Chỉ số Dow Jones tăng 26,83 điểm (+0,07%), lên 35.438,07 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 12,82 điểm (+0,28%), lên 4.567,46 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 85,69 điểm (+0,61%), lên 14.144,56 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng vào thứ Ba với các công ty khai thác ghi nhận ngày tốt nhất trong hơn 8 tháng, sau khi Trung Quốc cam kết hỗ trợ nhiều hơn cho nền kinh tế đang chậm lại.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,47% lên 467,89 điểm, đánh dấu phiên thứ sáu liên tiếp trong sắc xanh.

Nhóm cổ phiếu khai khác mỏ tăng 4,24% để dẫn đầu đà tăng ở châu Âu, khi giá kim loại tăng nhanh, với hy vọng nhu cầu cải thiện sau khi nước tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc cam kết đẩy mạnh hỗ trợ chính sách cho nền kinh tế.

"Các biện pháp kích thích ban đầu của Trung Quốc được coi là rất nhỏ, vì vậy, bất kỳ sự tăng tốc trong các gói kích thích nào của Trung Quốc sẽ được coi là chất xúc tác tiềm năng cho tăng trưởng toàn cầu", Steve Sosnick, chiến lược gia trưởng tại Interactive Brokers cho biết.

Tuy nhiên, tâm trạng thận trọng đã chiếm ưu thế trên thị trường toàn cầu khi các nhà đầu tư chờ đợi các quyết định chính sách tiền tệ từ Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào cuối tuần này, với cả hai ngân hàng dự kiến sẽ đưa ra mức tăng 0,25%.

Dù vậy, chứng khoán châu Âu vẫn đang đứng vững ở mức cao nhất trong năm tuần, khi hy vọng Fed tạm dừng tăng lãi suất đã bù đắp những lo ngại về mùa báo cáo kết quả kinh doanh cũng như nền kinh tế khu vực đồng euro chậm lại.

Các nhà phân tích dự kiến lợi nhuận quý II tại các công ty STOXX 600 sẽ giảm 8,1%, theo ước tính của Refintiv IBES, có phần tiêu cực hơn so với dự báo giảm 4,1% vào đầu quý II.

Kết thúc phiên 25/7: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 13,21 điểm (+0,17%), lên 7.691,80 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 20,64 điểm (+0,13%), lên 16.211,59 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 11,86 điểm (-0,11%), xuống 7.415,45 điểm.

Giá dầu thô tiếp tục tăng nguồn cung thắt chặt hơn và cam kết của chính quyền Trung Quốc nhằm củng cố nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Kết thúc phiên 25/7, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 0,89 USD/thùng (+1,2%), lên 79,63 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,9 USD/thùng (+1,09%), lên 83,64 USD/thùng.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm, với các cổ phiếu công nghệ nặng ký dẫn đầu mức đà đi xuống, do thận trọng trước các quyết định lãi suất từ các ngân hàng trung ương toàn cầu quan trọng, bao gồm cả Nhật Bản.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,06% xuống 32.682,51 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,18% lên 2.285,38 điểm.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ có cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày bắt đầu vào thứ Năm, dự kiến sẽ giữ nguyên chính sách lãi suất cực thấp.

Nhưng các nhà đầu tư nhớ một sự điều chỉnh đáng ngạc nhiên trong chính sách kiểm soát đường cong lợi suất vào tháng 10, khi BOJ mở rộng biên độ giao dịch của lợi suất trái phiếu kỳ hạn chuẩn 10 năm.

Ngoài chờ đợi quyết định của BOJ, thì giới đầu tư cũng xem xét cuộc họp của Fed, dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% vào thứ Tư.

Chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh, sau khi các nhà lãnh đạo hàng đầu của nước này cam kết sẽ triển khai hỗ trợ chính sách hơn nữa để củng cố sự phục hồi kinh tế.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 2,13% lên 3.231,51 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 2,89% lên 3.915,12 điểm.

