Thủ tướng lắng nghe…
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lần dở tập tài liệu đã ố vàng. Ông muốn tìm lại dấu ấn cuộc gặp đầu tiên giữa Thủ tướng Phan Văn Khải với cộng đồng doanh nghiệp vào đầu năm 1998.
Đó là Chỉ thị 16/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, ban hành ngày 31/3/1998.
“Nếu chỉ đọc nội dung, ít ai nghĩ rằng, đây là văn bản được ban hành 20 năm trước”, ông Lộc trầm ngâm đọc lại dòng chữ được đánh dấu từ rất lâu: “Các bộ, tổng cục phải chủ động xử lý những vấn đề thuộc quyền hạn trách nhiệm của mình. Đối với những vấn đề thuộc quy định liên ngành, thủ trưởng các ngành có liên quan phối hợp giải quyết với tinh thần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tránh vì lợi ích cục bộ, riêng tư mà không đáp ứng đòi hỏi hợp lý của doanh nghiệp...”.
Tháng 9/1997, Thủ tướng Phan Văn Khải nhậm chức. Thời điểm đó, cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế khu vực và châu Á bắt đầu lan rộng. Dù kinh tế Việt Nam còn khá khép kín, nhưng chịu tác động không hề nhỏ. Động lực tăng trưởng trước đó là khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm, nhiều dự án lâm vào trạng thái dở dang. Khu vực doanh nghiệp nhà nước đang vào giai đoạn cổ phần hóa mạnh mẽ, sau giai đoạn thí điểm 1992 - 1996. Doanh nghiệp tư nhân trong nước non nớt, quy mô nhỏ... Kinh tế Việt Nam có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.
Đầu năm 1998, Thủ tướng Phan Văn Khai yêu cầu tổ chức các cuộc gặp với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.
“Tôi khi đó là Tổng thư ký VCCI, được giao nhiệm vụ tổng hợp tình hình doanh nghiệp để báo cáo. Tôi vẫn nhớ, Thủ tướng rất chăm chú lắng nghe, sau đó hỏi nhiều về những khúc mắc trong thủ tục thuế, hải quan, giấy phép kinh doanh... Có doanh nhân đã khóc khi kể khổ và cũng đã khóc khi nghe Thủ tướng nói về sự hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp. Trước đó, dù có Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty, nhưng khung khổ pháp lý khá sơ sài, doanh nghiệp làm gì cũng phải xin, khó khăn, tốn kém”, ông Lộc nhớ lại.
Chính điều đó khiến Chỉ thị 16/1998/CT-TTg, liệt kê đầy đủ các khúc mắc của doanh nghiệp cùng giải pháp cụ thể được giao tới từng bộ, ngành, làm nức lòng giới kinh doanh.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu quy định thành lập doanh nghiệp theo hướng người dân muốn hành nghề chỉ cần đăng ký kinh doanh, không phải xin phép; nghiên cứu quy định cấm cơ quan công quyền lập tổ chức kinh doanh dịch vụ về các thủ tục và nội dung thuộc những lĩnh vực mà cơ quan đó có thẩm quyền giải quyết, như về đất đai, xây dựng, đầu tư...
Bộ Thương mại, nay là Bộ Công thương, được giao xem xét, bãi bỏ giấy phép xuất khẩu với phần lớn hàng hóa; đơn giản hóa thủ tục xuất khẩu, đổi mới cơ chế cấp hạn ngạch; kiểm tra và xử lý kịp thời trường hợp gây phiền hà trong cấp phép xuất nhập khẩu, tiêu cực trong phân bổ hạn ngạch…
Bộ Tài chính được yêu cầu hướng dẫn các mức thuế để tránh vận dụng tùy tiện... Tổng cục Hải quan được yêu cầu kiên quyết cho ra khỏi ngành những cán bộ có hành động nhũng nhiễu doanh nghiệp...
