Men theo bờ đê, tôi rảo chân bước nhanh về làng để tìm gặp một cái cây khẳng khiu, năm nào cũng trơ trọi mùa thay lá và ra hoa đỏ rưng rức trong ký ức của biết bao đứa trẻ miền Bắc: hoa gạo.
Nhớ ngày xưa, "tháng Ba, ngày Tám", đó là lúc giáp hạt. Đây cũng là lúc cái đói không đợi lại tìm về. Thóc trong bồ nhà nào cũng đã vơi cạn, lúa ngoài đồng thì đang đẻ nhánh, rau mùa lạnh đã tàn mà mùa nóng thì chưa đến, rau trái trong vườn cũng vừa mới nhú thôi.
Cả làng tôi ai cũng sợ thời khắc này. Sợ đói thì ít mà sợ cái bản năng trong mình trỗi dậy thì nhiều. Bao nhiêu cái tao nhã, thanh cảnh ngày thường gìn giữ như báu vật nay mong manh dễ vỡ hơn trước cái đói, nghèo.
Ấy vậy mà hoa gạo vẫn cứ nở rộn rã, đỏ rực góc trời như thể cả làng chết đói mỗi một mình mình là no đủ. Chẳng ai ngắm hoa mà no được, nhưng khi nhìn thấy những bản thể đẹp đẽ ấy của tự nhiên, người làng tôi cũng phút chốc quên đi âm thanh cồn cào đang phát ra từ trong dạ dày.
Có lẽ trong ký ức của bà tôi, mẹ tôi vẫn chưa nguôi ngoai nỗi khắc khoải, chờ đợi mùa mới đến. Cái xót xa của nhà nông phải bán lúa non khi không thể chờ đến mùa gặt. Cả làng khóc dở, mếu dở…
Vì vậy, sau này khi xã cho tiền lát lại đường làng, quê tôi vẫn cứ phải chìa ra một khoảng đất trống hai bên cho trâu bò đi, vì chúng thích đi trên đất mềm và cả cây gạo đầu làng nữa. Cây gạo là hồn làng, là nhân chứng sống cuối cùng cho một thời đói nghèo rệu rã đã qua.
Ngay đầu con kênh lớn, giữa mịt mùng cây cối, tôi đã có thể nhìn thấy cái ngọn nhỏ của cây gạo nhô cao hẳn. Thân cây không cao lớn, thẳng đuột mà đứt đoạn, cong queo. Dăm ba chỗ thủng trên cây là nơi cư ngụ của các gia đình chim. Chim sẻ, chim ri đua nhau đến đây làm tổ.
Không biết cây gạo làng tôi đứng đó từ bao giờ, tôi không biết, bà nội tôi cũng không biết. Bà sống gần một thế kỷ mới khuất núi, mà ngày bà sinh ra, cây gạo đã nở những mấy mùa hoa đỏ rồi.
Các cụ trong làng thường bảo: “Quỷ thần cây đa, ma cây gạo”, nên cây mới được trồng ở đầu làng- nơi đắc địa nhất, cao ráo nhất, cũng là nơi côi lẻ nhất trong làng. Cho nên, lũ trẻ nghịch ngợm nhất làng cũng không đứa nào dám leo trèo hay đụng đến cây gạo này. Chúng thường đi qua đây với một thái độ lễ phép vô cùng trước khi trèo lên những cây xoan bên cạnh mà vặt, mà bứt, mà đu cành.
Tháng Ba mùa con ong đi lấy mật. Hoa gạo lại nở như đánh thức khoảng trời vạt sông tháng Ba ngái ngủ, như đặt một dấu chấm hết cho mùa Xuân xanh non vừa qua. Khi ấy, làng tôi cũng được thắp lên thứ ánh sáng đỏ mỡ, vừa thanh tân vừa cổ kính, vừa kiêu xa vừa dân giã.
Riêng một góc trời, hoa gạo nở đỏ chói chang, cháy hết mình để thắp sáng cho bao nhiêu trang văn thơ với những cái tên đẹp, Pơ Lang, Mộc Miên. Chỉ thoáng nghe qua thôi cũng làm người ta thấy động lòng.
Hoa gạo 5 cánh đỏ rực, khi rơi cánh hoa xoay xoay như chiếc chong chóng nhìn thật đẹp. Có cây gạo nằm giữa đồng hay bên triền sông, mỗi lần vào mùa hoa gạo rụng đỏ nhìn thật nên thơ và yên bình.
Tán lá thì khum cong như mộ cổ làm không gian chúng hiện hữu đầy vẻ trầm mặc, tĩnh thiền, quyến rũ mê hoặc. Cành cây lúc nào cũng có vẻ u linh, kỳ quái và khi chiều tối thì tĩnh mịch, thâm nghiêm. Nó xâm chiếm và làm chủ tâm hồn cả một khoảng trời đến nỗi ai ngắm nhìn cũng phải rơi vào trạng thái trơ trụi cô đơn khi nó dời xa.
