Nhớ góc nhà cuối năm

Nhớ góc nhà cuối năm

(ĐTCK) Góc nhà ấy chỉ có nhánh cây lưỡi hổ và ký hạt cà phê bỏ trong túi vải, mà cô gái nhớ da diết. Cuối năm rồi, về thăm nhà vào dịp giỗ ba, nên buồn vui cứ trộn lẫn…

1. Thời ba cô còn sống, ông trồng cây lưỡi hổ trong góc nhà. Cây lưỡi hổ chịu được ở nơi không có ánh nắng, thân cây uốn xoắn khá dễ thương, nên phù hợp làm kiểng. Chỉ cần mỗi ngày tưới cho cây ít nước, là cứ nhánh mẹ đẻ nhánh con, sống tươi xanh, nhìn thấy cưng lắm. Phàm cứ trồng cây gì mà không mất nhiều công chăm sóc, là thích lắm rồi, là phù hợp với cuộc sống bận rộn hiện đại lắm rồi.

Ba cô làm trong lực lượng vũ trang, ông đi miết. Những ngày cuối năm lại càng nhiều việc, về tới nhà là nghe điện thoại réo gọi suốt, khiến bữa ăn, giấc ngủ cũng khó mà tròn trịa. Ông làm nghề võ, nhưng tâm hồn lại rất văn. Ông đọc sách báo nhiều, ai viết chuyện gì hay, ông đều ghi nhớ lại, điện thoại cho con gái trao đổi. Những năm học Đại học rồi đi làm xa gia đình, cô gái luôn ngóng chờ các cú điện thoại của ba. Ngay cả khi ông trồng cây lưỡi hổ trong phòng ngủ, nói rằng để có thêm oxy trong lành, ông cũng nói chuyện với con gái. Và khi để thêm ký cà phê ở góc nhà, ông còn nhờ con tư vấn chọn cho loại túi vải nào mà nhìn cũng phải “art” chút. Ờ, vậy mới tạo phong cách.

Cô gái mỗi lần về thăm nhà, đều vô phòng ba để thăm cây lưỡi hổ. Tuổi 20, như chúng bạn, cô thường selfie chụp hình để khoe với bạn bè trên trang cá nhân. Và góc nhà này chính là nơi để cô “sống ảo” nhiều nhất. Chậu cây lưỡi hổ không lớn nhưng cũng chẳng nhỏ, bịch cà phê nhìn rất chất là bởi ba cô đã bỏ các hạt cà phê vô chiếc bao bố được thiết kế handmade do nhóm bạn trẻ thích sự sáng tạo thể hiện. Giản đơn vậy, mà khi lên hình lại tạo dấu ấn không ngờ. Góc nhà của ba, lần nào cô đưa ảnh lên mạng xã hội, đều được các bạn hỏi chụp ở quán cà phê nào mà hay đến thế.

Cô khoe với ba, ông cười lớn, nói ba cũng có con mắt tinh đời, cũng bắt nhịp theo xu hướng của giới trẻ rất phù hợp, phải không?

Những điều êm đềm và vui vẻ ấy, qua nhanh, vì ba cô mắc trọng bệnh. Ông phải nghỉ việc để chữa trị, sức khỏe ngày càng yếu đi. Dù ngồi xe lăn, nhưng ông không quên tưới nước cho cây lưỡi hổ, chăm chút góc nhà, nơi cô con gái thường xuyên chụp hình, một cách chỉn chu nhất. Và cứ mỗi ngày, giọng nói của ông yếu dần đi, thì ông cũng vẫn giữ thói quen trò chuyện với con, những câu chuyện giờ chỉ thu thập được qua tin tức nghe từ chiếc đài phát thanh để ngay đầu giường. Từ một người năng động, đi lại hoạt bát, cha cô đổ bệnh mỗi ngày mỗi nặng. Những ngày cuối đời, cuộc sống của ông phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở, vào các ống dây truyền đạm, truyền nước…

2. Những ngày cuối năm, khi chưa sắp xếp công việc để về nhà sớm, cô gái lại ngồi quay quắt nhớ góc nhà. Cô thường xuyên điện thoại nhắc bà dì tưới nước cho cây lưỡi hổ, và vài ba tháng lại thay bịch cà phê cho căn phòng tươi mới như đã từng. Từ ngày ba mất, cô gái không ngồi ở góc nhà tự chụp hình đăng lên trang cá nhân nữa. Cô cũng thiếu hẳn đi người trò chuyện hàng ngày, bàn luận về đủ thứ chuyện trên trời dưới bể. Ngày giỗ ba, cô chỉ quanh quẩn ở góc nhà ấy, và cảm giác như ba cô cũng đang ở đâu đây.

Ngày cô theo chồng đi nước ngoài, bà dì nói có người trả giá căn nhà cao lắm vì sắp tới có cây cầu được bắc qua sông kế nhà. Hay là con bán nhà đi, bà dì nói, rồi mua căn chung cư đóng cửa để đó, hàng năm về viếng mộ ba vào ngày giỗ, sẽ dễ quản lý hơn phải trông coi cả căn nhà vườn rộng rãi thế này. Cô phản đối ngay lập tức ý tưởng này, nhớ lại cây lưỡi hổ chẳng cần chút ánh nắng nào, vẫn xanh tươi phơi phới ở góc nhà. Cô gái biết, rồi đây sẽ ít được ngồi ở trong khoảnh riêng tư ấy của cha và của con. Và cô sinh con nhỏ, không dễ gì trở về nhà thường xuyên như thời thiếu nữ. Nhưng cô vẫn cố gắng hết sức giữ lại căn nhà, hoặc ít nhất, giữ lại góc nhà.

Tất nhiên, góc nhà ấy luôn là sự tươi mới, của ngày mới. Như các câu chuyện của cha cô kể mỗi ngày…

Tin bài liên quan