Thủ tướng giao Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tư pháp, Thanh tra Nhà nước, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao phân biệt cụ thể phạm vi tranh chấp kinh tế với quan hệ hình sự; phân định rõ vi phạm về hành chính kinh tế với vi phạm hình sự…
Đặc biệt, từ chỉ thị này, Thủ tướng Phan Văn Khải yêu cầu tổ chức cuộc gặp thường xuyên của Thủ tướng Chính phủ với đại diện các doanh nghiệp.
“Chưa bao giờ doanh nghiệp tư nhân cảm nhận được vị thế của mình trong nền kinh tế rõ ràng như vậy. Niềm tin kinh doanh được nâng lên cao”, ông Lộc nhớ lại.
Kể từ đây, mỗi năm, trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải, cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi cuộc gặp với người đứng đầu Chính phủ.
Cuộc đấu tranh tư duy quản lý nhà nước
Ông Nguyễn Thái Sơn, nguyên chuyên viên cao cấp thuộc Vụ Kiểm tra quyết định (Văn phòng Chính phủ) vẫn giữ bản sao những tờ trình đầu tiên về hiện trạng điều kiện kinh doanh đủ hình thức mà ông đã tổng hợp, báo cáo lãnh đạo để trình Thủ tướng Phan Văn Khải cách đây 20 năm.
Hóa ra, cuộc chiến với giấy phép con, mà kết quả hay được nhắc tới là Quyết định số 19/2000/QĐ-TTg bãi bỏ 84 loại giấy phép, đã được Thủ tướng Phan Văn Khải khởi động trước đó rất sớm.
Ông Sơn kể, khi các cuộc Thủ tướng gặp doanh nghiệp diễn ra, bất cập của điều kiện kinh doanh được nêu lên, nhưng chỉ là doanh nghiệp kêu ca, các cơ quan quản lý nói không có. Hồi đó, Vụ Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận được nhiều ý kiến của doanh nghiệp, mà người thụ lý là ông Cao Bá Khoát.
“Cùng được giao theo dõi việc này, chúng tôi rất bức xúc, quyết định báo cáo tình trạng trên. Ngay tháng 10/1998, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn 1247/1998/CP-KTQĐ, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, soát xét các thủ tục cấp giấy phép hành nghề để bãi bỏ những quy định không phù hợp…”, ông Sơn nhớ lại.
Nhờ Công văn 1247/1998/CP-KTQĐ, các chuyên viên Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới được các địa phương, bộ, ngành tiếp, bắt đầu tìm được các quy định rất vô lý, mà trước đó không cơ quan nào thừa nhận. Nào là 1 khách sạn phải xin 20 loại giấy, mà các loại giấy này thường ngắn, cứ 3 - 6 tháng doanh nghiệp phải đến xin lại. Hay để lắp đặt ăng-ten TVRO ở Cà Mau, phải được Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin ký giấy, bao nhiêu ăng-ten thì bấy nhiêu lần ký…
“Chúng tôi không né tránh, báo cáo chi tiết với Thủ tướng vào tháng 2/1999. Ông đã đọc rất kỹ, tôi chắc chắn vậy, khi nhìn thấy văn bản có nhiều dòng gạch chân và bút phê tiếp tục rà soát”, ông Sơn kể lại.
Kể về khoảng thời gian này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, khi đó là thư ký Tổ Biên tập Luật Doanh nghiệp 1999 trân trọng nói: “Nếu không có sự ủng hộ của Thủ tướng Phan Văn Khải, sẽ không có cuộc cách mạng về tư duy quản lý nhà nước, về quyền kinh doanh của doanh nghiệp, về khung khổ pháp lý của kinh tế thị trường hiện đại mà Luật Doanh nghiệp 1999 đặt nền tảng”.
Lúc đó, dù việc soạn thảo Luật Doanh nghiệp đã vào giai đoạn nước rút, song va chạm về tư duy quản lý nhà nước giữa Ban Soạn thảo và các bộ, ngành, địa phương vẫn còn. Nhiều điểm được cho là cải cách, như bỏ quy định vốn pháp định, bỏ lý lịch tư pháp của người thành lập doanh nghiệp, xác định ngành nghề kinh doanh có điều kiện... bị phản đối rất mạnh, ngay cả khi bàn thảo tại Quốc hội.
