Nhóm cổ phiếu chứng khoán dậy sóng, đua nhau lập đỉnh mới

Nhóm cổ phiếu chứng khoán dậy sóng, đua nhau lập đỉnh mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lực cầu gia tăng mạnh trong phiên chiều đã giúp thị trường tăng tốc, chỉ số VN-Index vượt xa ngưỡng 1.210 điểm. Trong đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán là tâm điểm với hàng loạt mã tăng kịch trần và đua nhau lập đỉnh mới trong năm nay.

Tâm lý kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh 2/9 kéo dài đang cận kề khiến giao dịch trở nên trầm lắng hơn, thanh khoản phiên sáng 30/8 giảm mạnh cùng diễn biến thị trường chung phân hóa. Nhóm cổ phiếu ngân hàng dù khá mong manh nhưng là điểm tựa giúp thị trường “cầm cự” sắc xanh trước áp lực bán có chút gia tăng về cuối phiên.

Lực bán tiếp tục dâng cao khi thị trường bước vào phiên giao dịch chiều đã khiến VN-Index biến động giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng hơn 20 phút mở cửa rung lắc, thị trường đã bật hồi và tịnh tiến tăng trong suốt thời gian còn lại của phiên giao dịch.

Chỉ số VN-Index chính thức vượt thành công ngưỡng 1.210 điểm và đóng cửa tại vùng giá cao nhất ngày nhờ lực cầu tham gia sôi động. Trong đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán là tâm điểm đáng chú ý của thị trường.

Dòng tiền chảy mạnh đã tiếp sức cho cuộc chạy đua của các cổ phiếu chứng khoán, giúp nhiều mã kéo trần thành công cùng hàng loạt mã xác lập mức giá cao nhất trong năm. Cụ thể, BSI, FTS, HCM, CTS đều đóng cửa tại mức giá trần và cũng là mức giá cao nhất trong năm nay của các cổ phiếu, trong đó HCM khớp lệnh tới gần 13,8 triệu đơn vị, còn FTS dư mua trần hơn 1,37 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, ORS tăng 6,1%, VND tăng 4,9% lên mức giá cao nhất ngày 23.500 đồng/CP và khớp lệnh tới 34,46 triệu đơn vị, AGR tăng 4,8%, VIX tăng 3,7% lên mức 19.450 đồng/CP và khớp xấp xỉ 38 triệu đơn vị, VCI và VDS cùng tăng 3,5%...

Chốt phiên, sàn HOSE có 320 mã tăng và 167 mã giảm, VN-Index tăng 8,73 điểm (+0,72%), lên 1.213,16 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 912 triệu đơn vị, giá trị 20.910,37 tỷ đồng, giảm 7,96% về khối lượng và 4,94% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 47,44 triệu đơn vị, giá trị 1.258,37 tỷ đồng.

Với diễn biến khởi sắc của các cổ phiếu chứng khoán khi không có mã nào có mức tăng dưới 3%, đây là nhóm tăng tốt nhất thị trường.

Tuy nhiên, đóng góp chính vào mức tăng của chỉ số chung lại là các cổ phiếu ngân hàng với bộ 3 lớn gồm CTG đóng góp hơn 1 điểm, VCB đóng góp gần 1 điểm và BID là hơn 0,5 điểm.

Kết phiên, trong dòng bank chỉ còn VPB và SSB giảm nhẹ chưa tới 1%, cùng SHB đứng giá tham chiếu, còn lại đều khởi sắc, với STB, TPB, OCB, CTG đều tăng hơn 2%. Trong đó, STB vẫn là mã giao dịch sôi động nhất ngành với 27,24 triệu đơn vị khớp lệnh; tiếp theo là TPB khớp xấp xỉ 22 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm bất động sản vẫn là một trong 4 nhóm đi ngược xu hướng chung của thị trường dù mức giảm chưa đến 0,5%. Trong đó, VIC dù thoát được mức giá thấp nhất ngày nhưng vẫn giảm khá sâu và là gánh nặng chính khi để mất 2,2%, kết phiên đứng tại mức giá 62.000 đồng/CP với thanh khoản sôi động, đạt hơn 24,55 triệu đơn vị.