Hoa vào đầu mùa đã nở đẹp tươi rực rỡ. Hoa gạo đã vào làng cùng với mùa Hè, hay mùa Hè đã vào hết trong cả hoa gạo cũng không ai biết được.
Lũ trẻ trong làng, thấy hoa gạo nở là túm năm tụm ba kết hoa gạo thành vòng đeo vào cổ, đội lên đầu, dắt lên tai. Những thứ hoa đỏ phút chốc biến thành thứ trang sức lộng lẫy, phút chốc biến những đứa trẻ nghèo thành tiểu thư xinh đẹp.
Chúng làm tôi nhớ về những ngày đã cũ. Ngày xưa mình cũng thế, có đêm thao thức ước ao một sáng thức dậy căn nhà tranh vách đất hóa cung điện, vườn chuối sau nhà thành vườn thượng uyển ngát thơm. Còn mình, mình sẽ hóa thành nàng công chúa kiều diễn bên lũ chim muông ríu rít. Trí tưởng tượng của những đứa trẻ bao giờ cũng thánh thiện cho dù đứa nào cũng biết, những mơ ước không phải bao giờ cũng thành hiện thực.
Kệ thôi! Hoa gạo làng tôi vẫn nở đỏ, nắng vẫn hừng hực, còn tuổi trẻ tôi vẫn cứ đi vào khát khao giữa cuộc sống nhân sinh đầy phức tạp.
Nhờ có lũ trẻ mà tan cả một buổi chiều hoang…
Bây giờ về làng, thỉnh thoảng tôi lại gặp dăm ba tốp thanh niên từ đâu lại chụp ảnh giữa mùa hoa đẹp ngỡ ngàng, đầy lưu luyến.
Hành trang họ trở về bao giờ cũng là những tấm ảnh hoa đẹp như ý để “up face” khoe chơi chứ đâu phải những miên man cảm xúc về một loài hoa thôn quê đẹp lạ. Rồi chúng lại rối rít hẹn nhau mùa sau - đúng độ hoa gạo nở rộ lại đến, lại chụp, lại “up face” rồi lại hẹn hò nhau.
Hoa cũng biết làm giàu cho người. Nhờ chúng mà dăm ba quán nước nhỏ ven đê đã mọc lên để mời mọc khách chén trà, bao thuốc lá, vài gói kẹo lạc kiếm dăn ba đồng đi chợ. Hết mùa hoa, nơi này thành nơi hội họp, chuyện xã này, xã kia, phố này, phố kia cứ đến đây là được phơi bày.
Hiện đại cũng đâu có xấu lắm. Chỉ là hiện đại rồi, cái đẹp dân dã tuy được chiều chuộng hơn, nhưng màu mè và hời hợt hơn trước mà thôi.
Một chiều khác đầy gió, tôi thấy hoa gạo cuối mùa như người ốm kiệt, chờ giây phút về với đất. Bà tôi năm nào đó cũng từng như vậy trong một mùa hoa gạo...
Những cơn gió mùa khô thông thốc, thản nhiên thổi rẽ đám hoa hết sức sống dập dềnh, oằn oại. Không thể hình dung trước đó, chúng đã từng là bức tranh rực rỡ, sống động. Nhìn hoa, ngẫm đời. Thân này vay mượn, đến một ngày hết duyên sẽ lại lụi tàn như tro, chỉ còn những trong trẻo của tâm linh.
Xóm làng khi ấy mờ đục sương sau lưng chúng tôi. Làng quê bình yên và thơ mộng theo cách nó yêu riêng mỗi con người chưa xa đã nhớ. Người chọn rời đi còn quê hương chọn ở lại. Hoa gạo đã bao mùa ngả nghiêng trong gió. Lác đác vài bông tươi tắn tít trên cao, đang đỏ hết mình cho ngày mai héo úa, chẳng tiếc gì và lại âm thầm dồn tất cả tinh lực tạo dựng cho vẻ đẹp mùa sau.
Từ ngày bà mất, tháng Ba nào tôi cũng về chứng kiến mùa hoa gạo đỏ rồi rụng bằng những thong thả và tĩnh lặng rất riêng, đủ làm rung lên những vui buồn khuất lấp trong tâm hồn mỗi con người bận rộn.
Lòng càng chùn lại khi hoa gạo không còn rực nở nữa. Những đám cây khẳng khiu, rối rắm, xác xơ, đài hoa trơ trọi dưới đường gợi một vẻ đẹp tự nhiên, hoang dã, gợi cảm và đúng hoàn toàn với quy luật nhân sinh. Cuộc sống cứ giản dị và bình thản trôi. Như mỗi ngày vẫn thế.
---------------------------
Bây giờ tôi đã đi xa gần chục năm trời. Hình ảnh cây gạo đầu làng với tiếng chim hót ngọt bùi ngày nào vẫn như một sợi dây nối về quá khứ, ám ảnh tôi suốt những tháng năm ở nơi đất khách quê người.
Chỉ còn cây gạo đầu đình
Chơ vơ như kẻ thất tình đứng trông
(Thơ trích "Ngôi nhà không bình yên” - Thúy Ngoan)
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com