Ông Sơn cũng kể, các đợt khảo sát quy định điều kiện kinh doanh khi đó của Văn phòng Chính phủ, sau đó là phối hợp với Ban Soạn thảo Luật Doanh nghiệp và sau nữa là Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, dù có “thượng phương bảo kiếm” là Công văn 1247/1998/CP-KTQĐ, nhưng không phải đều suôn sẻ. Có người sau này vướng kiện cáo do chạm vào lợi ích của một số quan chức địa phương.
Nhưng, áp lực phải thay đổi được Thủ tướng Phan Văn Khải thực hiện theo cách “dội” từ trên xuống các bộ, ngành, địa phương đã làm nên những xoay chuyển rất lớn trong cách nghĩ, cách làm của bộ máy công chức. Chính thời gian này, tư tưởng “doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm” và “công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép” được lan rộng.
Tháng 3/1999, Thủ tướng tiếp tục ra văn bản yêu cầu các bộ, ngành hệ thống hóa toàn bộ văn bản pháp quy còn hiệu lực về quản lý ngành, lĩnh vực liên quan đến thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng những ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh phải có giấy phép, ngành nghề kinh doanh có điều kiện...
Các nội dung này được thể chế hóa khi Luật Doanh nghiệp được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa X, tháng 5/1999. Tháng 12/1999, khi Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp được Thủ tướng thành lập theo đề nghị của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, tư tưởng trên được kế thừa, phát huy, mở màn cuộc chiến không ngừng nghỉ với các loại giấy phép con, để bảo vệ quyền tự do kinh doanh của người dân, cho đến tận bây giờ.
Trong vòng vài năm, cộng đồng kinh doanh Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng. Trong 3 năm 2000-2002, trên 55.000 doanh nghiệp mới được thành lập, vượt con số 45.000 doanh nghiệp trong 10 năm trước đó. Số doanh nghiệp tư nhân trong các ngành nghề được bãi bỏ giấy phép tăng đột biến. Nhiều doanh nhân Việt Nam thành danh hiện tại bắt đầu khởi nghiệp trong giai đoạn này.
Năm 2004, trong Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp, Thủ tướng Phan Văn Khải một lần nữa làm nên cuộc cách mạng trong tiến trình phát triển của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam.
“Hôm đó, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhấn mạnh từng chữ: “Kể từ ngày hôm nay lấy ngày 13/10 hàng năm là Ngày doanh nhân Việt Nam”. Chúng tôi vẫn nói Thủ tướng Phan Văn Khải đã tạo ra khung khổ pháp lý, tạo ra môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân hoạt động, phát triển, bước chân ra thế giới và đã trả lại tên cho doanh nhân tư nhân Việt Nam”, ông Lộc nói.
Vào thời điểm này, nền tảng tư duy về quyền kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và vị trí của doanh nhân Việt Nam mà Thủ tướng Phan Văn Khải đã đặt nền móng vẫn tiếp tục được hoàn thiện, thể chế hóa...
“Các bộ, ngành, chính quyền các cấp phải tạo điều kiện thuận lợi cho tinh thần kinh doanh được nảy nở trong các tầng lớp nhân dân, cho ý thức phục vụ kinh doanh nảy nở trong đội ngũ công chức trong bộ máy công quyền.
Trước mắt, phải khắc phục và đi đến xóa bỏ những rào cản, đó là giảm rủi ro liên quan đến hệ thống luật pháp và chính sách còn thiếu minh bạch; xóa bỏ bao cấp, bảo hộ và độc quyền bất hợp lý; thu hẹp khoảng cách giữa chính sách, luật lệ và thực tiễn thi hành. Những vướng mắc về thuế, hải quan, mặt bằng cho sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, cần được các cơ quan quản lý nhà nước phân tích, tìm ra nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục”.