Đã 4 năm sau khi Trần Lập - người thủ lĩnh của nhóm nhạc Rock đình đám nhất Việt Nam một thời về cõi tạm, nhưng có lẽ ký ức về anh lại vẫn mới mẻ như thuở nào, với nhiều người.
Tôi còn nhớ mãi năm 1998, đó là lần đầu tiên tôi biết đến Rock của Bức Tường qua “Bông hồng thủy tinh”. Đó là một trong vài tiết mục văn nghệ chào đón lứa học sinh Trung học phổ thông đầu năm mới, ở một ngôi trường huyện ở mãi Ba Vì.
Thú thực, trước đó tôi chưa từng nghe Rock. Tôi chỉ mơ hồ hiểu rằng, nhạc Rock, là thứ nhạc vũ bão, cuồng phong… và gào thét. Hôm đó, tôi thấy một chất Rock khác, nhẹ hơn, mềm hơn.
Nhưng ngày đó, cũng chỉ mới biết qua, rồi quên.
Nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập. Ảnh: Internet.
Bẵng đi đâu gần chục năm sau khi đã đi làm, cũng là thời của nhạc số, nhạc Internet làm mưa làm gió, vô tình một buổi, tôi chợt biết đến những “Mắt đen”, “Người đàn bà hóa đá”, “Tâm hồn của đá”, “Niềm tin cho cát bụi”, “Giọt đắng”, “Trở về”, “Cây bàng”, “Hoa ban trắng”…
Lúc đó, tôi mới biết, Trần Lập và Bức Tường không chỉ có mỗi một “Bông hồng thủy tinh”.
Từ đó, tôi mê mẩn Bức Tường, mê mẩn giọng hát đậm chất tự sự của Trần Lập.
Bức Tường đã khai sáng tôi về Rock, rồi cho tôi biết một nét riêng khác, Rock không phải lúc nào cũng là gào thét, lên gân. Rock không phải lúc nào cũng phải cháy rần rật. Rock có lúc chỉ như lời kể, như lời thì thầm tâm sự của những kẻ đang yêu. Điều đó có hết trong “Mắt đen”, “Giọt đắng”…
Bức Tường trong một liveshow. Ảnh: Internet.
Một điều nữa, âm nhạc của Bức Tường dễ nghe, nó đầy tính nhân văn nhưng lại được dung dị hóa một cách nhẹ nhàng, bộc trực trong từng ca từ, giai điệu. Có lẽ, với các fan của Bức Tường, chẳng ai có thể quên những đoạn dạo ghi ta đầy ám ảnh, chẳng ai có thể quên giọng hát giàu nội lực phát ra từ một ca sĩ có thân hình nhỏ nhắn, bụi bặm. Đó là những nghĩ suy về một kiếp người trong “Niềm tin cho cát bụi”, đó là một câu chuyện tình buồn mang màu huyền thoại trong “Người đàn bà hóa đá”, đó là niềm vui khi cất bước trở về với mái ấm, bếp lửa gia đình trong “Trở về”…
Nói đến Bức Tường là nói đến Trần Lập. Và ngược lại. Thú thật, bao nhiêu năm nay, khi nghe Rock Việt, tôi chỉ nghe được mỗi nhạc của Bức Tường. Có thể đó là cái tiêu cực của một fan đã bị ban nhạc bỏ bùa.
Nhưng tôi thích Bức Tường không chỉ vì âm nhạc, dù đó là lý do khởi nguyên. Tôi còn thích Bức Tường bởi câu chuyện của nó và của người thủ lĩnh.
Cho đến tận những ngày cuối đời, Trần Lập vẫn hát, vẫn truyền đi năng lượng sống tích cực cho những người quanh mình. Giọng hát của anh chính là “đôi bàn tay thắp lửa” (tên một chương trình ca nhạc của Bức Tường) cho biết bao người. Và điều đó được duy trì suốt những tháng năm rực rỡ đã qua, ngày Bức Tường còn Trần Lập.
Bức Tường là một trong những nhóm nhạc có lượng fan "khủng" nhất tại Việt Nam. Ảnh: Internet.
Ra đời, trưởng thành và có lẽ vẫn là hình mẫu thành công nhất của phong trào ca nhạc sinh viên. Bức Tường đã tự viết nên câu chuyện của mình, khẳng định vị thế độc tôn, không thể xô đổ trong lòng quá nhiều người hâm mộ.
Bức Tường dù chẳng còn như xưa khi mất đi nhạc sĩ sáng tác, kiêm ca sĩ chính, nhưng tôi tin, họ đã thực sự trở thành huyền thoại, dù người còn, người mất.