Cổ phiếu NVL tiếp tục dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 67,19 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng kết phiên vẫn không thoát khỏi sắc đỏ do áp lực khá lớn. Cụ thể, NVL đóng cửa giảm 1,5% xuống mức 20.050 đồng/CP.

Trong khi đó, các mã nóng bất động sản khác như DIG tăng 2,9%, CII tăng 3,7%, DXG tăng 1,1% với thanh khoản lần lượt đạt hơn 30 triệu đơn vị và cùng đạt hơn 18,5 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường cũng đảo chiều hồi phục và nới rộng biên độ tăng hơn trong nửa cuối phiên.

Đóng cửa, sàn HNX có 90 mã tăng và 84 mã giảm, HNX-Index tăng 1,48 điểm (+0,6%), lên 247,96 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 95,31 triệu đơn vị, giá trị 1.845,86 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,65 triệu đơn vị, giá trị 156,61 tỷ đồng.

Nhóm chứng khoán trên sàn HNX cũng nổi sóng lớn. Trong đó, SHS lấy lại sắc xanh và đóng cửa tăng khá tốt 4,5% lên mức 18.500 đồng/CP và vẫn là mã có thanh khoản lớn nhất thị trường, đạt 22,72 triệu đơn vị.

Các mã khác trong ngành như MBS tăng 5,2% lên mức 20.100 đồng/CP và khớp lệnh hơn 6,87 triệu đơn vị, APS tăng 2,2% lên 9.300 đồng/CP và khớp 2,96 triệu đơn vị, VIG tăng 3,7%, BVS tăng 3,3%, EVS tăng 5,9%, PSI tăng 4,6%... Đặc biệt là VFS tăng kịch trần lên mức 28.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 0,96 triệu đơn vị và dư mua trần 24.600 đơn vị.

Trong khi đó, các mã bất động sản không mấy khả quan với CEO đóng cửa giảm 1,2% xuống mức 25.300 đồng/CP và khớp lệnh 15,12 triệu đơn vị, IDJ giảm 1,4% xuống 7.300 đồng/CP, API và MBG đứng giá tham chiếu…

Trên UPCoM, cùng diễn biến chung với thị trường niêm yết, UPCoM-Index đã đảo chiều bật tăng trở lại.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,32 điểm (+0,35%), lên 92,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 38,7 triệu đơn vị, giá trị 550,96 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,88 triệu đơn vị, giá trị 18,18 tỷ đồng.

Các cổ phiếu chứng khoán trên UPCoM cũng đồng loạt tăng mạnh cả về giá và thanh khoản. Trong đó, SBS sôi động nhất thị trường với hơn 6,33 triệu đơn vị giao dịch thành công và kết phiên tăng 4,7% lên mức 8.900 đồng/CP; AAS và TCI cùng đóng cửa tăng hơn 4% và đều khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu khác cũng giao dịch khởi sắc hơn như BSR tăng 1%, C4G tăng 2,2%, VTP tăng 4,5%, OIL tăng 1%...

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng tốt, trong đó VN30F2309 tăng 12,4 điểm, tương đương +1% lên 1.224,2 điểm, khớp lệnh có gần 215.430 đơn vị, khối lượng mở đạt hơn 46.590 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng chiếm áp đảo, nhưng CVIC2307 dẫn đầu thanh khoản với hơn 4 triệu đơn vị khớp lệnh lại đóng cửa giảm 6,3% xuống mức 1.340 đồng/cq.

Tiếp theo đó là CFPT2306 khớp hơn 3,51 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 15% lên 2.760 đồng/cq.

Tin bài liên quan