Đồng nhân dân tệ đã tăng lên mức cao nhất gần hai tuần so với đồng USD, với sự hỗ trợ bổ sung từ động thái bán đồng bạc xanh và mua đồng tiền nội tệ của các ngân hàng quốc doanh vào thứ Ba.

Bắc Kinh sẽ tăng cường hỗ trợ chính sách kinh tế để tập trung vào việc mở rộng nhu cầu trong nước, thúc đẩy niềm tin và ngăn ngừa rủi ro, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã dẫn lời Bộ Chính trị nước này cho biết.

Những lời hứa hỗ trợ phục hồi kinh tế được đưa ra một tuần sau khi dữ liệu cho thấy tăng trưởng của Trung Quốc mất đà trong quý II, do nhu cầu suy yếu trong và ngoài nước.

Chứng khoán Hồng Kông tăng vọt với nhóm cổ phiếu công nghệ và bất động sản, sau những phát biểu của lãnh đạo Trung Quốc.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 4,1% lên 19.434,40 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 5,31% lên 6.604,20 điểm.

Các gã khổng lồ công nghệ niêm yết tại Hồng Kông tăng 6%, trong khi các nhà phát triển bất động sản Đại lục tăng 14,1%. Sau khi Trung Quốc cho biết họ sẽ điều chỉnh và tối ưu hóa chính sách bất động sản một cách kịp thời, để đáp ứng với "những thay đổi đáng kể" trong mối quan hệ cung và cầu trên thị trường bất động sản.

Goldman Sachs hy vọng chính quyền Trung Quốc sẽ triển khai kết hợp các biện pháp hỗ trợ tiền tệ, tài khóa, bất động sản và tiêu dùng trong vài tháng tới.

Dòng tiền nước ngoài chảy với tốc độ nhanh, với việc nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 19 tỷ nhân dân tệ (2,66 tỷ USD) cổ phiếu Trung Quốc thông qua Stock Connect trong ngày, ghi nhận dòng vốn một ngày lớn nhất kể từ tháng 12/2021. Từ đầu tuần đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 13,8 tỷ nhân dân tệ cổ phiếu Trung Quốc.

Các lĩnh vực khác, bao gồm hàng tiêu dùng thiết yếu, tài chính, ô tô và năng lượng mới, tăng từ 2,2% đến 4,5%.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, nhưng hoạt động kém hiệu quả hơn ở châu Á khi dữ liệu tăng trưởng kinh tế cung cấp các tín hiệu chia rẽ, trong khi các nhà đầu tư chờ đợi báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lớn và quyết định lãi suất của Fed vào cuối tuần này.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI đóng cửa tăng 7,93 điểm, tương đương 0,3% lên 2.636,46 điểm.

Các thị trường châu Á rộng lớn hơn tăng điểm nhờ hy vọng kích thích kinh tế ở Trung Quốc. Chỉ số chứng khoán MSCI châu Á - Thái Bình Dương, không bao gồm Nhật Bản, tăng gần 2%.

Nền kinh tế Hàn Quốc tăng tốc nhanh hơn một chút so với dự báo trong quý II, được nâng đỡ bởi những cải thiện trong thương mại, mặc dù chi tiêu tiêu dùng và kinh doanh suy giảm.

Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng số cổ phiếu trị giá 1,36 nghìn tỷ won (1,07 tỷ USD), phiên bán tháo mạnh nhất kể từ ngày 27/1/2022, với phần lớn đến từ 1,32 nghìn tỷ won từ bán cổ phiếu POSCO Holdings.

Cổ phiếu nhà sản xuất thép POSCO Holdings tăng 2,49%, sau khi giảm tới gần 30% trong hai phiên gần nhất.

Kết thúc phiên 25/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 18,43 điểm (-0,05%), xuống 32.682,51 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 67,32 điểm (+2,13%), lên 3.231,52 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 766,25 điểm (+4,10%), lên 19.434,40 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 7,93 điểm (+0,30%), lên 2.636,46 điểm.

Tin bài liên quan